Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Ý nghĩa việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại

Với Vai trò là trung gian tài chính, là huyết mạch của nền kinh tế, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cần thiết trên cả khía cạnh bản ung ngân hàng và của nền kinh tế.

Đối với NHTM, hiệu quả cần thiết ở:

Thực hiện mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và khả năng sinh lời: NHTM là doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nên khả năng sinh lời là một trong những vấn đề được các nhà quản trị cũng như cổ đông quan tâm hàng đầu. Ngân hàng càng có khả năng sinh lời và có lợi nhuận cao, thì càng có cơ hội để trước hết bổ sung vốn điều lệ và tăng các quỹ của ngân hàng, sau đó là đầu tư vào các hoạt động giúp tiếp tục mở rộng hiệu quả kinh doanh hơn, đồng thời là cơ sở để chia cổ tức cho cổ đông, từ đó góp phần thúc đẩy giá cổ phiếu trên thị trường, gia tăng tài sản cho cổ đông, tăng uy tín của ngân hàng trên thị trường. Với mục tiêu gia tăng khả năng sinh lời, NHTM luôn tập trung các hoạt động để tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa doanh thu trong hoạt động kinh doanh. Các hoạt động sử dụng vốn và các dịch vụ khác của ngân hàng nói chung đều phải đem lại lợi nhuận, tránh được rủi ro nhờ chính sách và biện pháp phòng ngừa, quản lý rủi ro. Nội dung về khả năng sinh lời được thể hiện qua thu nhập, chi phí của ngân hàng, lợi nhuận thu được, tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA).31

Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận và khả năng sinh lời, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng còn cần đảm bảo an toàn và phát triển bền vững. Một ngân hàng có các chỉ số thể hiện khả năng sinh lời cao nhưng các chỉ số an toàn không đạt thì ngân hàng đó vẫn bị đánh giá hoạt động không hiệu quả, và có thể bị đưa vào diện cần kiểm soát. Khi xem xét về an toàn và phát triển bền vững, theo NCS có thể xem xét trên các khía cạnh: năng lực quản trị rủi ro (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất,…) của ngân hàng; hệ số an toàn vốn tối thiểu; khả năng thanh khoản.

– Năng lực quản trị rủi ro: là việc NHTM xác định khẩu vị rủi ro, chiến lược và lựa chọn mô hình quản trị rủi ro phù hợp với mục tiêu của ngân hàng phát triển của ngân hàng cũng như đáp ứng được các chuẩn mực quản trị rủi ro theo quy định của quốc gia đó.

– An toàn vốn: Đây là thước đo cơ bản để đánh giá sự lành mạnh về tài chính của ngân hàng. Nếu mức độ an toàn vốn không đảm bảo thì ngân hàng này được xem như không còn khả năng hoạt động bình thường.

– An toàn trong hoạt động cho vay, đầu tư: Với đặc thù vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng nên tài sản có của ngân hàng chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn huy động. Nếu chất lượng tài sản có tốt thì ngân hàng sẽ thu hồi được đầy đủ cả gốc và lãi sau một khoảng thời gian cho vay, đầu tư. Từ đó, giúp ngân hàng có thu nhập để bù đắp chi phí và đảm bảo an toàn hoạt động. Để đánh giá được mức độ an toàn trong hoạt động cho vay và đầu tư có của ngân hàng, có thể xem xét trên các khía cạnh như: chất lượng hoạt động cho vay của ngân hàng bao gồm tốc độ tăng trưởng cho vay, cơ cấu dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ quá hạn. Chất lượng hoạt động đầu tư thể hiện ở thu nhập từ hoạt động đầu tư, giá trị các khoản đầu tư khi phân loại theo chất lượng tín dụng.

– Khả năng thanh khoản: Thanh khoản là vấn đề sống còn đối với mỗi NHTM. Một NHTM có những dấu hiệu thanh khoản không tốt sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh không chỉ của ngân hàng đó mà còn tác động đến sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng, trong khi khả năng thanh khoản cao có thể giúp ngân hàng vượt qua thời kỳ khó khan và hoạt động hiệu quả. Do vậy, hiệu quả hoạt động kinh doanh xét trên giác độ thanh khoản là các chỉ số đảm bảo thanh khoản của ngân hàng.

Đối với khách hàng

Trong bối cảnh thị trường ngân hàng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ với ngày càng nhiều ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh chính là việc ngân hàng thường xuyên thực hiện am hiểu nhu cầu khách hàng, không chỉ chú trọng đến việc phát triển sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng, mà còn cần chú ý đến cách thức bán hàng và tư vấn cho khách hàng, đến các yếu tố mang lại sự thuận tiện và trải nghiệm tốt cho khách hàng. Các yếu tố này sẽ mang đến sự hài long cho khách hàng, giúp khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Mức độ hài lòng của khách hàng được thể hiện trên các phương diện:

– Giá trị đích thực mà sản phẩm dịch vụ đem lại cho khách hàng. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của khách hàng bởi khi thực hiện mua sản phẩm từ bất cứ nhà cung cấp nào, khách hàng cũng phải xem xét có được lợi ích gì từ sản phẩm, dịch vụ đó. Chẳng hạn đối với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm, khách hàng quan tâm tới lãi suất, tính linh hoạt của sản phẩm khi khách hàng có nhu cầu gửi ung hoặc rút bớt ra; đối với các sản phẩm cho vay, khách hàng quan tâm tới thời hạn, chi phí của khoản vay, thời gian phê duyệt và giải ngân một khoản vay; đối với dịch vụ thanh toán, khách hàng quan tâm tới phí dịch vụ, tính nhanh chóng, an toàn, chính xác và hiệu quả trong quá trình thanh toán. Do đó, để nâng cao lợi ích cho khách hàng mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động, đòi hỏi các ngân hàng phải thiết kế các sản phẩm đa dạng, phù hợp với từng đối tượng khách hàng và mang tính cạnh tranh với các ngân hàng khác. Đồng thời, quy trình, thủ tục khi giao dịch với ngân hàng cũng cần đơn giản, gọn nhẹ, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch nhanh chóng, hiệu quả.

– Kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn và thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng: Do sản phẩm, dịch vụ rất dễ bị sao chép nên hiện nay, trên thị trường ngân hàng, các sản phẩm do các NHTM cung ứng gần như tương đồng với nhau về lợi ích và tính năng. Hơn nữa, mạng lưới các ngân hàng rộng khắp, thuận tiện cho khách hàng trong quá trình giao dịch. Do vậy, kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn và thái độ phục vụ của nhân viên chính là yếu tố quan trọng mang đến trải nghiệm khác biệt và sự hài long cho khách hàng. Khách hàng bị thu hút bởi kinh nghiệm, khả năng tư vấn và thái độ phục vụ niềm nở, tôn trọng, chu đáo và coi “khách hàng là thượng đế” của cán bộ ngân hàng. Từ đó sẽ tạo ra tâm lý thoải mái khi giao dịch với ngân hàng và khi khách hàng có nhu cầu họ sẽ tự tìm đến ngân hàng để được phục vụ.

– Uy tín và hình ảnh của ngân hàng: NHTM là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, sản phẩm dịch vụ ngân hàng mang tính vô hình, do vậy uy tín của ngân hàng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Với những ngân hàng có uy tín, hình ảnh gần gũi và quen thuộc với khách hàng sẽ giúp khách hàng cảm thấy yên tâm khi giao dịch với ngân hàng.

Xét trên góc độ nền kinh tế

NHTM là trung gian tài chính quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, hệ thống NHTM hoạt động hiệu quả là tiền đề để nền kinh tế phát triển. Xét trên góc độ nền kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTM được thể hiện trên những khía cạnh sau:

– Tăng trưởng kinh tế: Khả năng tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng, hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế. Do vậy, với vai trò là cầu nối giữa nơi dư thừa vốn và nơi thiếu vốn, NHTM đáp ứng nhu cầu vốn để đảm bảo quá trình tái sản xuất được thực hiện liên tục và để mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, kích thích quá trình luân chuyển vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Như vậy, nền kinh tế tăng trưởng ổn định chứng tỏ hệ thống các NHTM thực hiện chức năng trung gian tín dụng có hiệu quả.

– Giảm chi phí lưu thông tiền mặt: Khi dịch vụ thanh toán phát triển, chất lượng dịch vụ tốt thì thay vì thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Khi đó, dịch vụ thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp nền kinh tế tiết kiệm được chi phí lưu thông tiền mặt, đồng thời quản lý kinh tế hiệu quả.

Nguồn: Luận án Tài chính ngân hàng “Hiệu quả kinh doanh tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *