Kinh tếTin chuyên ngành

Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến quản lý thuế

Charles Y. Mansfield (1987), đã khảo sát nghiên cứu về quản lý thuế ở các nước đang phát triển, xem xét vai trò của quản lý thuế, nhìn nhận QLT tách biệt với chính sách thuế để tiếp cận sự tác động của nó đến chính sách thuế và gợi mở đề xuất mở rộng cơ sở thuế nhằm giảm phụ thuộc vào thuế ngoại thương và thay vì thu thuế trên một nhóm đối tượng dễ quản lý với mức thuế suất cao bằng một mức thuế suất phù hợp với mọi đối tượng, đưa đến sự công bằng và thúc đẩy tuân thủ tự nguyện. Thông qua tài liệu này, nhà quản trị có thể nắm rõ hơn về phương thức quản lý thuế và đưa ra phương pháp quản lý phù hợp, hiệu quả và công bằng hơn.

Vito Tanzi & Milka Casanegra de Jantscher (1987), thuộc Quĩ Tiền tệ Quốc tế, thảo luận về đánh giá đối với thu nhập trên cơ sở các chỉ số gần đúng so với cách hạch toán kế toán thông thường đối với các trường hợp vì lý do hành chính không thể quản lý, và cho biết phương pháp thuế thu nhập khoán này được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước kể cả những nước công nghiệp. Tuy nhiên, phương pháp khoán này cần phải được chú ý xem xét kỹ về các tác động của nó tới hiệu quả quản lý thuế.

Richard M.Bird và Milka Casanegra de Jantscher (1992), thuộc Quĩ Tiền tệ Quốc tế, đã có những phân tích chuyên sâu về xu hướng phát triển trong xây dựng, thực thi chính sách thuế trong mối liên kết với cải cách quản lý thuế; nghiên cứu xem xét các kết quả sau khi thực hiện cải cách thuế ở một số nước (Bolivia, Uruguay, Colombia, Trinidat…) để đề xuất các giải pháp, các khuyến nghị nhằm cải thiện thu và nâng cao ý thức tuân thủ nộp thuế của người nộp thuế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (1997) cung cấp tài liệu làm việc về “Xây dựng một chiến lược cải cách thuế: Kinh nghiệm và hướng dẫn”, tài liệu đưa ra tiêu thức xác định những vấn đề trong quản lý thuế của một nước và qua đó đề ra chiến lược cải cách phù hợp. Theo cơ quan này, mọi quốc gia đều phải thực hiện cải cách quản lý thuế, khoản thuế thất thu càng lớn thì càng cần phải thay đổi triệt để, và dù khoản thuế thất thu là nhỏ cũng nên thay đổi hệ thống hợp lý để duy trì mức độ tuân thủ cao, giảm chi phí thu thuế và chi phí tuân thủ. Tài liệu đưa ra đề xuất là các nước có thể được phân thành 4 nhóm theo hiệu quả quản lý thuế dựa trên số thuế ước tính phải thu (các nước có khoản thất thu dưới 10% thuộc nhóm 1; từ 10-20% nhóm 2; 20-40% nhóm 3 và; trên 40% nhóm 4), từ đó đưa ra khuyến nghị được đưa dựa vào quy mô của khoảng cách và tình hình thực tế của mỗi quốc gia để bàn về các nguyên tắc của cải cách, bao gồm: giảm thiểu mức độ phức tạp của hệ thống thuế, khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện, áp dụng chính sách quản lý khác nhau đối với đối tượng nộp thuế dựa vào khả năng thu nhập, và đảm bảo quản lý hiệu quả cải cách. Đúc rút trong quá trình hỗ trợ các nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế tập trung vào những lĩnh vực sau: đăng ký thuế, KK và KTT, hệ thống công nghệ, phát hiện các trường hợp dừng kê khai và thu nợ thuế, thanh tra, thưởng phạt theo luật định, dịch vụ hỗ trợ đối tượng nộp thuế và tuyên truyền, tổ chức và quản lý, nhân sự.

Đề tài nghiên cứu về thuế của các cơ quan nhà nước Việt Nam, có thể kể đến đề tài của Trần Xuân Thắng và cộng sự (1999) về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2000 – 2010” đã đánh giá kết quả 10 năm, từ năm 1990 -1999 của ngành thuế với việc hợp nhất thành công thu quốc doanh, thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiêp thành một bộ máy thu thuế hoàn chỉnh. Từ đó, phát triển xây dựng hệ thống chính sách vĩ mô mang tính thống nhất với các chính sách phát triển của nhà nước. Thêm vào đó, sự thành công trong việc triển khai thuế GTGT thay thế cho thuế doanh thu, thuê TNDN thay cho thuế lợi tức, tạo nên một cơ chế thu thế vận hành một cách trơn tru và đồng bộ. Đề tài cũng đưa ra chiến lược nhằm thực hiện cải cách thuế tầm nhìn 10, chiến lược này chủ yếu cải cách hệ thống thuế, để hệ thống có thể hoạt động tốt theo hướng hiện đại hóa, nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả trong quản lý thu.

Nguyễn Thị Bất (2003) với đề tài“Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý thuế ở Việt nam trong điều kiện hiện nay”, đã hệ thống hóa và phân tích thực trạng tình hình quản lý thuế ở Việt nam. Tại thời điểm năm 2003, tính đột phá của đề tài đã mang tới những giải pháp phù hợp với thực tiễn và mang tính khả thi cao.

Các tài liệu hướng dẫn, những dự án hỗ trợ về QLT của các tổ chức quốc tế như Uỷ ban các vấn đề về thuế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2004) cung cấp Tài liệu “Quản lý rủi ro tuân thủ: Quản lý và nâng cao tuân thủ thuế”, các nghiên cứu này đã thực hiện nghiên cứu tình hình thực tiễn về thuế và QLT của các cơ quan thuế quốc gia ở một số nước thành viên, nghiên cứu đã thể hiện quan điểm chung về một quy trình quản lý rủi ro tuân thủ về thuế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp hướng dẫn toàn diện hơn về rủi ro tuân thủ thực tiễn quản lý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tài liệu nguyên tắc quản lý nhằm phân bổ tốt nhất các nguồn lực hạn chế nhằm đạt được mức tối ưu chiến lược tuân thủ thuế, từ đó các cơ quan thuế vận dụng, đưa ra các quyết định chính xác để thực hiện. Đồng thời cung cấp một mô tả cơ bản về mô hình áp dụng quản lý rủi ro, phương pháp tiếp cận quản lý rủi ro hiện đại, các bước thực hiện quy trình rủi ro và xử lý các rủi ro tuân thủ về thuế. Để đưa ra các đánh giá giá tính hiệu lực của các chiến lược xử lý, việc đưa vào các biện pháp giám sát và đánh giá là thực sự cần thiết..

Bên cạnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp hướng dẫn toàn diện hơn về rủi ro tuân thủ từ nghiên cứu thực tiễn quản lý từ các cơ quan quản lý thu ở các nước thành viên, mục đích nhằm làm rõ các phương pháp tiếp cận cụ thể.

Nghiên cứu Gangadha Prasad Shukla và cộng sự (2011), với mục đích dự báo một số vấn đề mà Việt Nam có thể gặp phải trong quá trình cải cách chính sách và công tác quản lý thuế, từ đó các tác giả đã đề ra các chính sách cải cách cụ thể, giảm thiểu những thiếu sót và rủi ro gặp phải trong quá trình đối mặt với thực tế. Qua đó góp phần tăng tính hiệu quả, minh bạch và công bằng của toàn bộ hệ thống thuế.

Ngân hàng Thế giới, đối tác tích cực nhất trong lĩnh vực cải cách QLT từ trước đến nay. Ngoài hỗ trợ tư vấn về cải cách chính sách thuế, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ “Dự án Hiện đại hóa quản lý thuế” được thực hiện từ năm 2007- 2014 nhằm hỗ trợ Tổng cục Thuế trong việc tăng cường quản trị trong quản lý thuế và tăng mức độ tuân thủ tự nguyện trong hoạt động thực hiện nghĩa vụ nộp thuế từ việc tự nguyện đối với hệ thống thuế bằng cách nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan QLT. Dự án đã có những tác động tốt đến việc tạo lập môi trường kinh doanh thông qua xây dựng các quy trình và tiến trình QLT có thể dự liệu và có hiệu lực. Tính bền vững của nguồn thu từ thuế, và tính công bằng cao hơn cũng đã được hỗ trợ thông qua việc thực hiện các dự án này.

Natrah Saada (2012), “Hành vi không tuân thủ thuế: Chế độ đánh giá người nộp thuế”, Hội thảo Quốc tế về Kinh doanh liên ngành và Khoa học xã hội, Elsevier Ltd, Jakarta, nghiên cứu cho biết New Zealand là một trong những quốc gia triển khai hệ thống tự đánh giá yêu cầu sự tuân thủ tự nguyện giữa những người nộp thuế. Mặc dù đã triển khai hơn một thập kỷ và tích lũy nhiều kinh nghiệm, cơ quan thuế vẫn đang phải đối mặt với vấn đề không tuân thủ giữa những người nộp thuế của họ. Vì vậy, nghiên cứu này cố gắng điều tra các lý do cơ bản cho hành vi không tuân thủ pháp luật giữa các cá nhân liên quan đến nghĩa vụ thuế thu nhập. Dữ liệu được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với 30 người tham gia và được phân tích bằng cách sử dụng phân tích chuyên đề. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tham gia thường tin rằng các nguồn thu nhập, thái độ, kiểm soát hành vi nhận thức, kiến thức về thuế, mức độ phức tạp và công bằng về thuế là các yếu tố tác động đến hành vi không tuân thủ của người nộp thuế. Đồng thời, từ những thông tin thu được, nghiên cứu đã bổ sung tài liệu cho việc thực hiện các nghiên cứu chính sách thuế trong tương lai và cả thực tiễn về quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với những hạn đang tiềm tàng trong hệ thống. Cung cấp quan điểm, thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm hỗ trợ cơ quan thuế phát triển các chiến lược thích hợp như giáo dục thuế và chương trình đơn giản hóa thuế để nâng cao tính tuân thủ thuế.

Richard M. Walker, Rhys Andrews (2013), Local Government Management and Performance: A Review of Evidence, Journal of Public Administration Research and Theory October (31) 2013, 101–133 cho rằng, chính quyền địa phương đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ cho công. Trong những thập kỷ gần đây, các học giả đã bắt đầu kiểm tra thực nghiệm mối quan hệ giữa sự quản lý của con người và hiệu quả hoạt động của các chính quyền địa phương. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã thực hiện đánh giá toàn diện về giả thuyết hiệu quả quản lý ở các chính quyền địa phương bằng cách tích hợp các nghiên cứu thực nghiệm đã được công bố trong 40 năm trước. Các tác giả đã phát hiện ra 86 bài báo thực nghiệm kiểm tra chặt chẽ giả thuyết quản lý theo hình thức và áp dụng kỹ thuật đánh giá điểm hỗ trợ cho các phát hiện của các nghiên cứu này. Nghiên cứu này phần lớn sự chú ý tập trung vào các khái niệm về quy mô tổ chức, nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chất lượng nhân viên, hoạt động của bộ máy quản lý. Kết quả, nghiên cứu này đã chỉ ra hiệu quả quản lý mang tính tích cực từ chất lượng nhân viên, sự ổn định của nhân sự và lập kế hoạch, bộ máy hành chính đại diện và nội dung chiến lược. Các phân tích phụ tiết lộ các mối quan hệ khác nhau trên các khía cạnh của hiệu suất và cấp độ tổ chức trong chính quyền địa phương.

Nghiên cứu của Nguyễn Hoàng (2013) về “Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam”(luận án tiến sĩ kinh tế), làm sáng tỏ nội dung lý luận về vai trò và cách thức hoàn thiện mặt quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách thuế thu nhập cá nhân, dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm trước đó các quốc gia đi trước. Chú trọng tới những nghiên cứu có ảnh hường tích cực đến hành vi tự giác nộp thuế của người nộp thuế, tác giả đã phân tích và chỉ ra ưu điểm và khuyết điểm về tình hình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và cơ chế quản lý thu thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2012. Tác giả đã phân tích, luận giải sự phân hóa về mức độ tự giác tuân thủ nộp thuế của người nộp thuế. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những đề xuất về phương hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế quản lý thuế thu nhập các nhân tại Việt Nam trong những năm tới. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế cần chú trọng đến việc giảm bớt thủ tục hành chính, thái độ làm việc nhiệt tình cởi mở, tôn trọng giá trị đóng góp của người nộp thuế.

Cécile Bazart, Aurélie Bonein (2014), “Mối quan hệ đối ứng trong các quyết định tuân thủ thuế”, Tạp chí Tâm lý học sinh thái, Elsevier, 2014, 40 (Số đặc biệt về Động lực hành vi của việc trốn thuế), các tác giả đã phân tích tác động theo chiều dọc và chiều ngang của vốn chủ sở hữu đối với các quyết định về mức độ tuân thủ thuế. Qua đó cho thấy mức độ tuân thủ thuế phụ thuộc vào sự bình đẳng về thuế suất giữa các vùng địa lý, nếu sự bất bình đẳng có lợi sẽ làm giảm trốn tránh. Thứ hai, minh bạch, công bằng của hệ thống, cùng với bất kỳ biện pháp nào củng cố đạo đức thuế đều có thể tăng thuế thu được về lâu dài, hay sẽ làm gia tăng mức độ tuân thủ về thuế rất rõ rệt. Theo các tác giả, khi xem xét về quy mô của đối tượng nộp thuế, thì nhóm nhỏ mức độ trốn tránh phụ thuộc vào cá nhân nhưng nó lại có tác động quan trọng trực tiếp đối với phần còn lại của nhóm, và qua đó thể đặt câu hỏi nếu điều tương tự xảy ra với các nhóm còn lại.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản trong giai đoạn 2014-2017, đã cung cấp chương trình nâng cao năng lực về một số lĩnh vực quan trọng của quản lý thuế như dịch vụ thuế, thanh tra thuế, quản lý thu nợ thuế, với dự án “Cải cách quản lý hành chính thuế” nhằm hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống thuế theo hướng công khai minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế.

Dự án của Tập đoàn Tài chính Quốc tế về “Đơn giản hóa thủ tục thuế” giai đoạn 2012-16, nhằm mục đích cải thiện các quy định về tuân thủ thuế khi đưa ra các xem xét và sửa đổi các yêu cầu kế toán đối với các doanh nghiệp dưới ngưỡng đăng ký thuế GTGT, xây dựng các quy định hướng dẫn về thủ tục hành chính kê khai thuế GTGT, cải cách liên quan đến nộp thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ xây dựng “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và tư vấn trong việc thay đổi thể chế”, tập trung đặc biệt vào việc thành lập các đơn vị quản lý đối tượng nộp thuế lớn và kết hợp thu thuế thu nhập cá nhân với thu đóng góp bảo hiểm xã hội.

Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tập trung hỗ trợ kỹ thuật vào việc giảm thời gian tuân thủ thuế theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 19 nhằm đạt mức trung bình các nước ASEAN-6 kể từ năm 2014. Theo đó, Cơ quan này đã hỗ trợ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và Tổng cục Thuế tiến hành các chuyến thực địa và tham khảo ý kiến các doanh nghiệp về các vấn đề chính liên quan đến tuân thủ thuế và các biện pháp khắc phục. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tập trung vào nỗ lực này và hỗ trợ Tổng cục Thuế để đơn giản hóa các thủ tục và qui định về thuế để giảm bớt thời gian và gánh nặng trong việc nộp thuế và cải thiện thứ hạng của Việt Nam về các chỉ tiêu môi trường kinh doanh.

Irene Belmonte-Martin, Lidia Ortiz, Cristina Polo (2021), Local tax management in Spain: A study of the conditional efficiency of provincial tax agencies, Socio-Economic Planning Sciences 78 (2021) 101057. Nghiên cứu này đã phân tích hiệu quả QLT địa phương của các cơ quan thuế cấp tỉnh ở Tây Ban Nha dựa trên cơ sở ủy quyền cấp thành phố. Để thực hiện nghiên cứu này, các tác giả đã sử dụng mô hình có điều kiện để từ đó tính toán trực tiếp cho một số biến môi trường kinh tế xã hội để ước tính điểm hiệu quả trong quản lý thuế. Đây là một vấn đề then chốt, vì các cơ quan thuế không kiểm soát được bối cảnh mà họ hoạt động, và điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của họ. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng một số biến theo ngữ cảnh của tỉnh được tính (cơ sở thuế tài sản ròng, mật độ dân số và cư dân của các thành phố trực thuộc trung ương đã giao quyền quản lý cho cấp chính quyền cấp tỉnh) có tác động tiêu cực đến hiệu quả, đặc biệt là ở các mức giá trị biến đổi cao hớn. Nghiên cứu cũng khẳng định, chính quyền cấp tỉnh có thể lựa chọn thành lập các cơ quan tự quản cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ này, và các tác giả đã kết luận rằng việc thành lập các cơ quan tự quản như vậy không dẫn đến mức hiệu quả cao hớn.

Luận án tiến sĩ của Lê Duy Thành (2007) về “Đổi mới quản lý thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế ở Việt Nam”; Nguyễn Thị Thùy Dương (2011) về “Quản lý thuế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”; Phạm Xuân Hòa (2014) về “Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” đều đề cập đến thực tiễn trong thực thi chính sách thuế, quản lý thuế và đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm khắc phục phù những hạn chế trong thực tiễn thực thi chính sách thuế, và hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.

Tố Uyên (2019), “Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra thuế”, Thời báo tài chính, theo tác giả bài báo, để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, cần đặc biệt chú trọng thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra theo hướng thống nhất, hiện đại. Đưa các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như Quy trình Nhật ký điện tử và Quy chế Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra vào sử dụng rộng rãi. Góp phần trong việc tăng cường hiệu quả, phát hiện kịp thời các vấn đề còn tồn đọng và sử lý nhanh chóng kịp thời những vấn đề tiêu cực.

Minh Đức (2020), “Ngành Thuế ứng dụng thông tin trong quản lý thuế”, Thời báo Tài chính, cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành thuế đã phát triển hàng loạt các ứng dụng phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp ở ở từng đơn vị địa phương, từ cấp huyện, thành phố và các tỉnh thành trên toàn quốc, như cổng điện tử về kê khai thuế-được tổ chức và đưa vào sử dụng; bên cạnh đó, phát triển dịch vụ tiện ích nhằm việc nộp thuế và hoàn thuế trực tiếp qua mạng đã trở thành một yếu tố tích cực, được tất cả các cá nhân và tổ chức tham gia nộp thuế chào đón và tin tưởng; hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy thuận tiện cho việc lưu trữ và sử dụng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân lực và cho hiệu quả cao; đầu tư nâng cấp hệ thống trang web phục vụ việc công khai chính sách, chế độ, thủ tục hành chính về thuế; đưa vào sử dụng phần mềm hỗ trợ kê khai thuế miễn phí cho doanh nghiệp và người nộp thuế…Dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến ứng dụng khai, nộp, hoàn thuế điện tử đến 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc, với 304 thủ tục hành chính thuế được cung cấp trực tuyến, trong đó có 182/304 thủ tục hành chính thuế đã triển khai nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Tính đến ngày 18/9/2020 số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử là 790.924 doanh nghiệp, 99,91% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; và số ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử là 55 Ngân hàng; 63/63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, với số lượng doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử là 778.093 doanh nghiệp trên tổng số 791.676 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,28%. Với kết quả đạt được về tỷ lệ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, cung cấp dịch vụ công, ngành Thuế đã hoàn thành mục tiêu chiến lược giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ.

Nguyễn Quang Tiến (2020), với bài báo “Cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế: Đồng hành cùng ngành tài chính”, Tạp chí Tài chính, cho biết giai đoạn 2011- 2020 ngành Thuế luôn chủ động, tích cực thực hiện cải cách, hiện đại hóa QLT theo các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược tại Quyết định số 732/QĐ-TTg, đưa công nghệ vào xây dựng và phát triển hệ thống thu thuế và huy động thuế một cách hiệu quả, hạn chế việc thiếu sốt và sai phạm trong quá trình thu thuế và huy động thuế. Hoàn thành chỉ tiêu thu thuế nộp NSNN được giao; huy động thuế nộp NSNN bình quân trân GDP đạt khoảng 24%, tăng 0.5% so với giai đoạn 2006-2010. Những thành quả tích cực có thể nhận thấy trong sự chuyển đổi cơ cấu thu NSNN, thu nội địa tăng nhanh chóng, dự kiến đạt 84% – đạt mục tiêu đề ta trong chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2010-20120. Trong đó, cơ cấu thu theo khu vực kinh tế có sự thay đổi tích cực, khu vực kinh tế tư nhân tăng 2% và là khu vực vươn lên thay thế khu vực kinh tế nhà nước với tỷ lệ thu cao nhất 19,5% (tăng 2% so với giai đoạn 2006 – 2010) tiếp sau là khu vực kinh tế nhà nước là 18,9% (tăng 21 % so với giai đoạn 2006-2010), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 18,4% (tăng 0.6% so với giai đoạn 2006-2010). Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế theo các lĩnh vực nghiệp vụ được tập trung đẩy mạnh: i) công tác tuyên truyền hỗ trợ chuyển từ phương thức hỗ trợ thụ động sang chủ động hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục hành chính thuế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, góp phần giảm chi phí, thời gian cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Thực tế, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp trong năm 2019 là đạt 78%, tăng 3% so với năm 2016; ii) công tác thanh tra, kiểm tra thuế áp dụng phương pháp quản lý rủi ro chuyển dần từ thanh tra, kiểm tra toàn diện sang thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề. Trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, Ban, Ngành, cần phải đảm bảo tốt khi thực hiện chia sẻ các thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý thuế; iii) công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế tiến dần, phù hợp với thông lệ quốc tế với các biện pháp cưỡng chế hiệu quả, minh bạch, đơn giản; iv) xây dựng phát triển hệ thống công nghệ thông tin, triển khai hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tiến hành cải tạo, mở rộng triển khai ứng dụng các hệ thống nhằm cung ứng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, đảm bảo phù hợp với những thay đổi thực tiễn trong thực thi các chính sách, đảm bảo an ninh mạng; v) đẩy mạnh cải cách về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và; vi) tinh gọn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, giảm được 2.520 đầu mối từ Tổng cục Thuế xuống đến các Đội Thuế thuộc Chi cục Thuế. Cải cách của ngành Thuế Việt Nam đã giúp Việt Nam tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ đó nâng dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những đề tài khoa học, các trang web, trang mạng như Chính phủ.vn, mof.gov.vn, Vietnamnet.vn, VNExpress.vn, thesaigontime.vn…, các tạp chí chuyên ngành như tạp Thuế Nhà nước, tạp chí Tài chính, tạp chí Kinh tế Việt Nam, tạp chí Kinh tế Phát triển… cũng có nhiều công trình khoa học, nhiều bài viết được công bố về quản lý thuế.

Nguồn: Luận án tiến sĩ “Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp khu vực tư nhân – Nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hà Nội

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *