Phân loại các khoản cho vay
1. Dựa vào mục đích
– Cho vay bất động sản: là cho vay liên quan đến việc mua sắm và xây dựng bất động sản nhà ở, đất đai; bất động sản trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
– Cho vay công nghiệp và thương mại: là cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
– Cho vay nông nghiệp: là cho vay để trang trải các chi phí sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, thức ăn gia súc, lao động,…
– Cho vay các định chế tài chính: gồm cấp tín dụng cho các ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ tín dụng và các định chế tài chính khác.
– Cho vay cá nhân: là cho vay để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng như mua sắm vật dụng cùng với các khoản cho vay để trang trải các chi phí thông thường của đời sống thông qua phát hành thẻ tín dụng.
– Cho thuê: cho thuê của các định chế tài chính bao gồm hai loại là cho thuê vận hành và cho thuê tài chính. Tài sản cho thuê bao gồm bất động sản và động sản, trong đó chủ yếu là máy móc, thiết bị.
2. Dựa vào thời hạn cho vay
– Cho vay ngắn hạn: thời hạn đến 12 tháng, được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt vốn lưu động của doanh nghiệp và nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của cá nhân.
– Cho vay trung hạn: thời hạn từ 12 tháng đến 5 năm, chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm tài sản cố định, cải tiến hoặc đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), xây dựng các dự án mới có quy mô nhỏ và thu hồi vốn nhanh. Ngoài ra, nó còn là nguồn hình thành vốn lưu động thường xuyên của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập.
– Cho vay dài hạn: có thời hạn trên 5 năm và thời hạn tối đa có thể lên đến 20 – 30 năm, có khi đến 40 năm. Tín dụng dài hạn được cung cấp để đáp ứng nhu cầu dài hạn như xây dựng nhà ở, các thiết bị, phương tiện vận tải có quy mô lớn, xây dựng các xí nghiệp mới.
3. Dựa vào mức độ tín nhiệm đối với khách hàng
– Cho vay không đảm bảo: là loại cho vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc sự bảo lãnh của người thứ ba. Đối với những khách hàng tốt, trung thực trong kinh doanh, có khả năng tài chính mạnh, quản trị có hiệu quả thì ngân hàng có thể cấp tín dụng dựa vào uy tín của khách hàng mà không cần nguồn thu nợ thứ hai bổ sung.
– Cho vay có đảm bảo: là loại cho vay dựa trên cơ sở các đảm bảo như thế chấp hoặc cầm cố, hoặc phải có sự bảo lãnh của người thứ ba. Nếu khách hàng không có uy tín cao đối với ngân hàng, khi vay vốn đòi hỏi phải có đảm bảo, sự đảm bảo này là căn cứ pháp lý để ngân hàng có thêm nguồn thu nợ thứ hai.
4. Dựa vào phương pháp hoàn trả
– Cho vay có thời hạn: là loại cho vay có thỏa thuận thời hạn trả nợ cụ thể theo hợp đồng.
– Cho vay không có thời hạn: là loại cho vay mà ngân hàng có thể yêu cầu hoặc người đi vay tự nguyện trả nợ bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý, thời gian này có thể thỏa thuận trong hợp đồng.
5.Dựa vào xuất xứ tín dụng
– Cho vay trực tiếp: ngân hàng cấp vốn trực tiếp cho người có nhu cầu, đồng thời người đi vay trực tiếp hoàn trả nợ vay cho ngân hàng.
– Cho vay gián tiếp: là khoản vay được thực hiện thông qua việc mua lại các khế ước hoặc chứng từ nợ đã phát sinh và còn trong thời hạn thanh toán (ví dụ: chiết khấu thương mại, nghiệp vụ thanh tín).