Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHTM

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHTM

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng. Sau đây có thể chia thành hai nhóm cơ bản sau:

1.  Nhóm nhân tố khách quan:

+ Môi trường kinh tế

Để Ngân hàng có thể huy động được nhiều nguồn vốn mở rộng hoạt động cho vay, phục vụ cho việc phát triển kinh tế thì phải có một nền kinh tế phát triển ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng của Ngân hàng là vô cùng cần thiết. Một nền kinh tế có mức tăng trưởng ổn định sẽ làm giá cả luôn giữ ở mức ổn định, tình trạng lạm phát ở mức thấp  tạo điều kiện cho Ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động của mình và tránh được những thiệt hại cho Ngân hàng do sự mất giá của đồng tiền, từ đó mà chất lượng tín dụng được nâng lên.

Ngoài ra cơ chế, chính sách  của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế nên cũng tác động trực tiếp đến các khách hàng vay vốn của Ngân hàng .Nếu chính sách của Nhà nước (chính sách thuế, chính sách tiền tệ, XNK…) không tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, làm cho các doanh nghiệp khó khăn trong SXKD nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Một trong những nhân tố có tác động lớn tới việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng đó là chu kỳ phát triển kinh tế. Nếu thời kỳ kinh tế phát triển hưng thịnh sẽ có nhiều cơ hội làm ăn cho các nhà đầu tư, SXKD được mở rộng tăng được lợi nhuận, điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng mở rộng cho vay và chất lượng tín dụng được nâng lên. Ngược lại, trong thời kỳ nền kinh tế bị suy thoái, SXKD bị đình trệ, quy mô sản xuất thu hẹp, thua lỗ kèo dài dẫn đến các khách hàng của Ngân hàng khó khăn trong việc trả nợ, chất lượng tín dụng bị giảm sút.

  + Môi trường xã hội

Quan hệ tín dụng dựa trên cơ sở tín nhiệm là chủ yếu. Vì vậy, sự tín nhiệm là cầu nối mối quan hệ giữa Ngân hàng và khách hàng. Uy tín của Ngân hàng trên thị trường tiền tệ cao sẽ thu hút được nhiều khách hàng, ngược lại khách hàng có uy tín, được Ngân hàng tín nhiệm tạo thuận lợi  trong việc cấp tín dụng.

Trong xã hội có nhiều tuyền thống tốt đẹp, ít tệ nạn XH như lừa đảo, làm ăn phi pháp cũng góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

  +Tình hình chính trị

Một quốc gia có sự ổn định về chính trị, không có chiến tranh thì đây là môi trường thuận lợi và yên tâm cho các nhà đầu tư trong  nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Chính trị ổn định thì nền kinh tế mới phát triển, bất cứ sự biến động nào về chính trị cũng dẫn tới xáo động lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Riêng đối với Ngân hàng nó có ảnh hưởng trực tiếp tới việc huy động vốn, cho vay. Điều đó có nghĩa ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.

  + Nhân tố pháp lý

Pháp luật có vai trò hết sức quan trọng với hoạt động Ngân hàng nói chung và chất lượng tín dụng nói riêng.

Pháp luật là một bộ phận không thể thiếu được ở bất kỳ nền kinh tế nào. Không có pháp luật hoặc các chính sách luật ban hành không phù hợp, không đồng bộ sẽ gây khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng Ngân hàng. Ngoài ra nếu có hệ thống phát luật đồng bộ sẽ tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế do đó  mà SXKD được tiến triển thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Nó còn là cơ sở để giải quyết mọi mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội

+ Ngoài ra việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng còn bị ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân khách quan khác như: Thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… Vì đây là nguyên nhân làm cho nhiều khách hàng của Ngân hàng bị phá sản nhất là các khách hàng SXKD phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.

Các chỉ tiêu phản ánh việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng

2. Nhóm nhân tố chủ quan

Gồm các nhân tố thuộc về phía Ngân hàng như chính sách tín dụng, công tác tổ chức, chất lượng cán bộ, quy trình tín dụng…

  + Chính sách tín dụng.

Chính sách tín dụng là một hệ thống biện pháp liên quan đến việc khuyếch trương tín dụng hoặc hạn chế tín dụng để đạt được mục tiêu đã hoạch định của NHTM đó.

Hoạch định chính sách tín dụng phù hợp sẽ thu hút được nhiều khách

hàng, đảm bảo được khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng, phân tán rủi ro, tuân thủ chấp hành tốt luật pháp và đường lối chính sách của Nhà nước.

Hoạt động tín dụng trong nền kinh tế thị trường chứa đựng rất nhiều rủi ro. Khi Ngân hàng gặp phải những rủi ro thì có thể bị phá sản hoặc thiệt hại lớn, mất uy tín với khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, khi hoạch định chính sách tín dụng phải luôn coi trọng việc đảm bảo an toàn vốn như là một mục tiêu mà chính sách đó phải dạt được. Do vậy, ta có thể nói rằng chất lượng tín dụng của Ngân hàng có tốt hay không nó còn phụ thuộc vào việc xây dựng một chính sách tín dụng của Ngân hàng có đùng đắn hay không.

+ Công tác tổ chức Ngân hàng

Để tạo điều kiện cho việc quản lý có hiệu quả các khoản vốn tín dụng thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban, có sự đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, từ ban lãnh đạo đến toàn bộ CBCNV. Điều đó có nghĩa công tác tổ chức Ngân hàng được thực hiện tốt chính là cơ sở để tiến hành các nghiệp vụ tín dụng lành mạnh. Hơn nữa, thực hiện tốt công tác này Ngân hàng đã làm cho guồng máy hoạt động của mình được uyển chuyển, nhịp nhàng, linh hoạt. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động Ngân hàng nên chú trọng mặt này để ngày càng hoàn thiện, phát triển và tạo điều kiện cho chất lượng tín dụng được nâng lên.

+ Thông tin tín dụng

Cho vay vốn không phải là một vấn đề đơn giản. Trên thực tế không phải khách hàng nào cũng sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, ngoài ra còn có những khách hàng chủ định lừa Ngân hàng để chiếm đoạt tài sản (như dùng 1 tài sản để thế chấp vay vốn tại nhiều Ngân hàng với số tiền vay lớn hơn giá trị tài sản, thành lập các công ty “ma”…) gây rủi ro, tổn thất cho Ngân hàng .Vì vậy, hoạt động tín dụng muốn tăng trưởng, đạt hiệu quả nhưng phải đảm bảo an toàn vốn thì phải có hệ thống thông tin hữu hiệu phục vụ cho công tác này. Nắm bắt kịp thời, chính xác các luồng thông tin về khách hàng là điều kiện để xem xét, phân tích nhằm tìm ra những cơ hội tốt trong kinh doanh cũng như để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động của mỗi Ngân hàng.

Trên thương trường cùng với nhiều đối thủ cạnh tranh, người nào nắm bắt được nhiều thông tin nhanh nhất, chính xác nhất thì nắm được đa phần thắng. Rõ ràng việc xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống thông tin tín dụng với nhiều kênh, nhiều nguồn cung cấp cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực có chọn lọc, xử lý thông tin kịp thời là một trong những điều kiện quyết định sự thành công trong công tác kinh doanh và thực hiện việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng.

  + Trình độ cán bộ Ngân hàng

Nhân tố con người là nhân tố trung tâm trong mọi hoạt động. Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề có tính quyết định đến chất lượng tín dụng cao hay thấp là phụ thuộc khá nhiều từ việc hoạch định các chủ trương, chính sách tới việc thẩm định các dự án, xét duyệt hồ sơ, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, thu hồi nợ… của Ngân hàng và trong đó con người là nhân tố không thể thiếu.

Một Ngân hàng có đội ngũ CBCNV được đào tạo với chất lượng tốt, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao thì việc quản lý, thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng nói chung và nghiệp vụ tín dụng nói riêng sẽ trở nên có hệ thống và đạt được kết quả cao. Hơn nữa, nó còn giúp cho Ngân hàng tránh được những rủi ro có thể xảy ra do trình độ của cán bộ, nhờ đó mà chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo.

  + Vấn đề kiểm tra, kiểm soát, thanh tra

Mở rộng quy mô hoạt động tín dụng, tăng cường cho vay mà không tính đến những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra thì dễ dẫn đến sụp đổ và phá sản của mỗi NHTM.

Một trong những nghiệp vụ hoạt động nhằm mục đích giúp cho Ngân hàng tránh được rủi ro trên là công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát. Công tác này không chỉ thực hiện đối với khách hàng (như kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay) mà còn được thực hiện với bản thân Ngân hàng như kiểm tra quá trình thực hiện cho vay xem đã đúng quy trình chưa. Kiên quyết loại trừ những cán bộ mất phẩm chất, tiêu cực, tham ô, tham nhũng gây thất thoát tài sản làm mất uy tín của Ngân hàng đối với khách hàng.

Nâng cao chất lượng tín dụng cũng đồng thời là Ngân hàng phải kịp thời ngăn chặn, phát hiện được những hành vi vi phạm pháp luật có ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng cũng như bảo vệ được tài sản, cán bộ, uy tín của Ngân hàng. Muốn vậy phải bố trí cán bộ có năng lực, trình độ và trách nhiệm cao thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giám sát là vấn đề mà không một Ngân hàng nào được coi nhẹ.

+ Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tín dụng

Nền kinh tế phát triển đòi hỏi ngành ngân hàng phải được trang bị đầy đủ các công nghệ thiết bị hiện đại, phù hợp với nhu cầu của xã hội và phục vụ kịp thời yêu cầu của khách hàng về các mặt dịch vụ với chi phí cả hai bên đều chấp nhận được. Mặt khác, các trang thiết bị này cũng giúp cho các nhà quản trị ngân hàng kịp thời nắm bắt được mọi diễn biến của thị trường, các dự báo về khả năng phát triển kinh tế và mọi hoạt động tín dụng để đưa ra được những chiến lược, những quyết sách phù hợp với tình hình thực tế, nhằm thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Như vậy, trang thiết bị và không ngừng đổi mới công nghệ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHTM

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

One thought on “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHTM

  • Bảo Châm

    anh chị cho e hỏi hạn chế của tín dụng nhà nước là gì ạ?

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *