Khái niệm phát triển và phát triển bền vững
Khái niệm phát triển và phát triển bền vững
Khái niệm phát triển
Cụm từ phát triển bền vững nói chung hay phát triển nói riêng được định nghĩa một cách khái quát trong Từ điển Oxford là: “Sự gia tăng dần của một sự vật theo hướng tiến bộ hơn, mạnh hơn” Trong từ điển Bách khoa của Việt Nam, phát triển được quan niệm là:
“Phạm trù triết học chỉ ra tính chất của những biến đổi đang diễn ra trong thế giới” Chủ thể con người và mọi vật đều thay đổi theo thời gian, những sự phát triển được bao hàm ở cả hai khía cạnh: hướng đi lên – tiến bộ và phát triển thoái bộ – thoái hóa.
Phát triển (khoa học phát triển) mới ra đời những năm 1940-1950, đặc biệt phát triển mạnh vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Trong tiến trình đó, phát triển học có những thay đổi nhất định về nội hàm.
Giai đoạn đầu, nội dung chủ yếu của phát triển được đề cập trong kinh tế gọi là Kinh tế học phát triển, sau đó càng ngày càng phát triển theo hướng liên ngành. Tiếp sau đó, ở mức độ cao hơn, môn Xã hội học phát triển và Quản trị học phát triển ra đời, nhấn mạnh sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội có phần can thiệp của thể chế chính trị.
Ở giai đoạn cao như hiện nay, sự bùng nổ dân số, mức độ phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế, sự thiếu hụt tài nguyên do con người khai thác một cách vô ý thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, mức độ biến đổi khí hậu một cách khó lường… thuật ngữ phát triển bền vững ra đời.
PTBV ra đời năm 1992 và đã trở thành chiến lược phát triển của toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Phát triển bền vững
Có khá nhiều quan điểm khác nhau về phát triển bền vững nói chung. Sự khác nhau xuất phát từ quan điểm, định hướng, mục tiêu và phạm vi nghiên cứu. Khi nghiên cứu ở phạm vi hẹp như các tổ chức cụ thể, quan điểm được nhìn nhận một cách rộng rãi nhất của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (1987) cho rằng: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng yêu cầu hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng thỏa mãn nhu cầu đó của các thế hệ tương lai”, [51]. Quan điểm này cho thấy: thực chất của vấn đề PTBV là sự gia tăng số lượng, chất lượng của một tổ chức với mục đích là tối đa hóa lợi ích ở hiện tại nhưng phải đảm bảo cho những lợi ích đó được duy trì trong tương lai.
Xem thêm : Tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam
Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Rio – 92 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Johannesburg – 2002: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Ngoài ba mặt chủ yếu này, có nhiều nghiên cứu còn đề cập tới những khía cạnh khác của PTBV như: chính trị, văn hóa, tinh thần, dân tộc… và đòi hỏi phải tính toán và cân đối chúng trong hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho từng quốc gia, từng địa phương cụ thể.
Quan điểm về PTBV của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển cũng được sử dụng trong nhiều tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, mục tiêu nghiên cứu khác nhau và điều kiện nghiên cứu khác nhau sẽ đưa ra quan điểm khác nhau về PTBV. Cho dù tiếp cận theo góc độ nào thì phát triển bền vững cũng vẫn xoay quanh hai nội dung mang tính nòng cốt (1) Có sự gia tăng về số lượng và chất lượng để đáp ứng các nhu cầu hiện tại, (2) Đảm bảo duy trì lợi ích trong tương lai. Hai nội dung mang tính cốt lõi này sẽ xuyên suốt quá trình nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến PTBV.
PTBV là một nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Ở Việt Nam, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra và các cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững”. Đây là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phư ng, các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện và phối hợp hành động. Mục tiêu bảo đảm PTBV đất nước trong thế kỷ XXI chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở thực hiện chiến lược PTBV trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, trong đó có PTBV các KCN.