Khái niệm về văn hóa
Khái niệm về văn hóa
Có rất nhiều nghĩa. Trong Từ điển tiếng Việt văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống. Theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn. Trong khi theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm tất cả, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống… Theo Đại Từ điển tiếng Việt “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử” (Nguyễn Như Ý, 1998).
Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 thì đưa ra một loạt quan niệm về văn hóa:
– Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội;
>>> Xem thêm : Văn hóa là gì? Khái niệm về văn hoá
– Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát);
– Văn hóa là tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát);
– Văn hóa còn là cụm từ để chỉ một nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật có những đặc điểm giống nhau, ví dụ: Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn…
Theo Đoàn Văn Chúc cho rằng: Văn hóa – vô sở bất tại: Văn hóa – không nơi nào không có! Điều này cho thấy tất cả những sáng tạo của con người trên nền của thế giới tự nhiên là văn hóa, nơi nào có con người nơi đó có văn hóa.
Khi nghiên cứu về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho rằng: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.
Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Cũng chính vì thế văn hóa biểu trưng cho sự phát triển của loài người qua các thế hệ. Một đất nước giàu truyền thống văn hóa là một đất nước giàu có về tinh thần.
Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữ con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.
Từ các quan điểm trên có thể thấy rằng: Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền thế giới tự nhiên. Văn hóa bao gồm nhiều thể loại, song có thể hiểu nội hàm chính của văn hóa gồm:
Văn hóa vật thể | Văn hóa phi vật thể |
* Văn hóa vật thể là một bộ phận của văn hóa nhân loại, thể hiện đời sống tinh thần của con người dưới hình thức vật chất, là kết quả của hoạt động sáng tạo, biến những vật và chất liệu trong thiên nhiên thành những đồ vật có giá trị sử dụng và thẩm mĩ nhằm phục vụ cuộc sống con người.
* Văn hóa vật thể quan tâm nhiều đến chất lượng và đặc điểm của đối tượng thiên nhiên, đến hình dáng vật chất, khiến những vật thể và chất liệu tự nhiên thông qua sáng tạo của con người biến thành những sản phẩm vật chất giúp cho cuộc sống của con người. Trong văn hóa vật thể, người ta sử dụng nhiều kiểu phương tiện, tài nguyên năng lượng, dụng cụ lao động, công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng sinh sống của con người, phương tiện giao thông, truyền thông, nhà cửa, công trình xây dựng phục vụ nhu cầu nhà ở, làm việc và giải trí, các phương tiện tiêu khiển, tiêu dùng, mối quan hệ kinh tế… Tóm lại, mọi loại giá trị vật chất đều là kết quả lao động của con người. Văn hóa vật thể là một nguồn tài nguyên lớn và quan trọng để phát triển du lịch văn hóa nói riêng và du lịch nói chung. |
* Văn hóa phi vật thể là một phận của văn hóa nói chung. Theo nghĩa rộng, đó là toàn bộ kinh nghiệm tinh thần của nhân loại, của các loại hoạt động trí tuệ cùng những kết quả của chúng, đảm bảo xây dựng con người với những nhân cách, tác động dựa trên ý chí và sáng tạo. Văn hóa phi vật thể tồn tại dưới nhiều hình thái, đó là những tục lệ, chuẩn mực, cách ứng xử… đã được hình thành trong điều kiện xã hội mang tính lịch sử cụ thể, những giá trị và lí tưởng đạo đức, tôn giáo, thẩm mĩ, xã hội, chính trị, hệ tư tưởng,… Theo nghĩa hẹp, Văn hóa phi vật thể được coi là một phần của nền văn hóa, gắn với cuộc sống tâm linh của con người, thể hiện những giá trị lí tưởng, kiến thức. Đó là một dạng tồn tại hay thể hiện của văn hóa không phải chủ yếu dưới dạng vật thể có hình khối tồn tại khách quan trong không gian và thời gian, mà nó thường tiềm ẩn trong trí nhớ, tập tính, hành vi, ứng xử của con người và thông qua các hoạt động sống của con người trong sản xuất, giao tiếp xã hội, trong tư tưởng và văn hóa – nghệ thuật mà thể hiện ra khiến người ta nhận biết được sự tồn tại của nó. Có thể kể ra đây những dạng thức chính của văn hóa phi vật thể.
– Ngữ văn truyền miệng, thần thoại cổ tích, truyền thuyết ca dao, thành ngữ, tục ngữ, vè, ngụ ngôn… – Các hình thức diễn xướng và trình diễn bao gồm các hình thức ca múa, nhạc, sân khấu… – Những hành vi ứng xử của con người, đó là ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa cộng đồng với nhau. – Các hình thức nghi lễ, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, lễ hội như Phật giáo, Kitô giáo, Đạo giáo, thờ cúng tổ tiên, Đạo Mẫu… – Tri thức dân gian cũng là một lĩnh vực của văn hóa phi vật thể |