Vai trò của đào tạo nghề trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội
Vai trò của đào tạo nghề trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội
1. Đào tạo nghề góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: (i) áp dụng công nghệ mới, (ii) phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, bởi chính nguồn nhân lực với những con người được đào tạo, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề cao giúp sự tăng trưởng kinh tế được bền vững. Trong bối cảnh các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực khác là hữu hạn và ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, thì nguồn nhân lực có chất lượng chính là vũ khí mạnh mẽ nhất để giành thắng lợi trong cạnh tranh giữa các nền kinh tế.
Hầu hết các cuộc thảo luận về sự cần thiết, tính hợp lý và hiện đại trong cải cách hệ thống đào tạo nghề đều dựa trên cơ sở luận thuyết kinh tế giáo dục trong đó đào tạo nghề là một nhân tố có vị trí quan trọng, có khả năng quyết định những vấn đề về phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật và sức cạnh tranh của tất cả các thị trường trên thế giới. Thành công về kinh tế của một quốc gia được xem như kết quả của mối quan hệ giữa nội dung và cấu trúc của hệ thống giáo dục với chất lượng người lao động. Do đó, sự mất cân bằng giữa thị trường lao động và tỷ lệ tăng trưởng đi xuống được quy cho chất lượng hệ thống giáo dục dạy nghề không đủ đáp ứng nhu cầu và sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa một bên là nội dung giảng dạy và bằng cấp của hệ thống giáo dục quốc gia với một bên là những yêu cầu về chất lượng và yêu cầu công việc của hệ thống tuyển dụng. Nhận thức dù ít hay nhiều về mối quan hệ giữa cấu trúc giáo dục và thành công của nền kinh tế thì các chính sách giáo dục quốc gia vẫn thường đi theo chiến lược giáo dục của các nước công nghiệp phát triển đã thành công trước đó và coi đó như một trong các giải pháp nhằm giúp giải quyết các vấn đề của đất nước mình.
Để có được đội ngũ những người lao động giỏi thì phải đầu tư, mà đầu tư cho giáo dục nói chung và cho dạy nghề nói riêng là đầu tư cho phát triển. Việc đánh giá vai trò của dạy nghề đối với tăng trưởng kinh tế qua yếu tố năng suất lao động được tính bằng cách so sánh sự khác biệt về lượng sản phẩm hay thu nhập mà người lao động làm ra trong cùng một đơn vị thời gian trước và sau khi họ tham gia một khoá đào tạo với chi phí nhất định cho khoá đào tạo đó. Kết quả này được gọi là tỷ suất lợi nhuận dạy nghề, các nhà kinh tế giáo dục đã nhận định rằng: lợi ích kinh tế thu được từ đầu tư dạy nghề vượt xa các loại đầu tư khác.
Hơn nữa lao động (vốn con người) được hình thành và phát triển thông qua đào tạo và tích lũy trong lao động, sản xuất. Như vậy, chất lượng đào tạo càng tốt thì vốn con người càng cao, qua đó nâng cao năng suất lao động và từ đó lại tác động lại tới tăng trưởng kinh tế.
Nhận thức được vấn đề đó nên Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và phân bố hợp lý hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn cả nước, mở rộng các hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, năng động”. Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 – Khoá IX nhận định: “Cơ cấu giáo dục còn bất hợp lý, mất cân đối giữa đào tạo nghề và đại học”; đồng thời khẳng định nhiệm vụ “Hiện đại hoá một số trường dạy nghề nhằm chuẩn bị đội ngũ công nhân bậc cao có trình độ tiếp thu và sử dụng công nghệ mới và công nghệ cao”, “Hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành với nhiều cấp trình độ”. Báo cáo kiểm điểm nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định “Cơ cấu lại hệ thống đào tạo, hoàn thiện hệ thống đào tạo thực hành định hướng nghề nghiệp”.
2. Đào tạo nghề là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Liên Hiệp Quốc: Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức của toàn bộ cuộc sống con người thực hiện có thực tế hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội trong một cộng đồng [63].
Thông qua giáo dục-đào tạo, trong đó có đào tạo nghề, người lao động có thể học tập rèn luyện để nâng cao được kiến thức và kĩ năng nghề của mình, qua đó nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế. Với cơ cấu lao động của mọi nền kinh tế thì lao động qua đào tạo nghề phải chiếm 70-80% lao đông qua đào tạo nói chung. Như vậy có thể thấy, đào tạo nghề là một thành tố và là thành tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định phát triển nguồn nhân lực. Đào tạo nghề là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thể hiện ở các nội dung sau:
– Một là, nhân lực chất lượng cao thể hiện năng lực thực hiện của con người mà năng lực này chỉ có thể có được thông qua đào tạo và từ tích lũy kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ngay trong việc tích lũy kinh nghiệm cũng dựa trên sự chỉ dẫn, là một hình thức đào tạo nghề (cầm tay chỉ việc).
– Hai là, lý thuyết về vốn nhân lực hiện đại cho rằng “tất cả các hành vi của con người đều xuất phát từ những nhu cầu lợi ích kinh tế cho chính các cá nhân hoạt động tự do trong thị trường mang tính cạnh tranh. Các dạng biểu hiện khác đều bị cho là không thuộc phạm vi hoặc sự biến dạng của lý thuyết này” (Fitzimons, 1999).
Với tính cạnh tranh trong thị trường lao động, người lao động qua đào tạo chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn lao động phổ thông. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của những người qua đào tạo nghề thấp hơn nhiều so với lao động phổ thông, thậm chí còn thấp hơn cả tỷ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp đại học (Mạc Văn Tiến và cộng sự, 2006). Đây chính là động lực để con người đầu tư vào giáo dục – đào tạo và đào tạo nghề đồng thời có đã tác động tích cực trở lại làm cho chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên.
– Ba là, xuất phát từ yêu cầu phát triển nền kinh tế, mỗi quốc gia đều cần có lực lượng lao động có kỹ năng, thái độ nghề nghiệp để làm chủ công nghệ. Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa dài hay ngắn phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ lao động kỹ thuật này. Như vậy mỗi Chính phủ đều phải tập trung đầu tư cho đào tạo nghề để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đào tạo nghề, ngoài các vai trò trên còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội… Vì vậy, đào tạo nghề đã hoàn thiện con người để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động qua đó tác động trực tiếp và ổn định tới sự phát triển kinh tế – xã hội.