Nội dung phát triển đội ngũ giảng viên
Nội dung phát triển đội ngũ giảng viên
Theo quan điểm truyền thống, nội dung phát triển đội ngũ giảng viên được quy tụ vào ba vấn đề chính là số lượng, chất lượng và cơ cấu. Do vậy, các trường đại học, cao đẳng cần tập trung và việc đảm bảo cho đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có chất lượng (trình độ chuyên môn giỏi; kỹ năng giảng dạy và NCKH vững vàng; thái độ nghề nghiệp tốt) để đủ khả năng thực hiện có chất lượng mục tiêu, kế hoạch giáo dục của cơ sở đào tạo.
– Phát triển về số lượng: Phát triển về số lượng là đảm bảo đủ số lượng GV đạt chuẩn về trình độ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của các cơ sở GDĐH. Để thực hiện được điều này cần phải làm tốt các nhiệm vụ cụ thể sau: (1) Tuyển dụng bổ sung khi có nhu cầu đối với những người có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp làm GV; (2) Đào tạo, bồi dưỡng những SV giỏi trở thành GV; (3) Bổ sung nhân sự kịp thời khi ĐNGV của trường có biến động về số lượng.
– Phát triển về chất lượng: Phát triển về chất lượng là những tác động của nhà quản lý nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng giảng dạy và NCKH, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu của cơ sở GDĐH. Nói cách khác, đó chính là nâng cao những năng lực cần thiết để họ thực hiện tốt các chức năng của người giảng viên. Để phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà trường cần tiến hành: (1) Đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên hoặc định kỳ để đảm bảo cho giảng viên có đủ năng lực chuyên môn, cập nhật được kiến thức mới; (2) Sử dụng đúng người, đúng việc để phát huy năng lực chuyên môn của giảng viên; (3) Thực hiện đánh giá, sàng lọc, đưa ra khỏi đội ngũ giảng viên những người không có đủ năng lực thực hiện chức năng của giảng viên hoặc chỉ ra những tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và thúc đẩy họ tự học, tự đào tạo nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
– Phát triển về cơ cấu: Phát triển về cơ cấu đội ngũ giảng viên là làm cho cơ cấu đó ngày càng trở nên hoàn thiện, phù hợp và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường. Cơ cấu đội ngũ giảng viên bao gồm tỷ lệ đạt chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học …); tỷ lệ về ngành nghề đào tạo; tỷ lệ giới tính; tỷ lệ theo độ tuổi để đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Phát triển về cơ cấu đội ngũ giảng viên cần bám sát mục tiêu chiến lược phát triển của nhà trường, chiến lược phát triển của ngành, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Trong xu thế phát triển GDĐH trên thế giới hiện nay, phát triển đội ngũ giảng viên là quá trình xây dựng đội ngũ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và NCKH. Để phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở GDĐH cần tiến hành đồng bộ các giải pháp quản lý nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, cơ cấu cân đối và hợp lý, có trình độ chuyên môn giỏi, kiến thức – kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu vững vàng, thái độ nghề nghiệp tốt. Quá trình phát triển đội ngũ giảng viên cũng là quá trình làm cho đội ngũ này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội, có khả năng sáng tạo để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của nhà trường, tìm thấy sự gắn bó với nhà trường. Thực chất của phát triển đội ngũ giảng viên là tạo ra sự gắn kết giữa chuẩn nghề nghiệp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng với việc sử dụng hợp lý; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để GV phát triển và đánh giá đội ngũ giảng viên một cách khoa học, chính xác.
Quá trình phát triển đội ngũ giảng viên là một quá trình liên tục nhằm thay đổi thực trạng hiện tại của đội ngũ này để ngày càng hoàn thiện hơn về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng giáo dục và đào tạo trong điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, từng bước tiếp cận với trình độ của các nước phát triển trên thế giới. Phát triển đội ngũ giảng viên là một quá trình kép, bao gồm sự tích cực tự vận động phát triển của người GV và sự thúc đẩy của môi trường (sự vận động phát triển của xã hội, nhà trường, đồng nghiệp) đối với GV, trong đó sự tích cực tự vận động phát triển của cá nhân GV giữ vai trò quan trọng, đảm bảo cho sự trưởng thành về nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, nhân cách của người GV trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển của nhà trường.
Theo Đặng Bá Lãm (2012), phát triển đội ngũ giảng viên là sự tăng trưởng về mặt số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên. Đây chính là quá trình chuẩn bị lực lượng để GV có thể theo kịp được sự thay đổi và chuyển biến của giáo dục.
Phát triển đội ngũ giảng viên bao gồm cả tuyển chọn, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp. Phát triển đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng lẫn chất lượng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ giảng viên.
Phát triển đội ngũ giảng viên còn chính là việc xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có chất lượng để thực hiện tốt mục tiêu, nội dung và kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục. Đồng thời, xây dựng một tập thể sư phạm, trong đó mỗi cá nhân có tinh thần trách nhiệm, gắn bó với nhà trường, tham gia tích cực, sáng tạo vào trong quá trình giảng dạy và học tập.
Dựa trên cách tiếp cận quản lý nguồn nhân lực, tác giả luận án cho rằng phát triển đội ngũ giảng viên không chỉ là sự chiếm lĩnh trình độ lành nghề, chuyên môn và đào tạo nói chung, mà còn là sự phát triển năng lực và sử dụng năng lực đó vào việc thực hiện các chức năng của người GV một cách hiệu quả, cũng như thỏa mãn nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân của người GV. Do vậy, phát triển đội ngũ giảng viên bao gồm cả phát triển về đội ngũ và chính sách tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ để tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của cá nhân người GV. Muốn phát triển đội ngũ giảng viên, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GDĐH cần phải xây dựng cơ chế tuyển dụng một cách hợp lý để thu hút được nhân tài; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ, đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp và tạo môi trường làm việc thuận lợi để họ phát triển, cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp GD&ĐT.