Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và cũng là một trong những điểm sáng trong thu hút vốn FDI của khu vực miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam. Từ chính sách thông thoáng, rộng mở, thành phố Đà Nẵng đã không ngừng thu hút các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là thu hút vốn FDI phục vụ đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thu hút hơn 200 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 50% vốn đăng ký. Trong 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại thành phố Đà Nẵng thì British Virgin Island (vùng lãnh thổ thuộc Anh) dẫn đầu với tổng số vốn đăng ký chiếm tỷ lệ 37,4%; tiếp đó là Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản… phần lớn các dự án tập trung vào một số lĩnh vực như: du lịch – dịch vụ, bất động sản và công nghiệp. Trong đó, vốn FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 76%, công nghiệp chiếm hơn 22%, còn lại là các lĩnh vực khác. Hàng năm, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố đã thực hiện được gần 3.000 tỷ đồng giá trị sản lượng hàng hóa, xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD… góp phần đáng kể vào đổi mới công nghệ, phát triển nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế khác của địa phương cùng phát triển. Thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố Đà Nẵng xuất phát từ những nguyên nhân sau:
– Thành phố Đà Nẵng không ngừng nâng cao chỉ số PCI, luôn đứng trong tốp đầu, đặc biệt trong 3 năm liền từ 2008 – 2010 dẫn đầu về chỉ số này, đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng xây dựng thương hiệu thành phố Đà Nẵng trong cả nước và quốc tế với việc thu hút vốn FDI.
>>> Xem thêm : Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
– Lãnh đạo thành phố luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư: duy trì các cuộc tiếp xúc, giao lưu hàng năm, trực tiếp lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc trong thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng. Luôn tích cực trong chỉ đạo, đổi mới cơ chế và vận dụng linh hoạt để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, như: kết nghĩa với các thành phố lớn của Nga, Nhật, Mỹ, Thái Lan…quảng bá, xúc tiến, lập dự án gọi vốn gửi đến các tập đoàn lớn của nước ngoài. Thành phố tiến hành mở văn phòng đại diện tại các nước cũng góp phần tạo thuận lợi lớn trong thu hút vốn FDI.
– Luôn đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch của thành phố, cũng như điều kiện về cơ sở hạ tầng, tình hình thị trường, giới thiệu một điểm đến lâu dài, ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài.
– Triển khai tốt đề án cơ chế “Một cửa liên thông” về cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án FDI, đáp ứng các yêu cầu nhanh, công khai, minh bạch. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện giải quyết vướng mắc của các nhà đầu tư trong việc triển khai hoạt động, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng nhằm giúp các dự án FDI quy mô lớn triển khai nhanh chóng, góp phần giải ngân vốn đã đăng ký. Đồng thời, có kế hoạch nắm bắt cụ thể tình hình triển khai của các dự án FDI quy mô lớn để kịp thời hỗ trợ triển khai sau đầu tư. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án triển khai không đúng tiến độ cam kết hoặc khi các nhà đầu tư ngoài nước bán quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích dự án và chuyển nhượng để kiếm lời bất chính.
– Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thông tin, thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực dịch vụ – du lịch cao cấp; công nghiệp – phụ trợ không gây ô nhiễm; chú trọng loại hình đầu tư công nghệ cao, quan tâm nhiều đến các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để triển khai nhanh các dự án.
– Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu Công nghệ cao, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của nhà đầu tư gắn liền với đất sau khi được sự chấp thuận của Ban quản lý Khu Công nghệ cao; thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác liên doanh với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong thời hạn thuê đất đối với trường hợp đã trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.