Đặc điểm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng
Đặc điểm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng
Các doanh nghiệp ngành xây dựng có những đặc trưng riêng ảnh hưởng đến cấu trúc vốn so với các doanh nghiệp ngành khác.
1. Đặc điểm về sản phẩm
– Sản xuất xây dựng là một loại sản xuất công nghiệp đặc biệt theo đơn đặt hàng. Sản phẩm của xây dựng mang tính chất đơn chiếc, riêng lẻ. Mỗi đối tượng xây lắp là từng công trình, hạng mục công trình, đòi hỏi yêu cầu kinh nghiệm, kết cấu, hình thức, địa điểm xây dựng thích hợp, được xác định cụ thể trên từng thiết kế dự toán của từng đối tượng riêng biệt. Do tính chất đơn chiếc, riêng lẻ nên chi phí bỏ ra để thi công xây lắp các công trình và kết cấu không đồng nhất như các loại sản phẩm công nghiệp. Do đó, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xây dựng rất khác nhau theo từng thời điểm nhận công trình hay không.
– Đối tượng của các doanh nghiệp ngành xây dựng thường có khối lượng lớn, giá trị lớn, thời gian thi công dài, kỳ tính giá sản phẩm không phải là hàng tháng như các loại hình doanh nghiệp khác, mà được xác định tùy theo đặc điểm kỹ thuật của từng công trình, điều này thể hiện qua phương thức thanh toán giữa hai bên nhà thầu và khách hàng. Vì thời gian sản xuất dài, và thường khách hàng chỉ tạm ứng một phần số tiền của công trình thi công nên các doanh nghiệp xây dựng cần vốn dài hạn với khối lượng lớn. Điều này mang lại nhiều rủi ro tài chính cho doanh nghiệp. Việc vay dài hạn khiến chi phí sử dụng vốn lớn hơn. Hơn nữa, việc chỉ được thanh toán sau khi công trình hoàn thành cũng làm giảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong giai đoạn sản xuất sản phẩm. Thêm vào đó, thời gian thi công dài cũng có tác động đến rủi ro mất vốn của doanh nghiệp do phải chịu ảnh hưởng của hao mòn TSCĐ hữu hình và vô hình.
– Sản xuất xây dựng thường diễn ra ngoài trời, chịu tác động của các yếu tố môi trường trực tiếp, do vậy thi công xây lắp mang tính chất thời vụ. Các yếu môi trường này ảnh hưởng đến kỹ thuật và tiến độ thi công, đồng thời các nhà thầu còn phải chú ý đến các biện pháp quản lý máy thi công và vật liệu ngoài trời. Việc thi công diễn ra dài và thi công ngoài trời còn tạo ra những khoản thiệt hại bất ngờ. Đây cũng là một rủi ro trong doanh nghiệp xây dựng. Ngoài ra, sản xuất xây lắp được thực hiện trên các địa điểm biến động. Sản phẩm xây lắp mang tính chất cố định, gắn liền với địa điểm xây dựng, trong quá trình thi công các nhà thầu phải thay đổi địa điểm thường xuyên, từ đó sẽ phát sinh một số các chi phí cần thiết. Đây cũng là những rủi ro đặc trưng của ngành xây dựng.
>>> Xem thêm: Khái quát quá trình phát triển của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
2. Đặc điểm về vai trò của doanh nghiệp ngành xây dựng
Doanh nghiệp ngành xây dựng có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Trong bất kỳ thời kì nào, lịch sử phát triển của xã hội loài người cũng luôn gắn với các công trình kiến trúc. Do vậy nhu cầu về xây dựng là nhu cầu thường xuyên và ngày càng tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội. Ngày nay, sản xuất càng phát triển thì vị trí, vai trò của ngành xây dựng càng được khẳng định. Nếu như trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển, hoạt động xây dựng chỉ phục vụ các công trình nhỏ với hình thức đơn giản, thô sơ thì trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế phát triển, xây dựng trở thành một ngành sản xuất vật chất quan trọng cho nền kinh tế. Từ những doanh nghiệp nhỏ, phân tán, đến nay đã hình thành những Tổng công ty, các Tập đoàn xây dựng lớn. Ngành xây dựng còn giữ một vai trò quan trọng trong việc nộp thuế cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Có thể nói, ngành xây dựng là tiền đề cho các ngành khác, vì nó tạo ra cơ sở vật chất phục vụ cho y tế, giáo dục, giao thông, sản xuất…, do đó được Nhà nước ưu tiên về vốn để tập trung cho sự phát triển, đồng thời việc huy động vốn vay của các tổ chức tài chính cũng có nhiều thuận lợi hơn. Do đó, các doanh nghiệp ngành xây dựng có ưu thế hơn trong việc huy động vốn để điều chỉnh cấu trúc vốn hướng tới cấu trúc vốn tối ưu.
3. Đặc điểm về tốc độ và qui mô đầu tư
Tốc độ và qui mô đầu tư của các doanh nghiệp ngành xây dựng thường rất lớn dẫn đến nhu cầu vốn cũng lớn. Hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng hiện nay ngày càng tăng về qui mô, đặc biệt có rất nhiều dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế nên các doanh nghiệp đòi hỏi phải huy động cả vốn chủ sở hữu và vốn vay rất lớn để đáp ứng về nhu cầu vốn. Đây là đặc điểm có ảnh hưởng lớn đến cấu trúc vốn các doanh nghiệp ngành xây dựng, khi qui mô hoạt động tăng thì dẫn đến nhu cầu về qui mô cả vốn chủ sở hữu và vốn vay đều tăng.
Ngoài ra, tính chất đa dạng về ngành nghề kinh doanh cũng ảnh hưởng đến cấu trúc vốn. Ngành xây dựng hiện nay được chia thành các nhóm như sau:
– Xây dựng nhà các loại.
– Xây dựng công trình kĩ thuật dân dụng.
– Hoạt động xây dựng chuyên dụng [2].
Sự đa dạng về ngành nghề kinh doanh dẫn đến sự khác biệt khá lớn trong các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Ngoài các đặc điểm trên, cấu trúc vốn ngành xây dựng còn có đặc thù so với các ngành khác:
– Ngành xây dựng có mối tương quan rõ rệt với thị trường bất động sản nên cấu trúc vốn của doanh nghiệp ngành xây dựng thay đổi theo từng giai đoạn đầu tư và chịu sự ràng buộc của Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản.
– Ngành xây dựng là ngành kinh tế thâm dụng vốn, chi phí cố định của ngành khá cao.
– Nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế tăng trưởng, doanh số và lợi nhuận của ngành tăng cao do nhu cầu xây dựng mở rộng, kéo theo sự tăng trưởng về nguồn vốn và ngược lại. Khi nền kinh tế suy thoái, các công trình xây dựng cũng trì trệ vì người dân không còn bỏ nhiều tiền ra để xây dựng, chính phủ không mở rộng đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng làm các doanh nghiệp sụt giảm nhanh chóng cả qui mô tài sản, nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận.