Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động tín dụng tại NHTM

1. Chỉ tiêu định tính

Chỉ tiêu định tính đầu tiên và quan trọng nhất là uy tín của Ngân hàng. Một ngân hàng có uy tín sẽ có khả năng thu hút nhiều khách hàng. Đồng thời, nếu một ngân hàng có số lượng khách hàng đông đảo và là những khách hàng có uy tín thì đó là một dấu hiệu cho thấy hiệu quả tín dụng của ngân hàng là khả quan. Ngoài ra, ngân hàng phải thực sự trở thành bạn của khách hàng, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Ngân hàng cũng có thể là người cung cấp các thông tin bổ ích về thị trường, về tiến bộ khoa học công nghệ cho khách hàng.

Thứ hai là sự nỗ lực của khách hàng vay vốn:

– Bảo đảm sự tồn tại và phát triển của ngân hàng, tức là hoạt động tín dụng phải mang lại cho ngân hàng thu nhập đủ để trang trải các chi phí liên quan và có lãi, hạn chế thấp nhất nguy cơ rủi ro.

– Khách hàng phải tuân thủ đúng các nguyên tắc vay vốn. Mục đích sử dụng vốn vay đã kí kết trong hợp đồng tín dụng (HĐTD) đã được cả hai bên phân tích và đánh giá kĩ lưỡng cả về hiệu quả, tính khả thi cũng như mức độ phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội chung của ngành, địa phương và của cả nước. Ngoài ra, sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh của khách hàng và sự giúp đỡ hiệu quả của ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng đạt lợi nhuận cao nhất và đó chính là điều kiện để khách hàng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của ngân hàng.

Và tiêu chí cuối cùng là sự ổn định của nền tài chính quốc gia. Sự ổn định của nền tài chính – tiền tệ quốc gia giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực công nghệ cho doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống dân cư.

Tóm lại: Có thể nói hiệu quả Tín dụng ngân hàng là một chỉ tiêu rất tổng hợp được nhìn nhận từ ba góc độ: ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế. Các chỉ tiêu trên chỉ là những căn cứ để đánh giá hiệu quả Tín dụng ngân hàng một các khái quát. Để có thể kết luận chính xác hơn cần phải dựa vào một hệ thống các chỉ tiêu định lượng cụ thể.

2. Chỉ tiêu định lượng

Chỉ tiêu đánh giá lợi nhuận:

Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng/Tổng dư nợ tín dụng: phản ánh khả năng sinh lời của các khoản tín dụng, cho biết một đồng dư nợ cho vay mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỉ lệ này càng cao chứng tỏ lợi nhuận do hoạt động tín dụng mang lại càng lớn.

Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng/Tổng dư nợ ngân hàng: đánh giá tầm quan trọng của hoạt động Tín dụng ngân hàng trong mối quan hệ với toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Tỉ lệ này cao chứng tỏ hầu hết lợi nhuận của ngân hàng có được là từ hoạt động cho vay.

Chỉ tiêu về Dư nợ cho vay (Dư nợ cho vay/Tổng tài sản): Chỉ tiêu này cho biết tương quan so sánh về quy mô cho vay so với tổng tài sản của ngân hàng. Tỉ lệ này cao chứng tỏ các khoản cho vay chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản của ngân hàng.

Chỉ tiêu về Thu nợ (Doanh số thu nợ/Tổng dư nợ bình quân): Chỉ tiêu này đo lường tốc độ tăng trưởng của doanh số thu nợ qua các thời kì. Tốc độ tăng doanh số thu nợ cao chứng tỏ công tác thu nợ của ngân hàng đang được tiến hành tốt. Ngược lại nếu tốc độ này thấp thì có thể do doanh số cho vay giảm sút hoặc công tác thu nợ gặp khó khăn.

Các chỉ tiêu đánh giá tình trạng nợ quá hạn:

Nợ quá hạn là những khoản nợ đến kì trả nợ hoặc hết thời hạn vay vốn với thời gian được gia hạn thêm (nếu có) nhưng khách hàng vẫn chưa trả được.

Tỉ lệ Nợ quá hạn/Tổng dư nợ: Dư nợ quá hạn được xác định theo phân loại nợ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, ngoại trừ các khoản nợ khoanh theo quyết định của Chính phủ và nợ tồn đọng cũ được xử lí theo Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 6/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉ lệ nợ quá hạn càng nhỏ thì chất lượng tín dụng càng cao. Nếu tỉ lệ này của ngân hàng nhỏ hơn 5% thì rất tốt. Ngược lại, tỉ lệ này quá lớn thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh vì nguy cơ mất vốn cao, làm mất khả năng thanh toán và thu nhập.

Tỉ lệ Nợ xấu/Tổng dư nợ: Theo quyết định 493/225/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là tỉ lệ đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ xấu là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 tại điều 6 và 7 theo quy định này.[1]

[1] http://www.scribd.com/doc/67016271/44/Phan-tich-mot-so-chi-tieu-phan-anh-hieu-qua-hoa-dong-tin-dung

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *