Cách viết và các yêu cầu của một bài tiểu luận
Cách viết và các yêu cầu của một bài tiểu luận
Tiểu luận thường có 2 dạng, hoặc là giáo viên cho các bạn làm cá nhân, hoặc là giao một đề tài cho cả nhóm làm. Với cá nhân, các bạn sẽ chủ động hơn khi thực hiện đề tài về thời gian cũng như về nội dung, nhưng làm nhóm, nếu biết kết hợp, sẽ tận dụng được thế mạnh của từng cá nhân, công việc sẽ nhàn hơn mà vẫn có thể có hiệu quả cao.
Tiểu luận là một bài viết ngắn để trình bày quan điểm, nghiên cứu, phát hiện về một chủ đề mà người viết tâm đắc, nó có độ dài từ 5 đến 20 trang, dù viết về một vấn đề gì thì nhiệm vụ của một tiểu luận phải nêu lên được vấn đề, phân tích vấn đề và trình bày những kết quả mới mà người viết phát hiện được, hay ý kiến, quan điểm, kết luận của người viết.
Một tiểu luận khoa học không thể trình bày một cách ngẫu hứng theo sở thích của người viết mà phải theo những tiêu chuẩn quy định chuẩn về cỡ chữ, khoảng cách giữa các dòng, canh lề, kiểu chữ, tiêu đề, trình bày lời cảm ơn, ghi chú, trích dẫn, tài liệu tham khảo…
I. CÁC YÊU CẦU CỦA MỘT BÀI TIỂU LUẬN
Các tiểu luận tuy ngắn nhưng cũng phải tuân theo một số cấu trúc bắt buộc để đảm bảo tính khoa học. Để làm tốt tiểu luận, cần phải nắm được các yêu cầu của tiểu luận, bao gồm: Yêu cầu về nội dung, yêu cầu về hình thức, yêu cầu về phương pháp.
1. Yêu cầu về nội dung
Tiểu luận là một bài tập nghiên cứu khoa học sau khi học xong một môn học nào đó. Nội dung của tiểu luận phải có liên quan đến môn học, góp phần giải đáp, mở rộng hoặc nâng cao kiến thức về một vấn đề khoa học thuộc môn học. Người làm cần phải đưa ra những nghiên cứu riêng, ý kiến riêng của mình về vấn đề khoa học được đề cập tới trong tiểu luận. Không nên dừng ở mức độ chỉ tổng hợp các tài liệu và ý kiến có sẵn.
2. Yêu cầu về hình thức
Tiểu luận cần được soạn thảo bằng máy tính, trình bày đúng qui cách, bao gồm các điểm chính. Phần này đã được giáo viên hướng dẫn cụ thể tuy nhiên ở phần này cũng lưu ý người viết tiểu luận một vài điểm sau:
+ Không nên lạm dụng các tính năng trình bày của máy tính, chỉ nên trình bày rõ ràng, sáng sủa. Tiểu luận cần được viết với văn phong giản dị, trong sáng, sử dụng chính xác các thuật ngữ chuyên môn, đặc biệt, không được mắc các lỗi chính tả và ngữ pháp. Muốn vậy, sau khi hoàn thành xong về nội dung, trước khi in, cần phải đọc lại và sửa chữa kỹ lưỡng về chính tả, ngữ pháp, câu văn và cách trình bày trang in. Về hình thức, tiểu luận bao gồm các thành phần chính sau:
+ Bìa: Ngoài cùng của tiểu luận là bìa tiểu luận. Bìa được làm bằng giấy cứng, phía trên cùng đề tên trường và khoa, giữa trang đề tên đề tài bằng khổ chữ to, góc phải cuối trang đề họ tên người hướng dẫn, người thực hiện đề tài, lớp và năm học. Trang bìa có thể đóng khung cho đẹp.
+ Trang bìa: là bản chụp của bìa, in trên giấy bình thường
+ Lời cảm ơn (nếu cần)
+ Mục lục
+ Phần nội dung chính: Đây là phần trình bày kết quả nghiên cứu của tiểu luận. Phần này gồm nhiều phần nhỏ, được trình bày chi tiết ở mục sau (xem mục II.3).
+ Danh mục tài liệu tham khảo
+ Phụ lục (nếu cần)
3. Yêu cầu về phương pháp
Viết tiểu luận là tập nghiên cứu khoa học, tiểu luận có thể được coi là một công trình khoa học nho nhỏ. Do vậy cần phải xác định rõ phương pháp thực hiện tiểu luận bao gồm các phương pháp nghiên cứu của ngành học cùng với các phương pháp hỗ trợ khác, trong đó phương pháp sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản.
>>> Xem thêm : Cách viết một bài tiểu luận
II. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN TIỂU LUẬN
Sau khi xác định được các yêu cầu của tiểu luận, cần phải phân chia việc thực hiện tiểu luận thành các công việc nhỏ hơn và đơn giản hơn, định rõ thứ tự thực hiện các công việc đó, thời gian cần thiết cho từng công việc. Tức là phải xác định các bước thực hiện tiểu luận. Kết quả của việc này là một bản kế hoạch thực hiện tiểu luận được giáo viên hướng dẫn chấp thuận.
Phần này trình bày các bước chính để thực hiện một tiểu luận, bao gồm các bước:
+ Xác định đề tài
+ Tập hợp thông tin
+ Lập đề cương
+ Giải quyết từng mục trong nội dung nghiên cứu
+ Hoàn thiện tiểu luận
Tất nhiên, tùy theo môn học và đề tài mà có thể phải có thêm bớt các bước.
1. Xác định đề tài
Trước tiên cần tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu. Đề tài có thể do người hướng dẫn nêu ra nhưng cũng có khi sinh viên phải tự tìm kiếm. Có thể tìm kiếm đề tài trong chương trình học hoặc trong thực tiễn liên quan tới ngành hoặc môn học.
Cần phải xác định rõ phạm vi nghiên cứu của đề tài như giới hạn về nội dung, về mức độ nghiên cứu, đối với một số ngành cũng phải giới hạn về thời gian, không gian của sự kiện, điều kiện thực hiện… Vì thời gian làm tiểu luận có hạn nên cần chọn những đề tài vừa sức và phải đưa ra những giới hạn phù hợp, đừng nên chọn những đề tài quá khó, quá rộng.
Khi trình bày với giáo viên hướng dẫn, cần phải nói rõ nội dung đề tài, lý do chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu đề tài, giới hạn phạm vi nghiên cứu và cuối cùng là tên đề tài (tên đề tài ngắn gọn, chính xác với nội dung và giới hạn của đề tài).
2. Tập hợp thông tin
Sau khi đã xác định được đề tài nghiên cứu của tiểu luận, cần phải tập hợp các thông tin liên quan đến đề tài nghiên cứu, ví dụ như:
Các nguồn tài liệu như sách, báo, tạp chí, kỷ yếu khoa học… được lưu trữ trong các thư viện hoặc trên Internet.
Các kết quả có được từ các thí nghiệm, thực nghiệm, thực địa, thực tập, điều tra…
Kết quả của việc tập hợp thông tin là một bản danh mục các tài liệu tham khảo, trong đó các tài liệu được sắp thứ tự theo tên tác giả hoặc tên tài liệu…
3. Lập đề cương
Đề cương là cái khung của tiểu luận. Đề cương là các nét chính về phương cách giải quyết vấn đề nghiên cứu được nêu ra. Ở bước này, cần nêu ra được nội dung tiểu luận sẽ gồm bao nhiêu phần, chương, mục; cách bố trí ra sao, nội dung chủ yếu của mỗi mục là gì. Tất nhiên đây chỉ là những dự kiến, sau này có thể cũng thay đổi.
Nói chung, nội dung tiểu luận gồm các phần chính sau:
Phần mở đầu: Trong phần này cần nói rõ nội dung đề tài nghiên cứu, lý do và mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu…
Phần nội dung: Phần này bao gồm nhiều phần nhỏ: phần thực trạng tình hình và phần các giải pháp. Phần thực trạng tình hình phải phân tích thực trạng, đánh giá chung về thực trạng và nêu rõ những phần ưu điểm cũng như nhược điểm của thực trạng tình hình đồng thời rút ra nguyên nhân của những ưu điểm và nhược điểm đó… Phần giải pháp thì người viết nêu phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chủ trương… trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp để phát huy những ưu điểm và khắc phục những mặt hạn chế… Đây là nội dung chủ yếu của tiểu luận, thuộc chuyên môn của môn học. Mỗi phần nhỏ có thể gồm nhiều mục, thể hiện quá trình giải quyết vấn đề nêu trong đề tài, các kết quả trong quá trình nghiên cứu, các nhận định, đánh giá… Phần này có thể được viết nhiều lần, sửa chữa, bổ sung trong suốt quá trình nghiên cứu. Đây là phần chủ yếu thể hiện công sức và trình độ nghiên cứu của người thực hiện tiểu luận.
Phần kết luận: Trong phần này cần tóm tắt quá trình giải quyết vấn đề các kết quả nghiên cứu. Nêu lên được ý nghĩa khoa học và thực tiễn của kết quả nghiên cứu. Cuối cùng, nêu ra những vấn đề chưa giải quyết được và hướng phát triển của đề tài.
4. Giải quyết nội dung nghiên cứu
Đây là bước chiếm nhiều công sức nhất trong quá trình làm tiểu luận. Người thực hiện tiểu luận cần phải tiến hành:
+ Phỏng vấn, tra cứu tài liệu, tổng hợp và phân tích dữ liệu, suy nghĩ và đưa ra những nhận xét, đánh giá… cho từng mục trong tiểu luận. Sau đó viết những kết quả nghiên cứu của mình vào tiểu luận. Trước hết nên viết dưới dạng bản thảo tất cả những thông tin, những kết quả có được, những ý tưởng đó cú cho đề tài cho dự cũng lộn xộn, chưa chắc chắn. Trong các bước tiếp theo sẽ sửa chữa, sàng lọc, sắp xếp, hoàn chỉnh lại.
5. Hoàn thiện tiểu luận
Sau khi đã viết được hầu hết nội dung tiểu luận, cần phải đọc lại và hoàn thiện tiểu luận. Chính trong phần này, việc soạn thảo tiểu luận bằng máy tính sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Với máy tính, ta có thể thêm, bớt, xóa, sửa văn bản tiểu luận một cách hết sức tự do, có thể chọn các hình ảnh, biểu bảng, sơ đồ, công thức… rất tiện lợi.
Trong bước này, cần phải:
+ Điều chỉnh nội dung và bố cục tiểu luận cho phù hợp với quá trình và kết quả nghiên cứu, đồng thời khiến các phần được liên kết với nhau một cách mạch lạc, rõ ràng. Lược bỏ những phần, những ý chưa thật chắc chắn hoặc quá lan man.
+ Sửa chữa lỗi chính tả, câu văn và ý tứ sao cho tiểu luận được trình bày một cách chính xác, dễ hiểu và trong sáng.
+ Chỉnh sửa nội dung và hình thức các bảng, biểu, hình ảnh… Nhập danh mục tài liệu tham khảo.
+ Điều chỉnh định dạng các phần của văn bản tiểu luận như các tiêu đề, chú thích, tham chiếu… Tạo các phần cần thiết cho văn bản tiểu luận như: trang bìa, mục lục.