LuậtTin chuyên ngành

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử

Luật Giao dịch điện tử (Luật GDĐT), được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2006. Mà theo đó, tại khoản 1 Điều 36 của Luật này có quy định: “Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.” Từ quy định này có thể hiểu, nhà làm luật không bắt buộc các bên khi tham gia ký kết hợp đồng điện tử phải ký kết cho toàn bộ kết quả giao dịch đã đạt được thỏa thuận, mà cho phép các bên sử dụng thông điệp dữ liệu, như: chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax, … để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, từ những quy định về quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng,… qua nghiên cứu tác giả thấy rằng còn nhiều nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng điện tử hiện pháp luật hiện hành về lĩnh vực này chưa có quy định cụ thể, nên trong thực tiễn áp dụng bộc lộ những hạn chế

Nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp hơn cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử với quy mô ngày càng nhiều về mặt số lượng như hiện nay, cả về lĩnh vực dân sự và trong thương mại, các quy định của pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử cần được hoàn thiện. Qua nghiên cứu và từ thực tiễn áp dụng, tác giả đề xuất mấy nội dung sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định riêng về hợp đồng điện tử, trong đó, cần có một chương quy định cụ thể về mặt pháp lý quy trình, thủ tục ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử, vì mấy lý do sau:

Một là, 05 điều quy định tại Chương IV của Luật GDĐT (từ Điều 33 đến Điều 38) chỉ mang tính chất kỹ thuật là chính của việc ký kết hợp đồng điện tử. Như vậy, nếu không có một Nghị định riêng hướng dẫn về hợp đồng điện tử nói chung và ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử nói riêng dưới góc độ pháp lý, thì không chỉ các bên tham gia ký kết hợp đồng điện tử mà cả các cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn phát sinh trong thực tiễn.

Hai là, việc ban hành Nghị định riêng về hợp đồng điện tử là nhằm hướng dẫn không chỉ các quy định của Luật GDĐT mà còn cả các quy định của BLDS, Luật Thương mại,…về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Ba là, khi có Nghị định về hợp đồng điện tử thì những quy định về quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng điện tử sẽ được quy về một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, đối chiếu cho các đối tượng quan tâm đến, trong khi đó, hiện nay các quy định này đang nằm trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Có như vậy, sẽ có điều kiện loại bỏ những quy định trùng lắp không cần thiết hoặc chồng chéo. Ví dụ, cũng là khái niệm Người khởi tạo, cũng là quy định về thời điểm, địa điểm gửi và nhận chứng từ điện tử, nhưng cả Điều 16, Điều 17 Luật GDĐT và Điều 3, Điều 10 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cùng đều quy định các nội dung này mà không có gì mới hơn.

Thứ hai, cần nghiên cứu quy định bổ sung về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử theo một trong những phương án sau:

Phương án 1: Bổ sung vào luật GDĐT hoặc quy định cụ thể trong Nghị định về hợp đồng điện tử, các quy định cụ thể vê chủ thể của hợp đồng điện tử, nội dung của hợp đồng điện tử, các trường hợp của hợp đồng điện tử bị vô hiệu và cách xử lý hợp đồng điện tử bị vô hiệu.

Phương án 2: Bổ sung vào Chương IV của Luật GDĐT nội dung sau: “Những vấn đề về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, hợp đồng điện tử vô hiệu và cách xử lý hợp đồng điện tử vô hiệu được áp dụng các quy định tương ứng của Bộ luật dân sự.

Thứ ba, cần có quy định thể hiện sự kết nối giữa các quy định của pháp luật về ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng điện tử với các quy định về ký kết và thực hiện hợp đồng trong pháp luật về hợp đồng nói chung, vì hợp đồng điện tử chỉ khác với hợp đồng thông thường ở cách thức tạo lập và hình thành do sử dụng các dữ liệu điện tử, do đó, về mặt pháp lý ngoài những đặc thù riêng có của hợp đồng điện tử, các quy định liên quan đến thủ tục, quy trình ký kết, nội dung của hợp đồng, hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, cách giải quyết tranh chấp có liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng,…về cơ bản không khác biệt nhiều so với quy định của pháp luật dân sự về các hợp đồng thông dụng. Do đó, thay vì phải đặt ra các quy định liên quan đến những nội dung trên đối với hợp đồng điện tử, thì chỉ cần có quy định về sự kết nối giữa pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử với pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng nói chung. Để kết nối, tác giả đề xuất:

Một là, trong Nghị định về hợp đồng điện tử cần có quy định, ngoài các quy định cụ thể về hợp đồng điện tử, ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử được quy định trong Nghị định này, những nội dung khác về quy trình, thủ tục pháp lý giao kết hợp đồng điện tử, chế độ trách nhiệm, cách giải quyết tranh chấp,… sẽ được giải quyết theo quy định chung của pháp luật hiện hành về hợp đồng (gồm cả dân sự, thương mại).

Hai là, trường hợp không ban hành Nghị định riêng về hợp đồng điện tử, cần phải rà soát lại Luật GDĐT và các Nghị định có liên quan để sửa đổi, bổ sung vào các văn bản này quy định về sự kết nối như trên đã trình bày, nghĩa là, bổ sung quy định: “Những nội dung khác về quy trình, thủ tục pháp lý giao kết hợp đồng điện tử, chế độ trách nhiệm, cách giải quyết tranh chấp,… sẽ được giải quyết theo quy định chung của pháp luật hiện hành về hợp đồng (gồm cả dân sự, thương mại).”

Thứ tư, sự ra đời của chữ ký điện tử là cơ sở khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử và cho phép thực hiện những giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để chữ ký điện tử trở nên phổ biến, thông dụng tạo tiền đề cho việc văn bản điện tử phát huy những tính năng vượt trội của mình và có thể thay thế tài liệu giấy, cần nghiên cứu và khắc phục những hạn chế của chữ ký điện tử, đồng thời cần có thêm những công cụ khác để khẳng định giá trị pháp lý của tài liệu điện tử. Điều này cân sự đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia và sự hỗ trợ của các nhà quản lý.

Phạm Thị Hồng Đào

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *