Đặc điểm của tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học công lập
Thứ nhất, TSC tại các cơ sở giáo dục đại học công lập phong phú về chủng loại; mỗi loại tài sản có tính năng, công dụng khác nhau và được sử dụng vào các mục đích khác nhau, được đánh giá hiệu quả theo những tiêu thức khác nhau; tài sản công nhiều về số lượng, lớn về giá trị và mỗi loại tài sản lại có giá trị sử dụng khác nhau, thời hạn sử dụng khác nhau…; do đó việc quản lý đối với mỗi loại tài sản cũng có những đặc điểm khác nhau.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học công lập lại không phải là người có quyền sở hữu tài sản; do đó, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến việc sử dụng tài sản lãng phí, thất thoát tài sản.
Đây là đặc điểm hết sức cơ bản để phân biệt giữa TSC thuộc sở hữu toàn dân với tài sản của một tổ chức. Tài sản của một tổ chức chỉ phục vụ cho tổ chức đó, còn TSC thuộc sở hữu toàn dân được khai thác, sử dụng vì lợi ích chung của xã hội.
TSC thuộc sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân) được điều chỉnh bởi “luật công” còn tài sản của một tổ chức chịu sự điều chỉnh của Pháp luật dân sự và quy định của tổ chức đó (điều lệ, quy chế v.v…).
Đối với tài sản của một tổ chức cũng như tài sản của hộ gia đình cá nhân, các quyền về tài sản được tập trung vào chủ sở hữu. TSC thuộc sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân) thì quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bị tách rời trong thực tế quản lý và sử dụng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhưng Nhà nước không trực tiếp sử dụng mà Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Mặt khác cả quyền định đoạt Nhà nước cũng phân cấp cho tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản công.
Thứ ba, TSC tại các cơ sở giáo dục công lập được giao cho các ngành, các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng; có loại tài sản đa số các tổ chức, cá nhân có yêu cầu sử dụng và được giao trực tiếp quản lý, sử dụng (trụ sở, phương tiện đi lại…), có loại tài sản chỉ có một ngành hoặc một số tổ chức, cá nhân có yêu cầu sử dụng phù hợp tính chất hoạt động, đặc thù của tổ chức và được Nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng; do đó, phải có cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy quản lý TSC cho phù hợp.
Thứ tư, TSC tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: tài sản phục vụ quản lý, tài sản chuyên dùng, tài sản đặc biệt; do đó, cơ chế quản lý và bộ máy tổ chức quản lý tài sản phải phù hợp với loại tài sản này, nhưng phải đảm bảo thống nhất trong toàn bộ cơ chế quản lý TSC.
Nguồn: Luận Án Tài chính ngân hàng “Quản lý tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng“