Kinh tếTin chuyên ngành

Các thước đo tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế được đo lường thông qua chỉ tiêu tổng sản lượng của nền kinh tế được thể hiện trong thước đo tổng sản phẩm quốc nội. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị của những hàng hóa và dịch vụ cuối cùng do kết quả hoạt động kinh tế trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia tạo nên trong một thời kỳ nhất định.

Theo các phương pháp tính toán, tổng sản phẩm quốc nội GDP có thể được xét dưới các góc độ khác nhau. Xét dưới góc độ chi tiêu, GDP là tổng chi tiêu về hàng hóa, dịch vụ cuối cùng trong nền kinh tế, bao gồm chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình, chi tiêu đầu tư của các doanh nghiệp, chi tiêu mua hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước, và chi tiêu ròng của người nước ngoài (chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ). Xét dưới góc độ thu nhập, GDP gồm thu nhập dưới các hình thức khác nhau (tiền lương, tiền công, tiền thuê đất, lợi nhuận …) của các chủ thể kinh tế khác nhau. Xét dưới góc độ sản xuất, GDP bằng tổng giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp trong các ngành khác nhau của nền kinh tế tạo ra.

Trong phạm vi địa phương tỉnh Phú Yên, giá trị tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) được hiểu là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh giá trị mới tăng thêm của hàng hoá và dịch vụ được tạo ra trên địa bàn tỉnh trong một thời gian nhất định (thường là một năm). GRDP tỉnh Phú Yên được tính theo phương pháp sản xuất (bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cộng với thuế nhập khẩu, trừ trợ cấp sản xuất phát sinh từ các đơn vị thường trú trong tỉnh). Tổng sản phẩm trên địa bàn có thể được tính theo giá hiện hành hoặc giá so sánh 2010 (GRDP tính theo giá so sánh đã loại trừ biến động của yếu tố giá cả qua các năm, dùng để tính tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh, dùng để nghiên cứu sự thay đổi về khối lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra giữa các năm).

Tổng sản phẩm trong tỉnh là chỉ tiêu kinh tế quan trọng, phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động cuối cùng (giá trị gia tăng) trong năm nghiên cứu của tất cả các đơn vị thường trú (bao gồm các đơn vị có hoạt động kinh tế; các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, chính trị-xã hội-nghề nghiệp, đơn vị an ninh, quốc phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, hộ sản xuất nông, lâm ngư nghiệp,…) có trụ sở chính hoặc cơ sở hoạt động, sản xuất kinh doanh chính nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh.

Tổng thu nhập quốc dân (GNI-Gross National Income) là tổng thu nhập từ sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng do công dân của một nước tạo nên trong một khoảng thời gian nhất định.

Thu nhập quốc gia là chỉ tiêu phản ánh kết quả thu nhập lần đầu được tạo ra từ các yếu tố sở hữu của một quốc gia tham gia vào hoạt động sản xuất trên lãnh thổ quốc gia đó hay ở nước ngoài trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm. GNI là chỉ tiêu cân đối của tài khoản phân phối thu nhập lần đầu. Do vậy, để tính chỉ tiêu này cần phải lập các tài khoản sản xuất và tài khoản tạo thành thu nhập hoặc phải xuất phát từ chỉ tiêu GDP và các chỉ tiêu có liên quan. GNI bao gồm các khoản hình thành thu nhập và phân phối lại thu nhập lần đầu có tính đến cả các khoản nhận từ nước ngoài về và chuyển ra nước ngoài.

Khác với GRDP bình quân đầu người của một tỉnh (được tính từ tổng các khoản: khấu hao tài sản cố định+thuế sản xuất+lợi nhuận+tiền công, tiền lương+thu nhập hỗn hợp), tổng thu nhập của tỉnh là tổng cộng toàn bộ thu nhập của tất cả lao động, hộ dân cư trong tỉnh. Thu nhập của tỉnh được tính bằng thu nhập từ các hoạt động kinh tế của hộ cộng (+) với thu nhập khác không từ hoạt động kinh tế của hộ.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người còn được tính thông qua GDP bình quân đầu người hoặc GNI bình quân đầu người.

Để đánh giá và so sánh thành tựu tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, người ta thường sử dụng chỉ tiêu thu nhập hay mức sống bình quân, được đo lường qua GDP bình quân đầu người (hoặc GNI bình quân đầu người) cũng như tốc độ tăng của nó. Khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người phụ thuộc vào cả tốc độ tăng thu nhập (sản lượng) lẫn tốc độ tăng dân số. Nếu tốc độ tăng tổng thu nhập bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng dân số, thu nhập bình quân đầu người không tăng hoặc giảm và ngược lại.

Nguồn: Luận án Kinh tế chính trị “Phân phối thu nhập trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở Phú Yên

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *