Kinh tếTài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Khái niệm về tự do hóa thương mại (Trade Liberalization)

Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới – World Bank và các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực thương mại quốc tế (Papageorgiou, 1990) thì “Tự do hóa thương mại được định nghĩa là bất kỳ hành động nào có thể làm cho chế độ thương mại trở nên trung lập hơn – gần với hệ thống thương mại không có sự can thiệp của chính phủ”. Theo đó, một chế độ thương mại trung lập là phải có sự bảo hộ ngang nhau giữa xuất khẩu và nhập khẩu (Shafaeddin, 1991a).

Còn đối với tác giả Sach & Warner (1995) tự do hóa thương mại hay còn gọi là độ mở thương mại là một chỉ số cho thấy mối quan hệ giữa những rào cản đối với thương mại quốc tế do chính phủ đặt ra, nó không chỉ bao gồm các hàng rào thuế quan, hạn ngạch, phi thuế quan mà còn các hình thức khác như tỷ giá trên thị trường chợ đen, hệ thống kinh tế xã hội, thị trường xuất khẩu.

Sach & Warner (1995) cũng đã giới thiệu năm tiêu chí để đo lường độ mở thương mại trực tiếp của một quốc gia: (1) Thuế suất thuế quan trung bình từ 40% trở lên; (2) Hàng rào phi thuế quan chiếm hơn 40% các mặt hàng nhập khẩu; (3) Tỷ giá hối đoái ở thị trường chợ đen thấp hơn tối thiểu 20% so với thị trưởng chính thức; (4) Nhà nước độc quyền với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; (5) Hệ thống kinh tế theo hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Ở các nước đang phát triển, trong những năm qua tự do hóa thương mại thường được thực hiện với mong muốn tăng trưởng được kích thích. Thương mại tự do kích thích sự thay đổi công nghệ bằng cách gia tăng cạnh tranh trong thị trường nội địa khi chính phủ cho phép hàng hóa tự do qua biên giới từ đó thúc đẩy tăng trưởng (Greenaway, 2002). Biện pháp bảo hộ của các nước càng cao có xu hướng làm chậm tốc độ tăng trưởng hơn so với các nước ít hạn chế thương mại, điều này là do thuế quan làm tăng giá thành sản phẩm, có thể làm giảm sản lượng và tăng trưởng. Những lập luận này dựa trên lý thuyết về lợi thế so sánh có trong các mô hình thương mại tự do của David Ricardo & John Stuart Mill và sau đó được sửa đổi bởi lý thuyết thương mại theo tỷ lệ nhân tố theo lý thuyết Hechsher Mitch Ohlin (1933) và Stolper-Samuelson (1933), Rybzsnski Effects (1955) cung cấp những giải thích truyền thống về thương mại với tư cách là động cơ tăng trưởng và phát triển.

Mặc dù mang đến những lợi ích nhất định, nhưng tự do hóa thương mại cũng mang đến những tác động tiêu cực cho các nước đặc biệt là các nước đang phát triển. Bhagwati (1958) cho rằng nếu tăng cường xuất khẩu sẽ có thể làm giảm các điều khoản thương mại cũng như làm giảm phúc lợi của nước xuất khẩu. Nó có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các nền kinh tế đang phát triển như nghèo đói, bất bình đẳng và suy thoái môi trường. Ngoài ra, điều mà tác giả lưu tâm là TDHTM cũng có thể dẫn đến sự sụt giảm số thu thuế làm hạn chế khả năng chi tiêu của chính phủ ở các nước đang phát triển.

Từ đó, theo Konan (2000) có hai cách để hạn chế khó khăn của TDHTM khi cắt giảm thuế quan. Thứ nhất, giảm các rào cản thương mại có thể làm tăng gánh nặng của thuế trực thu trong cấu trúc thuế. Thứ hai, TDHTM làm mất số thu thuế, chính phủ phải tăng thuế suất tiêu dùng trong nước để bù đắp. Khả năng cách thứ hai được áp dụng ở nhiều nước đang phát triển, bởi vì phụ thuộc nhiều vào số thu thuế ngoại thương tài trợ cho hoạt động chi tiêu của chính phủ. Theo Wacziarg & Welch (2008), ngày càng có nhiều sự đồng thuận về mặt học thuật rằng TDHTM và tỷ lệ khối lượng thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có tương quan thuận. Vì thế chỉ tiêu đo lường độ mở thương mại bằng tổng kim ngạch XNK so với tổng sản phẩm quốc nội cũng trở nên phổ biến hơn bởi nó dễ tính toán (Tosun, 2005; Karimi & ctg, 2016).

Ngoài ra, một chỉ tiêu khác được sử dụng để đo lường độ mở thương mại là tổng kim ngạch nhập khẩu so với tổng sản phẩm quốc nội, chỉ số ngày được sử dụng trong các nghiên cứu của Romer (1993); Squalli & Wilson (2011). Hiện nay, chỉ tiêu tự do thương mại còn xuất hiện trong bộ chỉ số Tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) của The Heritage Foundation. Đây là bộ chỉ số được xây dựng để tập trung vào bốn kía cạnh chính của môi trường kinh tế và kinh doanh, gồm: 1) Nhà nước pháp quyền; 2) Quy mô chính phủ; 3) Hiệu quả quản lý; 4) Thị trường mở. Trong đó, thị trường mở gồm: tự do thương mại, tự do đầu tư, hạn chế đầu tư, tự do tài chính. Có thể thấy tự do hóa ngày càng được quan tâm hơn bởi sự tác động đa chiều đến nền kinh tế, từ đó các chỉ tiêu đo lường tự do hóa thương mại cũng trở nên phong phú hơn.

Trong phạm vi của luận án, độ mở thương mại được tác giả sử dụng đại diện cho TDHTM. Căn cứ theo sự phổ biến của các chỉ tiêu đo lường, nghiên cứu sử dụng chỉ số tổng kim ngạch XNK so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngoài ra, để phản ánh rõ mức độ can thiệp của chính phủ bằng công cụ thuế vào hoạt động thương mại trong và ngoài nước, tác giả sử dụng chỉ số tự do thương mại của Tổ chức The Heritage Foundation. Việc kết hợp các chỉ số tự do hóa thương mại với nhiều tiêu chí đo lường khác nhau sẽ giúp các nhà nghiên cứu có cách nhìn toàn diện hơn.

Nguồn: Luận án Tài chính ngân hàng: “Cấu trúc thuế và tăng trưởng kinh tế dưới vai trò của tự do hóa thương mại tại các nước đang phát triển

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *