Kinh tếTin chuyên ngành

Lý thuyết bất đối xứng thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Vấn đề bất đối xứng thông tin là khái niệm mô tả tình huống trong đó những người tham gia tương tác trên thị trường nắm được những thông tin khác nhau về giá trị hoặc chất lượng của một tài sản hay dịch vụ đang được giao dịch trên thị trường. Nói cách khác, đó là trạng thái mất cân bằng trong cơ cấu thông tin giữa các chủ thể giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau. Vậy trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, có xảy ra bất đối xứng thông tin không? Biện pháp tương ứng để giảm tình trạng bất đối xứng thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là gì?

Bất đối xứng thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Một là, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thiếu thông tin về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

– Chưa xác định thông tin chính xác về đối tượng thuộc diện tham gia BHXH và đối tượng của bảo hiểm xã hội. Đối tượng tham gia BHXH bao gồm người lao động và người sử dụng lao động. Đối tượng được bảo hiểm là thu nhập của người lao động bị giảm, mất khi xảy ra các rủi ro trong quá trình lao động như ốm đau, sinh con, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, hết tuổi lao động, chết. Như vậy, lợi ích của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gắn với đối tượng của BHXH. Nói cách khác, người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ có nhiều thông tin hơn về đối tượng bảo hiểm hơn là cơ quan BHXH.

Cơ quan BHXH thiếu thông tin về đối tượng thuộc diện tham gia và đối tượng bảo hiểm là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng hiện nay DN không tham gia BHXH; tham gia không đầy đủ cho tổng số lao động hiện có của DN thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc; hoặc tham gia với mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn mức lương thực trả cho người lao động.

Theo quy định được áp dụng trước ngày 1/1/2016, tiền lương đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, không bao gồm các khoản phụ cấp. Vì vậy, trong thực tế, các DN đã lợi dụng quy định này bằng cách hạ thấp tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, bổ sung thêm các khoản phụ cấp và trợ cấp; hoặc tăng các khoản phụ cấp chưa tính đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014…

– Thiếu cơ sở dữ liệu tập trung về người tham gia BHXH. Ở cấp quản lý vĩ mô, cơ quan BHXH chưa có cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc. Dữ liệu cần thiết để quản lý bao gồm quá trình tham gia, sổ BHXH và xét hưởng BHXH, chi trả chế độ BHXH còn phân tán ở các địa phương trong khi người lao động thường xuyên di chuyển, biến động. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động trục lợi Quỹ BHXH dưới nhiều hình thức khác nhau như làm nhiều sổ BHXH và đề nghị hưởng ứng ở nhiều địa phương…

– Thiếu sự liên kết giữa các ban ngành liên quan để chia sẻ thông tin. Xét ở phạm vi rộng hơn, thông tin bất cân xứng còn thể hiện ở sự khác biệt và không thống nhất thông tin giữa BHXH và các cơ quan liên quan. Để thực hiện thu BHXH cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức BHXH và các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này sẽ xác định được chính xác, đầy đủ số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH, tạo cơ sở để thu BHXH được hiệu quả.

Hai là, người lao động thiếu thông tin về bảo hiểm xã hội.

Người lao động thiếu thông tin về bản chất, mục tiêu của bảo hiểm xã hội, về quyền lợi và nghĩa vụ; điều kiện tham gia; Hồ sơ, thủ tục tham gia BHXH… có thể do các nguyên nhân sau:

– Công tác tuyên truyền, phổ biến về BHXH mặc dù đã được triển khai rộng rãi song còn chưa hấp dẫn và thu hút đối tượng. Do đối tượng tham gia BHXH đa dạng, thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhiều ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi, giới tính, trình độ dân trí… khác nhau nên các hình thức phổ biến pháp luật về BHXH chưa tiếp cận tới từng người lao động.

– Hiểu biết của người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định có hay không tham gia BHXH, tham gia như thế nào… của người lao động. Nếu không hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ về BHXH, người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc sẽ tìm cách trốn đóng; người lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện sẽ quyết định không hoặc không tiếp tục tham gia BHXH.

– Người lao động còn thiếu công cụ để quản lý quá trình tham gia và hưởng BHXH của mình. Theo quy định hiện hành, hàng tháng người sử dụng lao động sẽ trích tiền đóng BHXH của người lao động cùng với phần đóng góp của mình nộp cho cơ quan BHXH. Điều này giúp quá trình quản lý thuận tiện hơn vì điều kiện để người lao động tham gia BHXH bắt buộc là phải có quan hệ lao động. Tuy nhiên, quy định này dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị sử dụng lao động trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH.

Hậu quả của bất đối xứng thông tin trong bảo hiểm xã hội

Một là, lựa chọn bất lợi: Với sản phẩm bảo hiểm vốn có đặc tính vô hình, chất lượng sản phẩm chỉ có thể đánh giá hoàn chỉnh khi xảy ra rủi ro và người tham gia BHXH được nhận các khoản trợ cấp từ cơ quan BHXH. Vì thế, những lựa chọn bất lợi của người lao động có thể là không tham gia BHXH, tham gia với mức tiền lương thấp hơn mức tiền lương thực nhận từ người sử dụng lao động…

Các lựa chọn này khiến người lao động không được nhận trợ cấp, hoặc được nhận trợ cấp với mức thấp tương ứng với mức đóng. Lợi thế thông tin về đối tượng được bảo hiểm giúp người lao động lựa chọn mức tiền lương, tiền công (đối với BHXH bắt buộc) và mức thu nhập (đối với BHXH tự nguyện) giúp họ tối đa hóa lợi ích.

Nếu một người có xác suất xảy ra rủi ro lớn, đặc biệt với những sự kiện bảo hiểm có thể dự đoán trước thời điểm phát sinh như sinh con, họ sẽ hợp thức hóa hồ sơ để tham gia BHXH với mức lương cao. Ngược lại, họ đăng ký tham gia BHXH với mức lương thấp để tiết kiệm chi phí trong hiện tại. Nếu cơ quan BHXH không kiểm soát được mức lương làm căn cứ đóng BHXH thực tế của người lao động sẽ là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối thu – chi.

Bên cạnh đó, BHXH tự nguyện trong trường hợp thực hiện cả các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp còn phải đối mặt với sự lựa chọn ngược nghĩa là tình huống những người tham gia BHXH là những người có khuynh hướng rủi ro cao bởi thông tin bất đối xứng còn thể hiện qua hiểu biết của người tham gia bảo hiểm về rủi ro của mình.

Người lao động sẽ không tham gia bảo hiểm nếu nhận thấy mức độ thỏa dụng thấp khi tham gia một sản phẩm bảo hiểm nào đó, ví dụ những người khỏe mạnh có xu hướng không tham gia bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, những người đã qua độ tuổi sinh đẻ không có nhu cầu tham gia chế độ thai sản… Trong tình huống đó, số lượng người tham gia thấp làm tăng phí bảo hiểm và giảm độ bao phủ của BHXH.

Hai là, tâm lý ỷ lại (rủi ro đạo đức): Cụ thể, sau khi đã tham gia BHXH, bên có nhiều thông tin hơn, tạo ra bất lợi cho bên còn lại để trục lợi là người lao động, người sử dụng lao động, bệnh viện… Về lý thuyết, BHXH là sản phẩm không mong đợi, nghĩa là người tham gia bảo hiểm không muốn được hưởng trợ cấp vì điều đó đồng nghĩa với rủi ro xảy ra với họ. Tuy nhiên, với những sự kiện không hoàn toàn mang tính rủi ro như sinh con hoặc khi rủi ro đã xảy ra người lao động tìm cách gia tăng số tiền trợ cấp.

Hình thức trục lợi BHXH đa dạng và xuất hiện ở tất cả các loại hình BHXH bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và ở tất cả các chế độ bao gồm chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Với BHXH bắt buộc, đối tượng có thể bị tai nạn ngoài giờ làm việc nhưng được hợp lý hóa là tai nạn lao động trong giờ làm việc để hưởng chế độ; có thể đăng ký tham gia BHXH tại nhiều nơi với mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao hơn mức lương thực tế để được hưởng nhiều khoản trợ cấp khi sinh con; có thể báo ốm xin hưởng BHXH để giải quyết việc của cá nhân…

Với BHTN, người lao động tranh thủ nhảy việc để hưởng khoản bảo hiểm này hoặc chủ sử dụng lao động chứng nhận thất nghiệp để hưởng BHTN. Với BHYT, lợi thế về thông tin liên quan đến đặc thù chuyên môn khiến tình trạng trục lợi dưới nhiều hình thức như lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền; các xét nghiệm sinh hóa được làm nhiều lần, trùng lặp nhau; lạm dụng thuốc, kê đơn thuốc một cách rộng rãi, tốn kém và bất hợp lý… trở nên phổ biến và khó kiểm soát xuất phát từ cả phía cơ sở khám chữa bệnh và người tham gia BHYT.

Ba là, vấn đề người ủy thác và người đại diện: Xảy ra khi người đại diện (giám đốc công ty) làm việc vì lợi ích của mình bất chấp lợi ích của người ủy thác. BHXH quản lý đối tượng tham gia theo danh sách đơn vị sử dụng lao động. Trong việc đóng phí BHXH, chủ sử dụng lao động chính là người đại diện, người lao động là người ủy thác.

Trong khi đó, bên có lợi thế về thông tin hơn là người sử dụng lao động; điều này dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động hàng tháng vẫn trích tiền đóng BHXH của người lao động từ tiền lương, tiền công của họ; nhưng không nộp cho cơ quan BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Người lao động vốn yếu thế hơn trong mối quan hệ lao động, lại thiếu thông tin và không có đầy đủ công cụ để giám sát quá trình đóng góp của người sử dụng lao động dẫn đến người sử dụng lao động mưu cầu lợi ích cá nhân bất chấp lợi ích của người lao động bị ảnh hưởng.

Để giảm bất đối xứng thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Ứng dụng lý thuyết về giảm tính bất đối xứng thông tin của Michael Spence – nhà kinh tế học Hoa Kỳ đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 và Joseph Stiglitz – nhà kinh tế Hoa Kỳ, đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 vào việc giảm bất đối xứng thông tin trong lĩnh vực BHXH tương ứng như sau:

Một là, cơ chế phát tín hiệu: Mặc dù, bên có lợi thế thông tin hơn là người lao động, song việc không tham gia BHXH cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi gặp rủi ro. Do đó, để trang bị cho người lao động những kiến thức, hiểu biết cơ bản về BHXH, từng bước tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, BHXH cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú: bằng các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, báo, đài…), pano, áp phích, tờ rơi; Lồng ghép nội dung BHXH vào các buổi sinh hoạt tại thôn, xã, các hội, đoàn thể, các DN, cơ quan. Ngoài ra, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử của BHXH nhằm giúp tổ chức BHXH tiếp cận với từng người lao động với chi phí thấp hơn rất nhiều so với hình thức tuyên truyền trực tiếp.

Hai là, cơ chế sàng lọc: Với vai trò là người mua, đối tượng tham gia BHXH có thể tìm hiểu thông tin về chế độ chính sách, hồ sơ thủ tục tham gia BHXH; Điều kiện, thủ tục hưởng BHXH… từ kênh thông tin chính thức của BHXH hoặc các kênh thông tin độc lập khác, chẳng hạn như chuyên mục hỏi đáp của các báo, chuyên mục hộp thư bạn đọc trên truyền hình… Trong khi đó, với vai trò là người bán, cơ quan BHXH có thể nắm bắt thông tin về người tham gia một cách chủ động thông qua công tác thống kê, điều tra; hoạt động thanh tra, kiểm tra; hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan thuế…

Bên cạnh đó, thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHXH, cơ quan BHXH có thể thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung cho toàn Ngành và tạo điều kiện cho người lao động công cụ để cùng với BHXH quản lý tốt hơn việc thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật BHXH năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13) ngày 20/11/2014;

2. Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2013), Nghiên cứu khả năng tham gia chính sách BHXH tự nguyện của lao động có mức thu nhập từ trung bình trở xuống để làm cơ sở xây dựng chính sách khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện;

3. Một số trang web: molisa.gov.vn, thuvienphapluat.vn…

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 2/2017

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *