Kinh tếQuản lý côngTin chuyên ngành

Tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập

Tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là khái niệm được xuất hiện trong thời kỳ nước ta chuyển đổi mô hình kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế nền KTTT có sự quản lý của nhà nước. Trong thời kỳ thực hiện mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp mọi hoạt động của các bệnh viện nói chung, bệnh viện quân y nói riêng đều được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, từ tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, ngân sách hoạt động, tiền lương… Nhưng khi đất nước chuyển sang mô hình KTTT, trong điều kiện nền kinh tế còn kém phát triển, ngân sách nhà nước còn eo hẹp lại phải giải quyết rất nhiều vấn đề cấp bách của xã hội nên không thể đảm bảo đầy đủ ngân sách cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Trước sức ép của việc gia tăng dân số, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, việc quá tải ở các bệnh viện thường xuyên diễn ra đòi hỏi việc quản lý của nhà nước đối với các bệnh viện công lập cần có sự thay đổi cả về cơ chế, chính sách, nội dung và phương thức thực hiện.

Hiện nay, có một số quan niệm khác nhau về cơ chế tự chủ tài chính đối với các bệnh viện công lập, do cách nghiên cứu, tiếp cận ở những góc độ khác nhau:

– Dưới góc độ pháp lý, “Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan [41]. Theo đó, tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các bệnh viện công lập nói riêng được hiểu:

Thứ nhất, được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu, nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, nhưng không vượt quá mức khung do Nhà nước quy định; phát huy tính sáng tạo, năng động, xây dựng “thương hiệu riêng” cho đơn vị mình.

Thứ hai, được thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.

Thứ ba, được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư, quản lý ở một chừng mực nhất định để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển đúng hướng; bảo đảm cho các đối tượng chính sách – xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ công theo quy định ngày càng tốt hơn.

– Dưới góc độ phân cấp quản lý, tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập được hiểu như là việc giảm thiểu sự quản lý toàn diện, trực tiếp từ các cơ quan quản lý nhà nước lên các bệnh viện công lập để phân cấp, phân quyền phát huy tính năng động, sáng tạo cho các bệnh viện.

Công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển nền KTTT định hướng XHCN và xu hướng mở cửa, hội nhập quốc tế tạo ra những tiền đề và đòi hỏi phải đổi mới, tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý giữa cơ quan quản lý nhà nước với các bệnh viện công lập nhằm phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với các bệnh viện. Tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập còn là sự chuyển giao một số nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các bệnh viện trên cơ sở vừa đảm bảo quyền lực quản lý thống nhất của nhà nước; vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của bệnh viện phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của mỗi bệnh viện. Từ đó, góp phần phát huy mọi khả năng của bệnh viện để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu, nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Quan niệm về tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập, cho dù được nghiên cứu dưới góc độ pháp lý hay dưới góc độ phân cấp quản lý nhà nước thì đều hàm chứa các nội dung là: được quyền quyết định nhiều hơn, chịu trách nhiệm cao hơn những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của bệnh viện; tự cân đối thu – chi các nguồn lực tài chính và một số nguồn lực khác, kể cả nguồn ngân sách nhà nước cấp, hay các nguồn tự thu để sử dụng hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật; được vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư để cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh mới nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Từ những phân tích trên, quan niệm của tác giả: tự chủ tài chính đối với các bệnh viện công lập là các bệnh viện được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm theo mức độ tự chủ về các khoản thu, khoản chi và những nguồn lực khác của đơn vị mình trong khuôn khổ mà pháp luật quy định.

Khuyến khích các bệnh viện công lập thực hiện tự chủ về tài chính để tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tự chủ tài chính không có nghĩa là Nhà nước không hỗ trợ, Nhà nước không cấp ngân sách, cũng không có nghĩa Nhà nước để các bệnh viện “tự bơi” trong cơ chế thị trường, mà Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các bệnh viện công lập phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Khi tự chủ tài chính, các bệnh viện công lập phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của mình trên cơ sở đã được phân định theo các nhóm tự chủ. Cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị y tế được các cơ quan có thẩm quyền quyết định đã phân loại các đơn vị tự chủ thành 4 nhóm sau:

– Nhóm 1: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

– Nhóm 2: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;

– Nhóm 3: Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

– Nhóm 4: Đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên [38].

Việc đăng ký của các bệnh viện và quyết định phân nhóm tự chủ tài chính của cơ quan có thẩm quyền được ổn định trong thời hạn 3 năm, sau thời hạn 3 năm được xem xét phân loại lại cho phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện. Trường hợp đơn vị có biến động về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi làm thay đổi cơ bản mức tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên thì được xem xét điều chỉnh việc phân loại trước thời hạn.

Nguồn: Luận án Tiến sĩ Kinh tế chính trị “Quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y (Qua thực tế Bệnh viện Quân y 103)

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *