Kinh tếTin chuyên ngành

Vai trò của khu công nghiệp

Vai trò của khu công nghiệp

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các KCN có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, nhất là các nước đang phát triển thì việc hình thành các Khu công nghiệp đã tạo ra được cơ hội phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa rút ngắn bởi có thể kết hợp và học tập được những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ, về tổ chức và quản lý doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để phát triển, cụ thể:

1. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nền kinh tế

– KCN với đặc điểm là nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại và thu hút các nhà đầu tư cùng đầu tư trên một vùng không gian lãnh thổ do vậy đó là nơi tập trung và kết hợp sức mạnh nguồn vốn trong và ngoài nước. Với quy chế quản lý thống nhất và các chính sách ưu đãi, các KCN đã tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài; hơn nữa việc phát triển các KCN cũng phù hợp với chiến lược kinh doanh của các tập đoàn, công ty đa quốc gia trong việc mở rộng phạm vi hoạt động trên cơ sở tranh thủ ưu đãi thuế quan từ phía nước chủ nhà, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và khai thác thị trường mới ở các nước đang phát triển. Do vậy, KCN giúp cho việc tăng cường huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho phát triển kinh tế xã hội và là đầu mối quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng giúp quốc gia thực hiện và đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác sự hoạt động của đồng vốn có nguồn gốc từ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã tác động tích cực thúc đẩy sự lưu thông và hoạt động của đồng vốn trong nước.

>>> Khái niệm khu công nghiệp

– Việc khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào KCN bằng nhiều hình thức, đa dạng sẽ thu hút được một nguồn vốn lớn trong nước tham gia đầu tư vào các KCN. Đây là nguồn vốn tiềm tàng rất lớn trong xã hội chưa được khai thác và sử dụng hữu ích. Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng hạ tầng KCN và đầu tư sản xuất trong KCN sẽ tạo sự tin tưởng và là động lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào KCN. Thực tế trong thời gian vừa qua, các KCN đã thu hút được khá nhiều các nguồn vốn cho mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng.

2. Đẩy  mạnh xuất khẩu, tăng thu và giảm chi ngoại tệ và góp phần tăng nguồn thu ngân sách

Sự phát triển các KCN có tác động rất lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra từ các KCN chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số lượng hàng hóa xuất khẩu của địa phương và của cả nước. Khi các KCN mới bắt đầu đi vào hoạt động, lúc này nguồn thu ngoại tệ của các KCN chưa đảm bảo vì các doanh nghiệp phải dùng số ngoại tệ thu được để nhập khẩu công nghệ, dây chuyền, máy móc thiết bị … nhưng cái lợi thu được là nhập khẩu nhưng không mất ngoại tệ. Khi các doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả thì lúc đó nguồn thu ngoại tệ bắt đầu tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN. Ngoài ra, hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua việc cung ứng nguyên vật liệu của các doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong KCN và việc một số doanh nghiệp chế xuất tổ chức gia công một số chi tiết, phụ tùng, một số công đoạn tại các doanh nghiệp trong nước góp phần vào quá trình nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các KCN cũng đóng góp đáng kể vào việc tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương và đóng góp chung cho nguồn thu của quốc gia

3. Tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại và kích thích sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp trong nước

– Kinh nghiệm phát triển của nhiều nước trên thế giới cho thấy việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của các nước đi trước là một trong những bí quyết để phát triển và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Việc tiếp cận và vận dụng linh hoạt kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia là một trong những giải pháp mà các nước đang phát triển áp dụng nhằm rút ngắn thời gian của quá trình công nghiệp hóa. Cùng với sự hoạt động của các KCN một lượng không nhỏ các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất đồng bộ, kỹ năng quản lý hiện đại…đã được chuyển giao và áp dụng thành công trong các ngành công nghiệp; Việc chuyển giao công nghệ của khu vực FDI tới các doanh nghiệp trong nước đã góp phần thúc đẩy vào việc tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong các ngành công nghiệp. KCN thúc đẩy sự phát triển năng lực khoa học công nghệ góp phần tạo ra những năng lực sản xuất mới, ngành nghề mới, công nghệ mới, sản phẩm mới, phương thức sản xuất, kinh doanh mới… giúp cho nền kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế và phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH của quốc gia.

– KCN là nơi tập trung hóa sản xuất cao và từ việc được tổ chức sản xuất khoa học, trang bị công nghệ kỹ thuật tiên tiến của các doanh nghiệp FDI, các cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật làm việc tại các KCN sẽ được đào tạo và đào tạo lại về kinh nghiệm quản lý, phưong pháp làm việc với công nghệ hiện đại, tác phong công nghiệp …. Những kết quả này có ảnh hưởng gián tiếp và tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước trong việc đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương pháp quản lý … để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Sự có mặt của các tập đoàn công nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia, các công ty có uy tín trên thế giới trong các KCN cũng là một tác nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ theo hướng liên doanh, liên kết. Thông qua đó cho phép các công ty trong nước có thể vươn lên trở thành các nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế và trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh, các công ty đa quốc gia

4. Tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng và phát triển KCN đã thu hút một lượng lớn lao động vào làm việc tại các KCN và đã có tác động tích cực tới việc xóa đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng dân cư đồng thời góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây nên. Phát triển KCN góp phần quan trọng trong việc phân công lại lực lượng lao động trong xã hội, đồng thời thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường lao động có trình độ và hàm lượng chất xám cao. Quan hệ cung cầu lao động diễn ra ở thị trường này diễn ra gay gắt chính là động lực thúc đẩy người sử dụng lao động, người lao động phải rèn luyện và không ngừng học tập, nâng cao trình độ tay nghề. Như vậy, KCN đóng góp rất lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tế và hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại thông qua việc xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, liên kết gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm giữa các doanh nghiệp KCN với nhà trường.

5. Thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng và là hạt nhân hình thành đô thị mới

Xây dựng và phát triển các KCN trong phạm vi từng tỉnh, thành phố, vùng kinh tế và quốc gia là hạt nhân thúc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN tại các địa phương, cụ thể:

– Cùng với quá trình hình thành và phát triển KCN, kết cấu hạ tầng của các KCN được hoàn thiện; kích thích phát triển kinh tế địa phương thông qua việc cải thiện các điều kiện về kỹ thuật hạ tầng trong khu vực, gia tăng nhu cầu về các dịch vụ phụ trợ, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong khu vực; góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;

– Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong KCN không những thu hút các dự án đầu tư mới mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô để tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh, hoặc di chuyển ra khỏi các khu đông dân cư, tạo điều kiện để các địa phương giải quyết các vấn đề ô nhiễm, bảo vệ môi trường đô thị, tái tạo và hình thành quỹ đất mới phục vụ các mục đích khác của cộng đồng trong khu vực;

– Quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN còn đảm bảo sự liên thông giữa các vùng, định hướng cho quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, các khu đô thị vệ tinh, hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ… các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người lao động và cư dân trong khu vực như: nhà ở, trường học, bệnh viện, khu giải trí…;

– Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đón bắt và thu hút đầu tư vào các ngành như điện, giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, cảng biển, các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, phát triển thị trường địa ốc… đáp ứng nhu cầu hoạt động và phát triển của các KCN[123];

– Phát triển KCN là hạt nhân hình thành đô thị mới, mang lại văn minh đô thị góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho khu vực rộng lớn được đô thị hóa.

6. Phát triển KCN gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Do vậy để một doanh nghiệp đơn lẻ xây dựng các công trình xử lý chất thải rất tốn kém, khó có thể đảm bảo được chất lượng nhất là trong điều kiện hiện nay ở nước ta phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. KCN là nơi tập trung số lượng lớn nhà máy công nghiệp, do vậy có điều kiện đầu tư tập trung trong việc quản lý, kiểm soát, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy việc xây dựng các KCN là tạo thuận lợi để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành, khu dân cư đông đúc, hạn chế một phần mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện môi trường theo hướng thân thiện với môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, KCN còn là động lực thúc đẩy việc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính, góp phần cơ cấu lại lĩnh vực phân phối, lưu thông và dịch vụ xã hội; tạo điều kiện cho các địa phương phát huy thế mạnh đặc thù của mình, đồng thời hình thành mối liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất trong từng vùng, miền và cả nước; từ đó tạo ra những năng lực sản xuất, ngành nghề và công nghệ mới, làm cho cơ cấu kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố và khu vực toàn tuyến hành lang kinh tế nói chung từng bước chuyển biến theo hướng một nền kinh tế CNH, thị trường, hiện đại[123].

Vai trò của khu công nghiệp

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

One thought on “Vai trò của khu công nghiệp

  • có vai trò của trung tâm công nghiệp không ạ?

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *