Các nghiên cứu về các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu
Nhóm 1: Tác động của nhân tố thuộc về môi trường kinh tế vĩ mô
Trong thời gian qua, một số luận án tiến sĩ ở nước ngoài đã tiến hành đánh giá tác động của các nhân tố thuộc môi trường kinh tế vĩ mô đến giá CP. Cụ thể là:
Luận án tiến sĩ của Mullins (2014) với đề tài “Stock market prices: determinants and consequences” [110] đã phân tích các nhân tố tác động đến giá thị trường CP và hệ quả của tác động này trên một số khía cạnh. Thứ nhất, kết quả phân tích biến động giá CP tại 23 TTCK trong giai đoạn 1700-1987 cho thấy giai đoạn nào mà giá CP tăng nhanh là bằng chứng báo hiệu khủng hoảng tài chính sắp xảy ra. Hơn nữa, lãi suất LIBOR và lạm phát có tác động ngược chiều lên biến động giá CP tại TTCK Anh nói riêng.
Luận án tiến sĩ của Apiyeva (2007) với đề tài “The determinants of stock market performance in emerging economies: The case of Latin America and Asia Pacific [57] phân tích các khía cạnh đặc trưng của các TTCK mới nổi. Nghiên cứu sử dụng các biến đánh giá tác động là lạm phát, tỉ giá hối đoái, rủi ro thị trường của CP (Beta), lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ tại 06 TTCK Mỹ La Tinh và 04 TTCK Châu Á-Thái Bình Dương. Kết quả cho thấy Beta là nhân tố có tác động lớn nhất đến tỉ suất sinh lợi, qua đó đưa ra những khuyến nghị chính sách cho nhà quản lí thị trường nhằm duy trì tăng trưởng ổn định giá CP.8
Về ảnh hưởng của GDP, nhiều công trình nghiên cứu khác đã được tìm thấy. Cụ thể có nghiên cứu của Chinzara (2011) “Macroeconomic uncertainty and conditional stock market volatility in South Africa area” [74] đưa ra kết luận GDP tác động cùng chiều lên giá CP. Trong khi đó, nghiên cứu của Hsing và cộng sự (2012) “Impacts of macroeconomic variables on the stock market index in Poland: New evidence” [88] khẳng định tầm quan trọng của sự đồng biến động giữa GDP và giá CP trong ngắn hạn.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác đo lường tác động của GDP lên tỉ suất sinh lợi của CP, bao gồm Nayaran và cộng sự (2014) “Are Indian stock returns predictable?” [113]; Khan và cộng sự (2018) “The Impact of macroeconomic variables on stock prices: A case study of Karachi stock exchange”[95]; Mishra và cộng sự (2020) “Does the Indian financial market nosedive because of the COVID-19 outbreak, in comparison to after demonetization and the GST?“[107] cũng khẳng định GDP có quan hệ cùng chiều với giá CP.
Hơn nữa, có những nghiên cứu cung cấp bằng chứng về sự vận động của giá CP theo chu kỳ kinh tế ở cấp độ quốc gia. Đại diện gồm có Sharma và cộng sự (2015) về “Stock return forecasting: Some new evidence“[127]. Phát hiện quan trọng của nghiên cứu cho thấy biến động giá cổ phiếu và tỉ suất sinh lợi theo ngành phụ thuộc vào đặc điểm ngành và đại diện bởi quy mô vốn chủ sở hữu cũng như P/E của ngành. Nghiên cứu của Ray (2012) về “Testing Granger causal relationship between macroeconomic variables and stock price behaviour [119] cho thấy GDP, cung tiền, chỉ số giá hàng hóa cơ bản, chỉ số sản xuất công nghiệp có quan hệ nhân quả một chiều với giá cổ phiếu. Nghiên cứu của Chen và cộng sự (2013) về “What drives stock price movements?” [73] đã kết luận về ảnh hưởng của thị trường bò tót (bull market) và thị trường con gấu (bear market) đến giá CP.
Về tác động của tỉ giá hối đoái, có những nghiên cứu tìm ra bằng chứng tác động cùng chiều bao gồm Moore & Wang (2014) nhan đề “Dynamic linkage between real exchange rates and stock prices: Evidence from developed and emerging Asian markets”[109]; Shula (2017) về “The impact of GDP, inflation, interest and exchange rates on the stock market in Zambia“[129]. Trái lại, nghiên cứu của Gong & Dai (2017) “Monetary policy, exchange rate fluctuation, and herding behavior in the stock market” [81] và nghiên cứu của Agrawal và cộng sự (2010) về “A study of exchange rates movement and stock market volatility” [49] có kết quả cho thấy tỉ giá hối đoái có tác động ngược chiều đến giá cổ phiếu trên TTCK.
Về ảnh hưởng của lãi suất, nghiên cứu của Alam & Uddin (2009) về “Relationship between interest rate and stock price: Empirical evidence from developed and developing countries” [50]; và nghiên cứu của Jefferis & Okeahalam (2000) về “The impact of economic fundamentals on stock markets in Southern Africa” [94] đã cho thấy bằng chứng tác động ngược chiều của lãi suất lên giá cổ phiếu ở các nước đang phát triển.
Về tác động của lạm phát, từ năm 2009 trở lại đây có một số nghiên cứu đưa ra kết luận khác nhau. Có những nghiên cứu khẳng định mối quan hệ cùng chiều giữa lạm phát và giá CP, nhưng một số khác nhận thấy đây là mối quan hệ ngược chiều, hoặc có những giai đoạn cùng chiều, có giai đoạn ngược chiều. Chẳng hạn, trong công trình đồ sộ của Antonakakis và cộng sự (2017) nhan đề “Has the correlation of inflation and stock prices changed in the United States over the last two centuries?” [55] phát hiện quan hệ cùng chiều trong giai đoạn 1791÷2015 và ngược chiều trong các thập kỉ thập kỉ 1840, 1860, 1930 và 2011. Nghiên cứu chỉ tìm thấy tác động ngược chiều bao gồm Reddy (2012) nhan đề “Impact of inflation and GDP on stock market returns in India” [121]; Kumar và cộng sự (2012) nhan đề “The impact of macroeconomic fundamentals on stock prices: Evidence from Indian data” [99]; Saleem và cộng sự (2013) nhan đề “The relationship between inflation and stock return: Evidence from Pakistan” [125].
Về tác động của cung tiền, có nhiều nghiên cứu tại các thị trường đang phát triển chứng tỏ lượng cung tiền của ngân hàng trung ương (NHTƯ) có tác động tới giá CP. Điển hình trong số đó có Shiblee (2009) về “The impact of inflation, GDP, unemployment, and money supply on stock prices” [128] cho thấy cung tiền là nhân tố có tác động mạnh và tích cực lên giá CP, nhưng đồng thời khi lạm phát và thất nghiệp tăng cao thì tác động này bị yếu đi khá nhiều. Một nghiên cứu khác của Ghazali và Yakob (2016) nhan đề “The money supply and stock prices: The case of Malaysia” [80] tìm thấy bằng chứng giá CP tăng lên khi NHTƯ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, đồng thời những kiểm định dựa trên quan sát trong dài hạn cũng khẳng định mối quan hệ cùng chiều này. Một nghiên cứu khác của Hussain và cộng sự (2012) về “The impact of macroeconomic variables on stock prices: An empirical analysis of Karachi stock exchange” [90] cho thấy trong dài hạn thì tỉ giá hối đoái, lãi suất thị trường, xuất nhập khẩu, cung tiền và chỉ số giá bán buôn có tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê tới giá CP, trong khi đó IIP có tác động ngược chiều.
Về tác động của sản xuất công nghiệp, nghiên cứu của Shahu và Bandopadhyay (2020) nhan đề “Relationship between industrial production and stock market: Evidence from India” [124] đã sử dụng kiểm định đồng liên kết Johansen để kiểm định mối quan hệ trong dài hạn và cùng chiều giữa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và giá CP trên thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, mô hình VECM cũng được hai tác giả sử dụng và cho thấy mối quan hệ cùng chiều diễn ra trong ngắn hạn.
Về tác động của giá vàng, nghiên cứu của Lawrence (2003) nhan đề “Why is gold different from other assets? An empirical investigation” [101] và của Garefalakis và cộng sự (2011) nhan đề “Determinant factors of Hong Kong stock market” [78] đều tìm thấy bằng chứng quan hệ ngược chiều giữa biến động giá vàng và giá CP. Các tác giả đã lập luận rằng giá vàng có mối quan hệ đặc biệt với giá CP. Vàng khác với các tài sản khác bởi vì tiềm năng đối với vàng là tính thanh khoản cao và nó phản ứng với những thay đổi giá. Vàng trong lịch sử thường được xem là “nơi tránh bão” giúp tránh thiệt hại xảy ra trong thời kỳ lạm phát, bất ổn xã hội, chiến tranh giữa các thời kỳ mà giá CP luôn luôn sụt giảm. Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, giá vàng tăng mạnh khi giá chứng khoán sụt giảm, mặc dù mức độ tác động mạnh yếu có thể khác nhau đối với từng nền kinh tế.
Nghiên cứu về tác động của giá vàng, giá dầu thô lên giá CP bao gồm Tursoy và Faisal (2018) nhan đề “The impact of gold and crude oil prices on stock market in Turkey: Empirical evidences from ARDL bounds test and combined integration” [131] cho thấy tác động ngược chiều của giá vàng lên giá chứng khoán trong dài hạn lẫn ngắn hạn. Tuy nhiên, nghiên cứu của Raza và cộng sự (2016) về“Asymmetric impact of gold, oil prices and their volatilities on stock prices of emerging markets” [120] kết luận giá vàng có tác động tích cực đến giá CP trong dài hạn lẫn trong ngắn hạn, trong đó tìm thấy bằng chứng tác động tích cực tại các thị trường có mức vốn hóa lớn thuộc khối BRICS, còn bằng chứng tác động tiêu cực được tìm thấy tại các thị trường Mexico, Malaysia, Thái lan, Chilê và Indonesia.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa chu kì kinh tế và khủng hoảng kinh tế trong các giai đoạn đến giá CP có đại diện là Bartram và Bodnar (2009) nhan đề “No place to hide: The global crisis in equity markets in 2008/2009” [64] đã đánh giá tác động của khủng hoảng toàn cầu lên các thị trường vốn với bằng chứng cho thấy giai đoạn biến động mạnh nhất diễn ra vào đầu năm cho đến giữa năm 2008, các chỉ số CP bị suy giảm từ 30 đến 40% so với thời điểm cuối năm 2006, trong đó khu vực tài chính với sự có mặt của các ngân hàng quốc tế lớn bị thiệt hại nhiều hơn các thị trường có quy mô trung bình và nhỏ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn cho thấy độ dao động giá CP ghi nhân tại các TTCK mới nổi có biên độ mạnh hơn thị trường phát triển.
Có thể nói, những luận án tiến sĩ, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế cung cấp nhiều bằng chứng thực tiễn về tác động của kinh tế vĩ mô đến giá CP. Qua đó, luận án có thể kế thừa một số điểm. Thứ nhất, thang đo giá CP được sử dụng là giá thị trường được niêm yết trên SGDCK (giá tuyệt đối), hoặc biến động giá CP theo tỉ lệ % biến động ở hai thời điểm niêm yết gần nhất (giá tương đối). Một số nghiên cứu sử dụng tỉ suất sinh lợi nhưng đã loại bỏ yếu tố cổ tức trong công thức tính toán. Thứ hai, kết quả nghiên cứu tác động của các nhân tố vĩ mô đến giá CP cho thấy sự đồng biến động của GDP; đồng thời chỉ ra tác động có khi cùng chiều, có khi ngược chiều của lãi suất, tỉ giá hối đoái, chỉ số sản xuất công nghiệp, giá vàng lên giá CP. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra biến động ngược chiều của lãi suất thị trường lên giá CP, chỉ số sản xuất công nghiệp hay giá dầu thô. Ngoài ra, những nghiên cứu về ảnh hưởng mang tính chu kì rất hữu ích cho luận án trong việc chỉ ra tác động của các nhân tố vĩ mô đến giá CP trong giai đoạn khủng hoảng hay tăng trưởng. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này chỉ đi sâu khai thác các mối quan hệ riêng lẻ của một số nhóm chỉ tiêu mà chưa xem xét một cách có hệ thống và toàn diện đến các yếu tố trong môi trường kinh tế vĩ mô tác động đến giá CP.
Nhóm 2: Những nghiên cứu về tác động của nhân tố hành vi đầu tư
Luận án tiến sĩ của Hickey (2020) nhan đề “Relative and absolute price efficiency in stock markets: Could behavioral finance and efficient markets both be correct?” [86] đã có những phát hiện quan trọng về vai trò độc lập của tài chính hành vi với nhân tố thuộc về thị trường hiệu quả. Hick tìm thấy bằng chứng giá tương đối bị tác động mạnh bởi nhân tố tâm lí, ngoài ra ông còn cho rằng tâm lí thị trường rất khó định lượng nên trong trường hợp này có thể sử dụng lý thuyết bất định của Frank Knight để giải thích các biến động mạnh trong giá CP.
Bên cạnh nghiên cứu nói trên, phản ứng của nhà đầu tư trước thông tin về lợi nhuận, tỉ suất sinh lợi kì vọng của CP được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu. Cụ thể là:
Nghiên cứu của Zhu và Niu (2016) nhan đề “Investor sentiment, accounting information and stock price: Evidence from China” [135] đã phân tích ảnh hưởng tâm lí của nhà đầu tư lên giá CP sử dụng mô hình định giá thu nhập thặng dư theo tăng trưởng thu nhập dự kiến và tỉ suất lợi nhuận đòi hỏi. Kết quả cho thấy tâm lí nhà đầu tư có tác động đến tăng trưởng thu nhập kì vọng và tỉ suất sinh lợi đòi hỏi, qua đó cũng thấy được ảnh hưởng gián tiếp của tâm lí đầu tư lên giá CP.
Nghiên cứu của Kim và cộng sự (2019) nhan đề “Investor sentiment, stock returns, and analyst recommendation changes: The KOSPI stock market” [97] đã kiểm định tương quan giữa tâm lí nhà đầu tư và sự thay đổi tỉ suất sinh lợi trong sự tương tác với thông tin trên TTCK, từ đó kết luận rằng khi thị trường đón nhận những thông tin tích cực, nhà đầu tư cũng phản ứng tích cực với tâm lí lạc quan và tỉ suất sinh lợi CP tăng lên, nhưng diễn biến theo chiều hướng ngược lại khi thị trường đón nhận những thông tin xấu.
Nghiên cứu của Guo và cộng sự (2017) nhan đề “Can investor sentiment be used to predict the stock price? Dynamic analysis based on China stock market” [83] cho thấy với sự phát triển của mạng xã hội, tương tác giữa các nhà đầu tư trên TTCK tăng mạnh về quy mô và tần xuất. Tâm lí của các nhà đầu tư nhanh chóng được lan tỏa trên thị trường và được đo lường thông qua trạng thái mua mạnh, bán mạnh của họ, gây ảnh hưởng đến giá CP.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh SARS-CoV-2 vô cùng phức tạp trên toàn cầu, một số nghiên cứu được công bố cho thấy khủng hoảng tài chính có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân phi kinh tế. Ví dụ: khủng hoảng dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra từ cuối năm 2019 cho tới nay khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng. Giao thương bị gián đoạn, lực lượng lao động bị cách li, chi phí vận chuyển tăng cao, thu nhập quốc dân giảm sút không chỉ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp niêm yết mà còn tác động mạnh tới các nhà đầu tư. Trong bối cảnh khủng hoảng SARS-CoV-2, nhà đầu tư luôn phải nghe ngóng tình hình và rút về các vùng đầu tư an toàn. Biến động giá cổ phiếu theo chiều hướng xấu nhìn thấy rõ rệt nhất tại các đợt sóng Covid-19.
Nghiên cứu của Gormsen và Koijen (2021) nhan đề “Coronavirus: Impact on stock prices and growth expectations” [82] đã lượng hóa tác động của SARS-CoV-2 lên giá CP trên TTCK và sự thay đổi kì vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng cổ tức. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở thời điểm tháng 7 so với tháng 1 của năm 2020, tăng trưởng cổ tức giảm 8% trên toàn EU, dự báo trong 2 năm tiếp theo cổ tức tiếp tục giảm 28% ở EU và trung bình khoảng 17% tại Mỹ và Nhật Bản.
Nghiên cứu của Hohler và Lansink (2020) nhan đề “Measuring the impact of Covid- 19 on stock prices and profits in the food supply chain” [87] sử dụng dữ liệu biến động giá CP của 71 doanh nghiệp cung ứng lương thực ở Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu với kết luận rằng giá CP của các công ty sản xuất phân bón, công nghệ vi sinh và chuỗi cung ứng có biến động mạnh tại những thời điểm Covid bùng phát trong khi giá cổ phiếu của các tập đoàn bán lẻ lại tăng trưởng nhẹ.
Liên quan đến nghiên cứu về dịch bệnh SARS cách đây hơn 10 năm, nghiên cứu của Lee và McKibbin (2018) nhan đề “Globalization and disease: The case of SARS” [102] ước tính chi phí để dập tắt dịch SARS dẫn đến thiệt hại kinh tế vượt quá các ước tính ban đầu, làm ảnh hưởng trầm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh và giảm sút uy tín của các doanh nghiệp. Nghiên cứu của Bhuyan và cộng sự (2010) nhan đề “Asian stock markets and the severe acute respiratory syndrome (SARS) epidemic: Implications for health risk management” [69] đã phân tích ảnh hưởng của dịch SARS đến các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam Á (Indonesia, Philipines, Singapore, Thailand, Taiwan). Kết quả nghiên cứu cho thấy trong và sau khủng hoảng SARS, các chỉ số tài chính của các quốc gia được xét đến có xu hướng biến động cùng chiều. Ảnh hưởng của nó là tương tự (ở một tầm thấp hơn) so với khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.
Có thể nói, những nghiên cứu về tác động của tâm lí hành vi và khủng hoảng dịch bệnh khẳng định tầm quan trọng của nhân tố hành vi hoặc những nhân tố phi kinh tế có thể gây tác động mạnh đến giá cổ phiếu, từ đó ảnh hưởng tới lợi ích và rủi ro của nhà đầu tư. Điều đó giúp luận án kế thừa và giải thích nguyên nhân biến động giá CP NHTM cổ phần niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Nhóm 3: Kết quả hoạt động kinh doanh, phát hành bổ sung và thu nhập cổ phiếu
Nghiên cứu của Zeytinoglu và cộng sự (2012) về “The impact of market-based ratios on stock returns: Evidence from insurance sector in Turkey” [136] cho thấy EPS có tác động tích cực đến tỉ suất sinh lợi CP. Mối quan hệ này thể hiện rõ nhất với độ trễ là 1 quý. Nghiên cứu của Idawati và Wahyudi (2015) về “Effects of earning per share (EPS) and return on assets (ROA) against share price on coal mining company listed in Indonesia stock exchange” [92] cho thấy khi EPS của CP ngành than tăng lên thì giá CP của chúng trên thị trường cũng tăng theo. Nghiên cứu của Raza và cộng sự (2016) về “Firm-specific factors of share prices: empirical evidence from automobile sectors in Pakistan” [120] sử dụng hệ số P/E và ROE để kiểm định tác động đến giá CP ngành ô tô tại Pakistan. Kết quả cho thấy mối quan hệ cùng chiều, có ý nghĩa thống kê giữa P/E, ROE và giá CP.
Thêm vào đó, khá nhiều nghiên cứu sử dụng kết hợp chỉ số khả năng sinh lợi trong đánh giá tác động lên giá CP. Nghiên cứu của Hunjra và cộng sự (2018) về “Impact of dividend policy, earning per share, return on equity, profit after tax on stock prices” [89] kết luận rằng lợi nhuận sau thuế và EPS có tác động tích cực lên giá CP. Nghiên cứu của Khan (2012) về “Effect of dividends on stock prices- A case of chemical and pharmaceutical industry of Pakistan” [95] lựa chọn cổ tức, EPS và thu nhập sau thuế làm nhân tố đánh giá tác động. Kết quả cho thấy cổ tức và thu nhập sau thuế tác động cùng chiều với giá CP. Nghiên cứu của Anwaar (2016) về “Impact of firm performance on stock returns: Evidence from listed companies of FTSE 100 Index London – UK” [56] sử dụng 5 chỉ số là EPS, hệ số thanh toán nhanh, ROA, ROE, lợi nhuận sau thuế để đánh giá tác động của chúng lên giá CP. Kết quả cho thấy lợi nhuận sau thuế, ROA có tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê đến giá cổ phiếu.
Nghiên cứu của Murniati (2016) nhan đề “Effect of capital structure, company size and profitability on the stock price of food and beverage companies listed on the Indonesia stock exchange” [111] sử dụng kết hợp đòn bẩy tài chính, ROA, ROE, lợi nhuận sau thuế để đánh giá tác động cũng khẳng định rằng ROA có tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với giá CP.
Ngoài ra còn nhiều nghiên cứu khác như Khan và Amanullah (2012) về “Determinants of share prices at Karachi stock exchange” [95] kết luận rằng tăng trưởng cổ tức và chỉ số P/E kích thích sự tăng giá CP, tuy nhiên P/B lại có tác động ngược chiều. Nghiên cứu của Malhotra và Tandon (2013) về “Determinants of stock prices: Empirical evidence from NSE 100 companies” [103] cũng tìm thấy bằng chứng về mối quan hệ cùng chiều giữa giá trị sổ sách, EPS, hệ số P/E đến giá CP. Nghiên cứu của Nirmala và cộng sự (2011) về “Determinants of share prices in India” [116] kiểm chứng các nhân tố tác động đến CP niêm yết trên thị trường chứng khoán Ấn Độ của 03 ngành trọng điểm là công nghiệp ô tô, y tế và dịch vụ. Kết quả nghiên cứu tìm ra bằng chứng về mối quan hệ cùng chiều giữa cổ tức, hệ số P/E, đòn bẩy tài chính lên giá CP. Nghiên cứu của Sharma (2011) về “Determinants of stock prices in Indian markets” [127] sử dụng EPS, giá trị sổ sách/CP, tỉ lệ cổ tức/CP (DPS) để đánh giá tác động của chúng lên giá cổ phiếu và kết quả nghiên cứu cho thấy DPS có tác động cùng chiều với giá cổ phiếu.
Nhìn chung, các chỉ số đo lường kết quả hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lợi CP được các nghiên cứu nước ngoài sử dụng khá phổ biến là lợi nhuận, ROE, ROA, EPS, P/E, cổ tức và một số chỉ số khác. Điều đó hỗ trợ NCS trong việc chọn lựa biến đại diện nhằm giải thích sự biến động giá CP ngân hàng niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Nhóm 4: Đòn bẩy tài chính, nợ phải trả, rủi ro thị trường
Trong các nghiên cứu về nhân tố tác động đến giá cổ phiếu, đòn bẩy tài chính thường được sử dụng làm chỉ tiêu đại diện cho cấu trúc vốn. Có một số nghiên cứu chứng tỏ rằng đòn bẩy tài chính, quy mô doanh nghiệp có tác động tới biến động giá CP. Nghiên cứu của Abdullah và cộng sự (2015) nhan đề “The impact of financial leverage and market size on stock returns on the Dhaka stock exchange: Evidence from selected stocks in the manufacturing sector” [48] sử dụng tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu và chênh lệch giá cổ phiếu với kết quả cho thấy tác động ngược chiều trong khi quy mô vốn hóa có tác động cùng chiều. Nghiên cứu của Cai và Zhang (2011) về “Leverage change, debt overhang, and stock prices” [72] đã chứng minh được mối quan hệ ngược chiều giữa đòn bẩy tài chính, xác suất vỡ nợ của doanh nghiệp với giá CP.
Nghiên cứu của Javid và Ahmad (2011) về “Asset pricing behavior with dual beta in case of Pakistani stock market” [93] được thực hiện trong giai đoạn 1993÷2007 đã phân tích sự tương phản giữa xu hướng thị trường “gấu trúc” và thị trường “bò tót” thông qua kết quả thống kê của 50 mã CP được niêm yết. Kết quả nghiên cứu cho thấy những biến động cùng chiều của chỉ số beta với giá CP trên cả 02 xu hướng thị trường.
Có thể nói, song song với những công trình nghiên cứu ở nhóm 03, các nghiên cứu ở nhóm 04 góp phần khẳng định các nhân tố thuộc môi trường bên trong của tổ chức phát hành bao gồm khả năng sinh lợi và rủi ro lên giá CP. Tuy nhiên, những công trình này chỉ đi sâu khai thác các mối quan hệ riêng lẻ của một số nhóm chỉ tiêu nội bộ mà chưa xem xét một cách đồng bộ các nhân tố được đề cập ở trên lên biến động giá CP.
Nhóm 5: Tác động của chào bán thêm và thưởng cổ tức
Nghiên cứu của Schipper và Smith, A., (1986) về “A comparison of equity carve- outs and seasoned equity offerings: Share price effects and corporate restructuring” [126] cho thấy lợi suất trung bình trong 2 ngày xung quanh thời điểm công bố phát hành thêm của các công ty trên TTCK Mỹ bị giảm đi -3,14% so với trước thông báo.
Nghiên cứu Masulis và Korwar (1986) về “Seasoned equity offerings: An empirical investigation” [105] và của Asquith và Mullins (1986) về “Signaling with dividends, stock repurchases, and equity issues” [60] cũng kết luận về sự suy giảm tỉ suất sinh lợi của CP tích lũy trên các SGDCK Mỹ trong khoảng (-3,25%÷-2,7%). Nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng sở dĩ giá cổ phiếu giảm trước sự kiện phát hành thêm CP là do quy luật cung-cầu. Trong một TTCK hiệu quả, nếu cầu CP co giãn hoàn hảo với giá (perfect elasticity) thì việc tăng cung do phát hành thêm CP có làm giá giảm hay không còn phụ thuộc kỳ vọng của nhà đầu tư đối về khả năng sinh lời và rủi ro của CP đó.
Ngược lại, khi cầu CP không hoàn toàn co giãn (imperfect elasticity), giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào cân bằng cung-cầu trong thị trường phi hiệu quả. Khi đó, phát hành thêm CP làm giảm thị giá. Có một số nghiên cứu cho thấy khi quy mô của đợt phát hành thêm càng lớn thì mức giảm giá cổ phiếu càng lớn và coi đây là biểu hiện của quy luật cung-cầu. Điển hình cho những nghiên cứu này gồm có Korajczyk và cộng sự (1992) về “Equity issues with time- varying asymmetric information” [98]; Choe và cộng sự (1993) về “Common stock offerings across the business cycle: Theory and evidence” [75] và Bayless và Chaplinsky (1996) về “Is there a window of opportunity for seasoned equity issuance” [65].
Về thưởng cổ tức, hầu hết các nghiên cứu trên TTCK quốc tế đều cho thấy các lực lượng thị trường phản ứng tích cực với các loại sự kiện này. Ủng hộ cho kết luận này có nghiên cứu của Khanal và Mishra (2017) nhan đề “Stock price reactions to stock dividend announcements: A case from a sluggish economic period” [96] với kết luận rằng trong thời kì suy thoái kinh tế, giá CP được cải thiện rõ rệt nếu có những thông tin về chia cổ tức.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đưa ra hàm ý về tín hiệu tích cực của chia CP bằng cổ tức. Đó là các nghiên cứu của Grinblatt và cộng sự (1984) nhan đề “The valuation effects of stock splits and stock dividends” [79]; Lakonishok và Lev (1987) nhan đề “Stock splits and stock dividends: Why, who and when?” [100]; McNichols và Dravid (1990) nhan đề “Stock dividends, stock splits, and signaling” [106]; và Baker và Powell (1993) nhan đề “Factors influencing dividend policy decisions of Nasdaq firms” [62].
Qua các nghiên cứu nói trên, có thể thấy rằng phát hành bổ sung và trả cổ tức có tác động đến giá CP nhưng phần nhiều được thực hiện trong các thập niên 1980 và 1990 ở các TTCK phát triển. Kết quả nghiên cứu có sự khác nhau về xu hướng tác động và điều đó giúp luận án có khoảng trống để tiếp tục nghiên cứu tác động này trong bối cảnh Việt Nam.
Nguồn: Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam“
Pingback: Nghiên cứu về các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng