Nội dung quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP
Nội dung quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP
Để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng, Nhà nước phải thực hiện các chức năng quan trọng. Quản lý nhà nước về kinh tế theo giai đoạn tác động có các chức năng hoạch định phát triển kinh tế, tổ chức điều hành nền kinh tế và kiểm soát sự phát triển kinh tế [34, tr.199-236]. Vận dụng các chức năng này vào quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng bao gồm:
Chức năng hoạch định phát triển của Nhà nước về đa dạng hoạt động tín dụng: Đa dạng hóa hoạt động tín dụng của mỗi NHTMCP có những định hướng riêng và đôi khi mang tính tự phát theo kế hoạch kinh doanh nhằm đạt được lợi ích riêng. Do vậy, Nhà nước thực hiện chức năng hoạch định phát triển đa dạng hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế qua xây dựng các kế hoạch, chưng trình phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển ngành ngân hàng, kế hoạch tăng trưởng tín dụng, định hướng đa dạng hóa hoạt động tín dụng,…tạo điều kiện cho các NHTMCP có những định hướng, tận dụng các cơ hội tốt cho đa dạng hóa hoạt động tín dụng.
Chức năng điều hành của Nhà nước trong quá trình đa dạng hóa hoạt động tín dụng: Nhà nước thể hiện hoạt động mang tính quyền lực và chi phối sự phát triển các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng của thông qua các quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với từng hình thức cấp tín dụng, khuyến khích phát triển hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với một số loại hình, phương thức, lĩnh vực cấp tín dụng trong từng giai đoạn, kế hoạch tăng trưởng tín dụng và chỉ đạo thực hiện các giải pháp tín dụng hàng năm, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực, gây mất an toàn trong quá trình đa dạng hóa hoạt động tín dụng, mất an toàn toàn hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội.
Chức năng kiểm soát của Nhà nước đối với quá trình đa dạng hóa hoạt động tín dụng: Nhà nước kiểm soát việc chấp hành quy định theo các Luật chuyên ngành ngân hàng, và các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình dạng hoá hoạt động tín dụng, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót, áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, điều chỉnh quy định pháp luật phù hợp, đánh giá những thành công, phát hiện ra các cơ hội mới và thúc đẩy quá trình đa đạng hóa hoạt động tín dụng đúng định hướng và đạt mục tiêu.
Nhà nước tác động vào nền kinh tế thông qua những phương pháp và công cụ quản lý nhà nước, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước. Trong hoạt động quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng ngân hàng các quốc gia trên thế giới do ngân hàng trung ương thực hiện các chức năng ổn định tiền tệ, ổn định tài chính,..và tập trung vào định hướng mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, thực hiện chinh sách pháp luật có liên quan đến hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng, điều tiết hoạt động về tiền tệ, tín dụng ngân hàng qua tổ chức, điều hành và phát triển thị trường tiền tệ, xây dựng các chỉ tiêu lạm phát, kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm, kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng, xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật [105, tr.1-55].
Nội dung quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng là một trong những nội dung QLNN về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Dựa vào nội dung quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng và mục tiêu, chức năng quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng, tác giả xây dựng nội dung quản lý nhà nước về đa dạng hóa hoạt động tín dụng bao gồm:
Thứ nhất, định hướng chiến lược phát triển của Nhà nước về đa dạng hóa HĐTD. Định hướng chiến lược phát triển của Nhà nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đa dạng hóa HĐTD, phản ánh xu hướng, triển vọng mà các cơ quan QLNN về đa dạng hóa HĐTD dự tính trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội. Định hướng chiến lược phát triển về đa dạng hóa HĐTD phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, chiến lược phát triển về đa dạng hóa HĐTD được dựa vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án để xây dựng các định hướng.
Thứ hai, ban hành pháp luật về đa dạng hóa HĐTD. Các quy định của pháp luật, tao khung pháp lý, điều tiết, hướng dẫn, các NHTMCP phát triển các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng theo đúng định hướng. Nền tảng luật pháp cho quản lý nhà nước về đa dạng hóa HĐTD là các quy định pháp luật chuyên ngành ngân hàng và quy định pháp luật có liên quan. Quy định pháp luật ban hành các điều kiện để các NHTMCP phát triển thêm các hình thức cấp tín dụng, điều tiết quá trình đa dạng hóa HĐTD phù hợp với định hướng kế hoạch hàng năm.
Các quy định pháp luật tác động trực tiếp đến quá trình phát triển các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng bao gồm các nội dung chính: Đối tượng cấp tín dụng, nguyên tắc tín dụng, điều kiện tín dụng, loại hình, phương thức cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, lãi suất tín dụng, quyền và nghĩa vụ cả KH, quyền và nghĩa vụ của NHTMCP, đảm bảo nợ tín dụng, kiểm tra, giám sát quá trình cấp tín dụng, phân loại và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, xử lý rủi ro tín dụng. Bên cạnh, các quy định pháp luật trong các ngành, lĩnh vực khác: Quy định về lãi suất, tỷ giá, đầu tư, thuế,.. tác động gián tiếp đến quá trình đa dạng hóa HĐTD.
Các quy định pháp luật về đa dạng hóa HĐTD đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và phù hợp thực tiễn góp phần tạo ra kết quả quan trọng trong QLNN, cũng như việc chấp hành pháp luật của các NHTMCP và KH. Tuy nhiên , nhiều quy định pháp luật về đa dạng hóa HĐTD thiếu đồng bộ giữa luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện, hay các quy định pháp luật về đa dạng hóa HĐTD chưa đi vào cuộc sống, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, đã làm giảm sút tính ổn định của các quy định pháp luật,..Từ đó, gây cản trở cho quá trình QLNN về đa dạng hóa HĐTD.
Thứ ba, điều tiết quá trình đa dạng hóa HĐTD. Nhà nước điều tiết quá trình đa dạng hóa HĐTD nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các NHTMCP, KH và lợi ích chung cho phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng chiến lược phát triển về đa dạng hóa HĐTD đã đặt ra. Để điều tiết quá trình đa dạng hóa HĐTD, Nhà nước thực hiện xây dựng, ban hành và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật, áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thực hiện điều tiết về phía cung và về phía cầu để khuyến khích phát triển hay thu hẹp các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng trong những trường hợp cần thiết.
Điều tiết về phía cung: Các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép được cải cách sẽ tạo điều kiện cho các NHTMCP đa dạng hóa HĐTD, hoặc quy định về cấp phép khắt khe hơn, sẽ là rào cản đối với nhiều NHTMCP trong quá trình đa dạng hóa HĐTD (xem Bảng 1.3). Nhằm đảm bảo ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước khuyến khích cấp tín dụng cho một số lĩnh vực, sẽ khuyến khích các NHTMCP phát triển các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng; ngược lại, hạn chế cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực, sẽ tác động làm chậm quá trình đa dạng hóa HĐTD. Các hoạt động về cung cấp thông tin tín dung đa dạng, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực của Nhà nước đáp ứng cho xu hướng phát triển các hình thức cấp tín dụng mới và sự hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện cho phát triển các hình thức, các loại và phương thức cấp tín dụng hiên đại, triển khai nghiệp vụ trực tuyến nhanh chóng, nhiều tiện ích, sẽ giúp cho qúa trình đa dạng hóa HĐTD được nhanh hơn.
Điều tiết về phía cầu: Nhà nước ban hành quy định liên quan đến quy trình cấp tín dụng của các NHTMCP cho KH và quy định về đối tượng KH, phạm vi áp dụng đối với từng hình thức cấp tín dụng. Với trình tự ngắn gọn, thủ tục đơn giản trong quy trình cấp tín dụng, giúp cho KH tiếp cận nhanh chóng các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng, giúp thúc đẩy quá trình đa dạng hóa HĐTD được phát triển nhanh và ngược lại, sẽ làm hạn chế quá trình trình đa dạng hóa HĐTD. Mặt khác, quy định mở rộng hoặc hạn chế đối tượng KH, phạm vi áp dụng đối với từng hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng, sẽ tác động phát triển hay thu hẹp quá trình đa dạng hóa HĐTD.
Thứ tư, kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình đa dạng hóa HĐTD. Mục đích kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình đa dạng hóa HĐTD, nhằm góp phần bảo đảm quá trình đa dạng hóa HĐTD an toàn, lành mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của KH và các NHTMCP; bảo đảm việc chấp hành pháp luật của các NHTMCP và KH đối với các hình thức, các loại và phương thức cấp tín dụng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước về đa dạng hóa HĐTD.
Nội dung kiểm tra thanh tra, giám sát quá trình đa dạng hóa HĐTD bao gồm: Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các điều kiện được cấp phép hoạt động, tuân thủ các quy định của NHNN ban hành hướng dẫn các NHTMCP thực hiện các hình thức tín dụng; thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu theo yêu cầu thanh tra, giám sát; xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro HĐTD, mức độ đảm bảo an toàn trong quá trình đa dạng hóa HĐTD; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu QLNN về đa dạng hóa HĐTD; kiến nghị, yêu cầu các NHTMCP có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn trong quá trình đa dạng hóa HĐTD; phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật trong trong quá trình đa dạng hóa HĐTD.
Kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình đa dạng hóa HĐTD là hoạt động được tiến hành thường xuyên, kịp thời, nhằm đảm bảo tuân thủ luật pháp của các NHTMCP và KH. Để hoạt động này có hiệu quả cần có những điều kiện nhất định về nhân lực có trình độ đáp ứng dược yêu cầu chuyên môn, cách thức tổ chức, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, phân công trách nhiệm, cũng như các mục tiêu rõ ràng,.. Các sai phạm, thiếu sót qua kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình đa dạng hóa HĐTD sớm được phát hiện, phân tích và có thông tin phản hồi nhanh chóng, giúp xử lý nghiêm minh các vi phạm, đảm bảo nâng cao hiệu lực QLNN và điều chỉnh, bổ sung kịp thời những quy định, cơ chế, chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đa dạng hóa HĐTD.
Các nội dung quản lý nhà nước về đa dạng hóa HĐTD có mối liên hệ mật thiết và tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Định hướng tạo nền tảng cho triển khai, áp dụng các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức trong từng hình thức cấp tín dụng phù hợp và quy định pháp luật ban hành, tạo điều kiện cho các NHTMCP triển khai các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng theo mục tiêu như đã định hướng. Quy định pháp luật được ban hành giúp cho hoạt động điều tiết của Nhà nước trong quá trình đa dạng hóa HĐTD theo đúng định hướng. Bên cạnh, qua hoạt động điều tiết của Nhà nước sẽ bổ sung, điều chỉnh thêm các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn quá trình dạng hóa HĐTD. Để đạt được các mục tiêu đã định hướng, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của các NHTMCP và KH, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và kiểm soát được hoạt động điều tiết quá trình đa dạng hóa HĐTD, thì hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát được tiến hành thường xuyên. Qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát một số mục tiêu đã định hướng, một số quy định pháp luật và hoạt động điều tiết được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, tạo điều kiện thực hiện tốt các định hướng chiến lược phát triển của Nhà nước về đa dạng hóa HĐTD.