Cách thức hình thành một công ty đa quốc gia
Cách thức hình thành một công ty đa quốc gia
Một công ty có thể sử dụng một số phương thức, cách thức tiếp cận để thực hiện kinh doanh quốc tế, từ đó trở thành công ty đa quốc gia:
– Thương mại quốc tế: Thương mại quốc tế là cách tiếp cận đơn giản nhất mà các công ty có thể sử dụng để xâm nhập thị trường thông qua xuất khẩu hoặc dành được các nhà cung cấp với chi phí rẻ qua nhập khẩu. Cách thức tiếp cận này đưa đến rủi ro cho MNCs là thấp nhất bởi công ty không đầu tư bất kỳ nguồn vốn nào của mình vào nơi có rủi ro. Nếu MNCs phải gánh chịu sự sụt giảm về nhập khẩu hoặc xuất khẩu thì thông thường công ty có thể giảm hoặc chấm dứt phần kinh doanh này của mình với chi phí thấp.
– Cấp bằng sáng chế: cấp bằng sáng chế là việc công ty cung cấp công nghệ (bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu hoặc nhãn hiệu hàng hóa) để đổi lấy mức phí hoặc những lợi ích xác định nào khác. Cấp bằng sáng chế cho phép các MNCs sử dụng công nghệ của mình ở các thị trường nước ngoài với việc không cần một khoản đầu tư lớn tại các nước này và không mất chi phí vận chuyển do xuất khẩu. Điểm bất lợi của cách thức này đó là sẽ có khó khăn cho MNCs để đảm bảo kiểm soát chất lượng theo quy trình sản xuất của mình.
– Nhượng quyền kinh doanh: nhượng quyền kinh doanh là việc một công ty cung cấp một chiến lược dịch vụ hay cách bán hàng đặc biệt nào đó, cùng với sự trợ giúp và có thể là cả một khoản đầu tư ban đầu cho bên nhận nhượng quyền để đổi lấy các khoản phí định kỳ. Nhượng quyền cho phép các MNCs thâm nhập vào thị trường nước ngoài mà không cần tốn một khoản đầu tư lớn vào các nước đó; đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các rào cản với hoạt động nhượng quyền dần được gỡ bỏ.
– Liên doanh: liên doanh là việc một doanh nghiệp được sở hữu và vận hành bởi hai hay nhiều công ty khác nhau. Nhiều MNCs lựa chọn việc liên doanh với một doanh nghiệp nội địa tại quốc gia tiếp nhận đầu tư để thâm nhập thị trường. Hầu hết các liên doanh cho phép các bên tham gia liên doanh tận dụng được các lợi thế của mình; trong đó MNCs có lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ sản xuất quản lý, doanh nghiệp nội địa thường có nguồn lực về điều kiện nhà xưởng, sự am hiểu pháp luật nước sở tại cũng như các quy trình hành chính…
– Mua lại, thâu tóm các hoạt động hiện hữu (mua bán và sáp nhập): Các MNCs thường xuyên thâu tóm các công ty khác ở nước ngoài, đặc biệt trong điều kiện chứng khoán hóa diễn ra ở mức cao độ như hiện nay. Thâu tóm cho phép các MNCs có đầy đủ quyền kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh nước ngoài, từ đó đẩy nhanh việc tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
– Thiết lập các công ty con mới ở nước ngoài: các công ty có thể xâm nhập các thị trường nước ngoài bằng cách thiết lập các hoạt động mới ở các nước khác để sản xuất và kinh doanh sản phẩm của mình. Cũng giống như hoạt động mua bán và sáp nhập, việc thiết lập các công ty con mới ở nước ngoài đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn. Đây là cách thức rất được các MNCs ưu thích bởi cách thức này hoàn toàn thích hợp trong việc đáp ứng các nhu cầu của MNCs.
Đánh giá về các cách thức hình thành công ty đa quốc gia:
Các phương thức làm gia tăng hoạt động kinh doanh quốc tế mở rộng từ cách tiếp cận đơn giản về thương mại quốc tế đến cách tiếp cận phức tạp hơn là hoạt động thâu tóm các công ty nước ngoài hoặc thiết lập các công ty con mới ở nước ngoài. Hoạt động thâu tóm nước ngoài và thiết lập các công ty con mới là thể hiện rõ ràng nhất của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Và hiện nay, cách thức phổ biến và chủ yếu của một doanh nghiệp khi phát triển thành một công ty đa quốc gia là thực hiện hoạt động đầu tư quốc tế qua việc hình thành các chi nhánh ở nước ngoài.