Thực hiện kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam
Implementing Circular Economy: International Experience and Policy Implications for Vietnam
Abstract: In recent years, the transition from traditional Linear Economy to Circular Economy has become a global trend. However, the implementation of each country may vary, with specific priorities. This paper aims at analyzing the concept of Circular Economy and some international experience of implementing Circular Economy. Accordingly, the Circular Economy is not a homogeneous model for the whole economy, but it includes plenty of different models built on the same philosophy, the philosophy of regeneration and restoration. Based on the international experience, some policy implications for Vietnam are discussed.
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, việc chuyển dịch mô hình phát triển từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, cách thức thực hiện của mỗi nước có thể khác nhau, với những lĩnh vực ưu tiên riêng. Bài viết tổng hợp và phân tích lịch sử khái niệm và kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia tiêu biểu. Theo đó, kinh tế tuần hoàn không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà nó là nhiều mô hình khác nhau được xây dựng theo cùng một triết lý, đó là triết lý tái tạo và khôi phục. Những kinh nghiệm quốc tế được tổng hợp trong bài viết là cơ sở để rút ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm quốc tế, gợi ý chính sách.
1. Mở đầu
Kinh tế tuyến tính truyền thống (Linear economy) thường bắt đầu từ Khai thác tài nguyên thiên nhiên (Take), đến Sản xuất (Make), Tiêu dùng (Use) và cuối cùng là Thải loại (Dispose). Cách thức vận hành như vậy khiến tài nguyên liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng. Thật vậy, theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng tài nguyên mà con người khai thác trong năm 2017 đã gấp 3,4 lần so với 50 năm trước, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh [1].
Năm 2018, Mạng lưới Dấu chân toàn cầu ước tính nhu cầu tài nguyên của thế giới đã gấp 1,7 khả năng đáp ứng hiện nay của trái đất [2]. Đi cùng với đó là lượng chất thải tạo ra ngày càng lớn. Ước tính từ nay đến năm 2050, tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng thêm khoảng 70% [3].
Đặc biệt trong đó, khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể nhiều hơn tổng khối lượng cá trên các đại dương [4]. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề của suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải. Kể từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập siêu than đá và luôn cần nhập khẩu rất nhiều nguyên nhiên liệu khác phục vụ cho phát triển kinh tế như dầu thô, sắt thép các loại, các kim loại thường, chất dẻo nguyên liệu, phụ liệu cho dệt may và da giày [5, 6].
Về rác thải, chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều, với tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm, riêng chất thải rắn đô thị là 10-16% mỗi năm [7]. Năm 2016, lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam là 11,6 triệu tấn (trung bình 0,33kg/người/ngày), con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức khoảng 22 triệu tấn vào năm 2050 [3]. Đặc biệt, mặc dù chỉ đứng thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lượng rác thải nhựa ra biển của Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới, với hơn 1,83 triệu tấn/năm [8].
Những vấn đề trên đã và đang gây ra những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế, đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi mô hình phát triển. Trong bối cảnh đó, Kinh tế tuần hoàn (KTTH – Circular Economy) được coi là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường [9, 10]. Cụ thể, Kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Chính vì vậy, Kinh tế tuần hoàn được coi là xu hướng chuyển dịch tất yếu, vốn đang diễn ra tại rất nhiều nước trên thế giới [11]
Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Hạnh (2019)
VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 4 (2019) 68-81