Kinh tếQuản lý côngTin chuyên ngành

Kinh nghiệm của Malaysia trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trong các nước đang phát triển, Malaysia được đánh giá là nước thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thực hiện công nghiệp hoá. Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, đa sắc tộc, tích luỹ nội địa thấp nên Malaysia luôn coi trọng nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế đất nước vì coi đây là yếu tố then chốt để thực hiện công nghiệp hoá. Xuất phát từ quan điểm như vậy, Malaysia luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư của mình để thu hút vốn FDI. Nhờ đó, dòng vốn FDI đổ vào Malaysia ngày càng nhiều và đã góp phần to lớn tạo ra sự tăng trưởng “thần kỳ” của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Nhờ vào chính sách đầu tư thông thoáng, đầu tư nước ngoài của Malaysia năm 1991 đạt 6,4 tỷ USD và đến năm 1996 chiếm hơn 1/2 tổng số vốn đầu tư trong cả nước. Các nước đầu tư lớn nhất vào Malaysia là Nhật Bản, Đài Loan tương ứng đạt 7,02 tỷ USD và 2,29 tỷ USD. Theo UNCTAD, thu hút FDI của Malaysia năm 2005 là 3,97 tỷ USD, năm 2006 là 6,05 tỷ USD và đến năm 2007 là 8,4 tỷ USD cho thấy tốc độ thu hút nguồn vốn FDI của Malaysia là cao, năm 2008 Malaysia đã thu hút FDI tới 7,3 tỉ USD. Thế nhưng, năm 2009 do tác động của khủng hoảng tiền tệ tín dụng thế giới, nước này chỉ thu hút gần 2 tỉ USD FDI. Năm 2010, kinh tế Malaysia khởi sắc với mức tăng trưởng GDP 5%, nên FDI đổ vào tăng lên đáng kể đạt 9,1 tỉ USD và đến năm 2011 mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng Malaysia vẫn thu hút được 11,6 tỷ USD

.
Kinh nghiệm thu hút vốn FDI của Malaysia chủ yếu tập trung vào:

– Malaysia đã xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định và đoàn kết dân tộc cao mặc dù Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc.

– Có kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu rõ ràng. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư ngắn hạn nhằm để các nhà đầu tư ngắn hạn ở Malaysia ước tính được chính xác chi phí đầu tư tại Malaysia. Đồng thời điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhằm khuyến khích và ổn định môi trường đầu tư dài hạn.

– Đối với vấn đề sở hữu và đảm bảo vốn FDI, để tăng lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Malaysia cam kết không tịch thu hoặc quốc hữu hoá đối với tài sản hợp pháp của người nước ngoài và không đòi bên nước ngoài phải điều chỉnh tỷ lệ góp vốn trong các dự án đã được cấp phép. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận, vốn và các tài sản khác của mình về nước. Những cam kết này được ghi rõ trong các hiệp định bảo đảm đầu tư và các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Malaysia.

– Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, các dự án đầu tư lớn, công nghệ cao và hướng vào xuất khẩu. Malaysia đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới, thời gian qua do thiếu hụt lao động trong nước nên chính phủ nước này đã đưa ra một số tiêu chí đối với việc cấp phép đầu tư như vốn đầu tư trên lao động phải lớn hơn 18.300 USD thì mới được coi là dự án ít sử dụng lao động… điều này cho thấy Malaysia đã chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động đầu tư phù hợp với thực tế.

– Malaysia cũng đã thực hiện nhiều biện pháp ưu đãi để đẩy mạnh thu hút vốn FDI như ưu đãi về thuế cho những doanh nghiệp đi tiên phong trong vòng 5 năm theo đó những doanh nghiệp này chỉ phải nộp 30% số thu nhập chịu thuế bắt đầu từ ngày đi vào sản xuất với số lượng sản phẩm đạt ít nhất 30% công suất, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, các dự án có tính chất liên kết công nghiệp, các dự án có tầm quan trọng quốc gia. Đặc biệt, Malaysia khuyến khích đầu tư vào các loại hình khu công nghiệp, thúc đẩy tư nhân đầu tư vào các khu công nghiệp, có nhiều dự án lớn nhằm thu hút đầu tư như dự án “Tầm nhìn 2020”.

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *