Hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ nhất, chất lượng của nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Chất lượng của cơ sở đào tạo thể hiện trước hết ở chất lượng giảng viên. Ở một số cơ sở đào tạo có tình trạng thiếu hụt giáo viên đạt chuẩn. Ngay trong các giáo viên đạt chuẩn về trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư), nhiều người còn hạn chế về năng lực sư phạm, kiến thức chuyên môn, tin học, ngoại ngữ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), ở Việt Nam “Số tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế thấp (năng lực ngoại ngữ và hiểu biết về văn hoá ứng xử, giao lưu quốc tế còn hạn chế, chỉ có khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp); số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, phát minh, sáng chế còn rất thấp” [10]. Điều này dẫn đến chỗ, phương pháp và kiến thức giảng dạy của giảng viên lạc hậu, phương pháp kiểm tra đánh giá không kích thích năng lực sáng tạo của người học. Nhiều cán bộ quản lý đào tạo còn thiếu tính chuyên nghiệp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, giảng viên suy thoái về mặt đạo đức, chưa tích cực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Quá trình nâng cấp các cơ sở đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và việc mở thêm các trường đại học mới đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đáp ứng nhiều chỉ tiêu, trong đó quan trọng nhất chỉ tiêu về trình độ của đội ngũ giảng viên cơ hữu. Ở một số cơ sở đào tạo, chỉ tiêu này được thực hiện với lộ trình gấp gáp; điều đó dẫn đến tình trạng chạy theo bằng cấp và do đó nhiều giảng viên tuy có học vị và học hàm cao nhưng không có trình độ chuyên môn tương xứng. Một hiện tượng khác cũng đáng lưu tâm là, mặc dù số lượng người lao động có học hàm và học vị cao tập trung tương đối đông trong các cơ sở đào tạo và không ngừng tăng lên qua các năm, nhưng nhiều người trong số đó không làm công tác chuyên môn khoa học (giảng dạy và nghiên cứu) mà chuyển sang làm công tác quản lý hành chính. Sự thiếu hụt giảng viên đạt chuẩn (có học vị và học hàm cao chưa chắc đã đạt chuẩn) đã tác động tiêu cực đến chất lượng sinh viên được đào tạo. Chất lượng của cơ sở đào tạo còn thể hiện ở nội dung chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Ở một số cơ sở đào tạo, nội dung chương trình đào tạo chưa dựa trên những yêu cầu của thị trường lao động; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn lạc hậu. Do vậy, việc giảng dạy trong các trường hiện nay chủ yếu vẫn dừng ở việc dạy những thứ nhà trường có, chứ chưa dạy những thứ xã hội cần. Chất lượng cơ sở đào tạo còn thể hiện ở sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, giữa cơ sở đào tạo này với các cơ sở đào tạo khác, giữa cơ sở đào tạo với các trường phổ thông. Nhiều cơ sở đào tạo chưa bao giờ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động. Ở các cơ sở đào tạo có sự hợp tác với đơn vị sử dụng lao động, thì sự hợp tác chủ yếu mới chỉ dừng lại ở chỗ, các cơ sở đào tạo gửi sinh viên đến thực hành chuyên môn hoặc thực tập tốt nghiệp tại đơn vị sử dụng lao động. Với cách hợp tác này, thời gian thực tập của sinh viên quá ngắn, không đủ để có thể giao việc thực tếcho sinh viên, việc thực tập của sinh viên vẫn mang tính hình thức. Rất ít cơ sở đào tạo có sự hợp tác với đơn vị sử dụng lao động về việc xây dựng chương trình đào tạo, về tài chính, về nghiên cứu khoa học.
Xem thêm : Nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ hai, cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn bất hợp lý. Điều này thể hiện ở sự mất cân đối giữa các bậc đào tạo với nhau, giữa các ngành nghề đào tạo với nhau, giữa quy mô đào tạo với sự phân bố nguồn lực phục vụ đào tạo: số lượng sinh viên được đào tạo bậc đại học quá nhiều so với số lượng sinh viên được đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Tính đến năm 2015, trong tổng số 10,5 triệu lao động có bằng cấp thì có: 4,48 triệu người có trình độ đại học trở lên (chiếm tỉ lệ 42,7%); 1,32 triệu người có trình độ cao đẳng (chiếm 12,6%); 2,06 triệu người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 19,6%). Trong khi trên thế giới, cứ 1 người có trình độ đại học thì cần 4 người có trình độ trung học chuyên nghiệp; các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đều hướng tới đào tạo đa ngành nhưng lại chủ yếu mở các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật. Do đó có bất hợp lý về nhân lực chất lượng cao giữa các ngành; đội ngũ giảng viên có trình độ cao tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Tính đến năm 2015, số lượng tiến sĩ làm việc
trong các cơ sở đào tạo ở thành phố là 61,12%, trong khu vực sản xuất kinh doanh ở thành phố là 19,81%, trong khu vực vùng sâu, vùng xa chỉ là 4-7% [3]. Trong đó, ba thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. HồChí Minh có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất cả nước. Nơi có tỷ lệ tiến sĩ thấp nhất là Tây Nguyên và Tây Bắc. Sự phân bố giảng viên không đều như trên dẫn đến tình trạng có nơi thừa nhưng có nơi thiếu giáo viên trình độ cao.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay đang còn nhiều hạn chế, nên nguồn nhân lực có chất lượng cao được đào tạo còn ít về số lượng, thấp về chất lượng và bất hợp lý về cơ cấu. Số cử nhân thất nghiệp có xu hướng gia tăng, nhiều cử nhân phải làm trái ngành, trái nghề được đào tạo. Nhiều người tuy làm công việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo, nhưng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều người phải được đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Theo đánh giá của WB, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước khác. Điểm chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB. Do chất lượng nguồn nhân lực thấp nên năng suất lao động của người Việt Nam thấp, trung bình chỉ bằng 1/3 năng suất lao động của các nước trong khu vực. Việt Nam tuy đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, nhưng vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Nhiều đơn vị sử dụng lao động, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, mặc dù thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao nhưng không muốn tuyển những người đã tốt nghiệp trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam (kể cả người có học vị cao). Điều này làm cho số lượng cử nhân thất nghiệp cao và có xu hướng gia tăng. Tính đến quý I năm 2014, Việt Nam có 79,1 nghìn người có trình độ cao đẳng và 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp [1]. Đến hết quý III năm 2015, có khoảng 117,3 nghìn người có trình độ cao đẳng và 225,5 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp [7]. Ngoài ra, tính đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 80% cử nhân mới ra trường làm không đúng nghề đào tạo [8]. Đại hội Đảng XII đã nhận định: “Mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo”, “công tác đào tạo chưa gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội”, “thiếu lao động chất lượng cao”, “năng lực đội ngũ khoa học,
công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành”, “số lượng sáng chế, công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín còn ít” [1, tr.113, 114, 248, 249, 250].