Quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ
Quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ có hiệu lực từ 18/5 siết chặt hơn cả tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra của nghiên cứu sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Tiêu chuẩn đầu vào và bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh, tiêu chuẩn với người hướng dẫn, đều được nâng lên.
Ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi
Theo quy chế mới, để dự tuyển đào tạo tiến sĩ, ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi. Trước đây, người có bằng đại học loại khá cũng có thể làm nghiên cứu sinh.
Ứng viên phải là tác giả của một bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học, hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện. Bài viết này được đăng tải trong 36 tháng tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Phải có chứng chỉ tiếng Anh
Quy chế mới xác định ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) là công cụ hỗ trợ không thể thiếu cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Điều kiện để được dự tuyển đào tạo tiến sĩ là phải có một trong các chứng chỉ: TOEFL iBT từ 45 trở lên; IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên; TOEIC từ 500 điểm trở lên. Các chứng chỉ này do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong 2 năm (24 tháng) kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển.
Những ứng viên không sử dụng tiếng Anh trong thời gian học tập vẫn phải có khả năng giao tiếp được bằng ngoại ngữ này trong chuyên môn. Tức là người này phải diễn đạt được những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn cho người khác hiểu và hiểu được người khác trình bày vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh.
Thời gian đào tạo tiến sĩ không quá 5-6 năm
Theo quy định mới tối đa chỉ được 5-6 năm kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.
Việc tổ chức đào tạo tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy trong 3-4 năm tùy bằng cấp của ứng viên. Trong 24 tháng đầu, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo. Nếu không có khả năng hoàn thành chương trình đúng hạn, thí sinh được gia hạn tối đa 2 năm. Thời gian này, nghiên cứu sinh phải theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo.
“Hết thời gian gia hạn, nếu luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện thông qua thì thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định cho nghiên cứu sinh thôi học. Kết quả học tập của chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không được bảo lưu”, quy chế nêu rõ.
2 bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án
Theo quy chế, mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành 6-9 học phần trình độ tiến sĩ với khối lượng từ 14 đến 20 tín chỉ. Trong đó tiểu luận tổng quan và 2-3 chuyên đề tiến sĩ do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định là những học phần bắt buộc.
Để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus. Nghiên cứu sinh cũng có thể công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Người hướng dẫn phải có công bố quốc tế
“Thắt chặt” quy định đầu vào – đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ, quy chế mới đồng thời yêu cầu cao đối với người giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ phải là giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học, tiến sĩ có chuyên môn phù hợp với các học phần đảm nhiệm trong chương trình đào tạo. Những người này đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở trở lên; là tác giả chính của tối thiểu 2 bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành.
Đối với người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có tối thiểu 3 năm làm công tác nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy kể từ khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ.
Yêu cầu bắt buộc với người hướng dẫn phải là tác giả chính tối thiểu một bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI – Scopus, hoặc ít nhất một chương sách tham khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN do các nhà xuất bản nước ngoài phát hành.
Họ có thể là tác giả chính của tối thiểu 2 báo cáo đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo, công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện thuộc lĩnh vực khoa học liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.
Những người chưa có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư, phải là tác giả chính của thêm một bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus.
Có năng lực ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu và trao đổi khoa học quốc tế là yêu cầu bắt buộc khác với người hướng dẫn.
Quy chế này có hiệu lực từ 18/5/2017, thay thế quy chế ban hành năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012.