Nguyên tắc cơ bản tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp
Nguyên tắc cơ bản tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp
Để xây dựng cấu trúc tài chính mới hợp lý giúp doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu đặt ra. Tái cấu trúc tài chính phải tuân thủ 5 nguyên tắc cơ bản sau: [38]
1. Nguyên tắc đảm bảo tính tương thích
Nguyên tắc đảm bảo tính tương thích, tức là hoạch định cấu trúc tài chính phải đảm bảo sự phù hợp với thời gian đáo hạn của các nguồn tài trợ với chu kỳ sinh lời của tài sản đầu tư. Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên thực tế là các nguồn tài trợ có thời gian đáo hạn khác nhau, trong khi thời gian tạo ra luồng tiền của các loại tài sản cũng không giống nhau. Vì vậy, đề đảm bảo doanh nghiệp có khả năng thanh toán tại bất kỳ thời điểm nào, giảm thiểu rủi ro tài chính thì việc điều chỉnh, sắp xếp lại quy mô và cấu trúc tài chính cần có sự tương thích giữa thời gian được quyền sử dụng vốn với chu kỳ sinh lời của tài sản đầu tư.
2. Nguyên tắc cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro
Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động tái cấu trúc tài chính phải tính đến ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính và đòn bẩy kinh doanh.Nguyên tắc này yêu cầu phải có sự suy xét thận trọng giữa lợi nhuận và rủi ro trước khi quyết định điều chỉnh cấu trúc tài chính. Nếu nhà quản trị muốn cấu trúc tài chính an toàn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính thì phải giảm tỷ trọng nợ vay. Số tiền huy động được ưu tiên đầu tư hình thành tài sản tạm thời, những tài sản có tính thanh khoản cao. Việc tái cấu trúc tài chính theo hướng gia tăng nợ vay phải trả nhằm phát huy tác dụng tích cực của đòn bẩy tài chính chỉ nên sử dụng khi có sự đảm bảo tin cậy rằng sản lượng vượt qua điểm hòa vốn, và tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản lớn hơn lãi suất tiền vay.
➯ Xem thêm: Khái niệm tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp
3. Nguyên tắc đảm bảo quyền kiểm soát
Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động tái cấu trúc tài chính phải duy trì quyền kiểm soát doanh nghiệp cho chủ sở hữu. Cơ sở của nguyên tắc này là các chủ sở hữu không muốn chia sẻ quyền kiểm soát công ty bởi điều đó có thể cản trở khả năng huy động vốn. Để đảm bảo nguyên tắc này, việc điều chỉnh, xây dựng cấu trúc tài chính phải thực hiện theo hướng gia tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu đủ lớn để chủ sở hữu doanh nghiệp có thể độc lập về mặt tài chính, chủ động quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.
4. Nguyên tắc tài trợ linh hoạt:
Tính linh hoạt trong tài trợ vốn là khả năng điều chỉnh tăng, giảm nguồn vốn cho phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu vốn qua các thời kỳ kinh doanh. Theo nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể dễ dàng điều chỉnh cấu trúc tài chính phù hợp với nhu cầu đầu tư, tính thời vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó không chỉ cho phép sử dụng vốn sẵn có vào bất kỳ thời điểm nào cần thiết và còn tăng khả năng mặc cả với các nhà cung cấp vốn trên thị trường. Tuân thủ nguyên tắc này, việc ưu tiên gia tăng tỷ trọng các khoản nợ, nhất là nợ ngắn hạn, có thể cho phép nhà quản trị những cơ hội thuận lợi để điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn. Ngoài ra, việc đa dạng hóa các hình thức tài trợ bằng cách bổ sung thêm các điều khoản về khả năng thu hồi trước hạn đối với trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi cũng giúp doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh cấu trúc tài chính một cách kịp thời khi cần thiết.
5. Nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn
Nguyên tắc này đòi hỏi hoạch định cấu trúc tài chính phải tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn, nhằm tối đa hóa lợi ích cho chủ sở hữu. Mỗi nguồn tài trợ của doanh nghiệp đều có chi phí sử dụng vốn khác nhau và chi phí sử dụng các nguồn vốn này cũng thay đổi qua các thời kỳ khác nhau của chu kỳ kinh tế. Vì vậy, xây dựng, điều chỉnh, sắp xếp lại cấu trúc tài chính phải đảm bảo tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn nhằm tối đa hóa lợi ích cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuân thủ nguyên tắc này, đòi hỏi nhà quản trị doanh nghiệp phải đánh giá được xu thế biến động về chi phí sử dụng vốn trên thị trường để lựa chọn thời điểm huy động vốn thích hợp. Mặt khác, tái cấu trúc tài chính phải nghiêng về các nguồn tài trợ có thời gian đáo hạn ngắn, chi phí sử dụng vốn thấp, thời gian hoàn trả vốn gốc và lãi vay có thể điều chỉnh linh hoạt nhằm giảm thiểu chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp, trong mối quan hệ hài hòa với các mục tiêu khác của doanh nghiệp.
Như vậy, để hoạt động tái cấu trúc tài chính đạt hiệu quả phải tuân thủ 5 nguyên tắc trên. Tuy nhiên, muốn vận dụng tốt các nguyên tắc này, phải xét chúng trong môi trường hoàn cảnh cụ thể của đặc điểm nền kinh tế, đặc điểm ngành kinh doanh và đặc điểm của doanh nghiệp nhằm mục tiêu tạo ra cấu trúc tài chính phù hợp, tối đa hóa khả năng sinh lời, tối thiểu hóa rủi ro, từ đó tối đa hóa giá trị doanh nghiệp cho chủ sở hữu.