Hướng dẫnTài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Các nghiên cứu về các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng

Nhóm 1: Các nhân tố vĩ mô tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới là Demirguc Kunt và cộng sự (2020) nhan đề “Banking sector performance during the Covid-19 Crisis” [76] đã phân tích giá cổ phiếu ngân hàng (CPNH) tại nhiều TTCK trên thế giới dưới tác động của đại dịch Covid-19. Các tác giả đã sử dụng bộ dữ liệu toàn cầu liên quan tới chính sách tiền tệ của NHTƯ và kết quả nghiên cứu cho thấy những tổn thất của hệ thống ngân hàng tính tới tháng 7/2020. Tại nhiều quốc gia, các nhà đầu tư CPNH chịu thua lỗ lớn hơn so với đầu tư vào CP các ngành công nghiệp phi ngân hàng. Đặc biệt, nghiên cứu đã đánh giá tác động của chính sách tiền tệ mở rộng đến mức độ cải thiện giá CP và kết luận về tính không đồng nhất trong biến động giá CP giữa các nhóm ngân hàng, chẳng hạn cung tiền M2 không đồng biến động với giá CP của tất cả các ngân hàng. Việc thắt chặt kiểm soát lãi suất liên ngân và tăng cường giám sát tỉ lệ an toàn vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn tiếp tục tạo ra sức ép lớn hơn.

Nghiên cứu của Narayan và Bannigidadmath (2015) nhan đề “Are Indian stock returns predictable?” [113] sử dụng phương pháp phân tích quan hệ nhân quả Granger kết hợp với kĩ thuật đo lường do Canning và Pedroni (2008) xây dựng. Kết quả cho thấy lãi suất có tác động ngược chiều còn GDP, IIP, tỉ giá hối đoái có tác động cùng chiều lên biến động giá CP của 13 ngân hàng niêm yết tại Ấn Độ trong dài hạn.

Nghiên cứu của Banerjee và cộng sự (2017) nhan đề” Bank, stock market and economic growth: Bangladesh perspective” [63] sử dụng dữ liệu bảng theo tháng để phân tích tác động của các nhân tố đến giá cổ phiếu ngân hàng niêm yết tại SGDCK Dakka từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2015. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính và kiểm định đồng liên kết cho kết luận về mối quan hệ cùng chiều và dài hạn giữa giá CP và cung tiền, lãi suất, quy mô thanh toán, trong khi đó có quan hệ ngược chiều với lãi suất cho vay khách hàng.

Kết quả nghiên cứu của Ali và cộng sự (2018) về “The Determinants of bank stock prices: A panel approach” [51] sử dụng dữ liệu của 08 ngân hàng lớn nhất Pakistan trong giai đoạn 2005-2013 cho thấy chỉ số giá thị trường biến động cùng chiều với giá CP, còn tỉ giá hối đoái và lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng có tác động ngược chiều. Với phương pháp tương tự, nghiên cứu của Arshad và cộng sự (2015) [59] tập trung vào các nhân tố tác động đến giá CP của 22 ngân hàng niêm yết tại SGDCK Karachi giai đoạn 2007÷2013, từ đó kết luận rằng lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng có tác động ngược chiều với giá CP.

Có thể nói, các nghiên cứu nêu trên đã nghiên cứu tác động của kinh tế vĩ mô đến biến động giá cổ phiếu ngân hàng. Phương pháp lượng hóa được sử dụng không có sự khác biệt so với trường hợp CP nói chung. Các chỉ tiêu đại diện trong mô hình là GDP, tỉ giá hối đoái, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lạm phát, chỉ số sản xuất công nghiệp và một số nhân tố khác.

Xem thêm: Các nghiên cứu về các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu

Nhóm 2: Nhân tố thuộc về đặc trưng của ngân hàng niêm yết và nhân tố thị trường

Tác động của các yếu tố phản ánh đặc thù ngân hàng niêm yết đến giá CPNH được tìm thấy trong khá nhiều nghiên cứu. Naveed và Ramzan (2013) nhan đề “A view about the determinants of change in share prices: a case from Karachi stock exchange” [115] sử dụng dữ liệu 15 ngân hàng niêm yết tại SGDCK Karachi và mô hình FEM để kiểm định. Các tác giả rút ra hàm ý về tác động tích cực của quy mô vốn chủ sở hữu, khả năng sinh lợi đến biến động giá CPNH. Nghiên cứu của Al-Shubiri (2015) về “Capital structure and value firm: an empirical analysis of abnormal return” [53] đã sử dụng dữ liệu của 13 ngân hàng niêm yết tại SGDCK Amman trong giai đoạn 2010÷2015. Kết quả cho thấy mối quan hệ cùng chiều và có ý nghĩa thống kê giữa đòn bẩy tài chính và biến động giá CPNH.

Đặc biệt, nghiên cứu của Almumani (2014) về “Determinants of equity share prices of the listed banks in Amman stock exchange: Quantitative approach” [52] đã tập trung đánh giá tác động của các nhân tố thị trường lên giá CP trong giai đoạn 2005÷2011. Kết quả cho thấy EPS, P/E và DPS có tác động cùng chiều với biến động giá CP.

Nghiên cứu của Bhattarai (2016) nhan đề “Determinants of share price of Nepalese commercial banks” [66] dựa trên dữ liệu thứ cấp của nhiều ngân hàng niêm yết tại Nepal trong giai đoạn 2006÷2014. Kết quả cho thấy cổ tức, EPS và P/E là những chỉ số quan trọng tác động đến giá CP của các ngân hàng niêm yết trong giai đoạn nghiên cứu.

Nghiên cứu của Hashem và cộng sự (2017) về “The impacts of non-performing loan upon the prices of stocks in Jorhanian commercial banks” [85] trong giai đoạn 2005÷2015 cho thấy nợ xấu tăng cao gây áp lực làm giảm giá CP của hầu hết các ngân hàng. Khi vấn đề nợ xấu được cải thiện, các ngân hàng niêm yết có thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và đó chính là điều kiện quan trọng để phục hồi giá CP. Nghiên cứu của V.Atoi (2018) về “Non-performing loan and its effects on banking stability: Evidence from national and international licensed banks in Nigeria” [134] trong giai đoạn Q2.2014÷Q2.2017 đã sử dụng phương pháp GMM để đánh giá tác động của nợ xấu lên hệ số Z-score với kết luận cho rằng nợ xấu luôn đe doạ tính an toàn của hệ thống ngân hàng, dẫn đến lo ngại của nhiều nhà đầu tư khiến họ phải bán tháo CP.

Có thể nói, những công trình nghiên cứu quốc tế phần nào sáng tỏ được các nhân tố chính, chủ yếu tác động đến giá CPNH bao gồm nhân tố thuộc về môi trường kinh tế vĩ mô, các nhân tố thuộc về nội bộ ngân hàng niêm yết và các nhân tố thị trường. Đặc biệt, các tác giả có sử dụng một số nhân tố phản ánh đặc trưng NHTM như quy mô vốn chủ sở hữu, cơ cấu vốn và nợ xấu.

Nhóm 3: Nhân tố thuôc về đặc trưng của ngành

Báo cáo phân tích ngành ngân hàng Ấn Độ của IBEF (2022) nhan đề “Banking sector analysis report” [91] cho thấy bên cạnh những đặc trưng riêng của ngành ngân hàng là quy mô tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, quản lí nợ xấu, đảm bảo dự phòng rủi ro tín dụng thì xu hướng không chỉ riêng ngành ngân hàng Ấn Độ mà ở nhiều quốc gia cho thấy công nghệ chuyển đổi số trở thành xu hướng chi phối. Chuyển đổi số của riêng hệ thống ngân hàng Ấn Độ trong giai đoạn 2021÷2025 ước tính trị giá 150 tỉ Đô la Mỹ. Vốn này được huy động từ nguồn trích lập quỹ phát triển thông qua phát hành bổ sung cổ phần, lợi nhuận giữ lại và vốn vay. Bên cạnh đó, các kết quả hoạt động kinh doanh của ngành theo ba phân khúc ngân hàng thuộc khu vực công, khu vực tư nhân và nước ngoài chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tăng trưởng GDP, chính sách hỗ trợ của Chính Phủ và NHTƯ cũng như diễn biến của dịch bệnh SARS-CoV-2.

Báo cáo phân tích ngành của Economist Inteligence (2022) nhan đề “Finance in 2022” [77] đã đề cập đến giá cổ phiếu ngân hàng với các kết luận quan trọng. Thứ nhất, quá trình phục hồi kinh tế và tăng lãi suất trong điều kiện bình thường mới thúc đẩy việc tăng quy mô các ngân hàng quốc tế lớn, theo đó nhà đầu tư lớn với nguồn tài chính dồi dào sẽ tìm kiếm các khu vực thị trường hấp dẫn, tuy nhiên cơ hội có tỉ suất lợi nhuận cao không nhiều như các giai đoạn trước Covid-19. Thứ hai, xu hướng sáp nhập và tái cơ cấu trong giai đoạn bình thường mới sẽ tạo lợi nhuận lớn cho các ngân hàng quốc tế thực hiện dịch vụ tư vấn đầu tư và bảo lãnh phát hành, niêm yết, theo đó CP của các định chế này trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Thứ ba, lãi suất LIBOR từ trước tới nay luôn có tác động mạnh tới chính sách định giá sản phẩm-dịch vụ của các ngân hàng nhưng hiện tại các ngân hàng có xu hướng tham gia nhiều hợp đồng tương lai lãi suất tài trợ qua đêm có đảm bảo (SOFR) hơn so với lãi suất LIBOR.

Nhìn chung, báo cáo phân tích ngành ngân hàng tổng hợp thông tin khá đầy đủ, cập nhật về hoạt động chung của ngành, chú trọng đến tăng trưởng tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, quản lí nợ xấu và dự phòng rủi ro tín dụng, đặc biệt là kết quả hoạt động kinh doanh và có báo cáo phân tích chất lượng CPNH. Một số báo cáo đề cập đến mối quan hệ giữa biến động giá CPNH theo chu kì phát triển kinh tế và kết quả hoạt động kinh doanh. Đây là cơ sở để luận án tiếp tục xác định rõ hơn các nhóm nhân tố tác động đến giá CP của các NHTM cổ phần niêm yết trên TTCK.

Nguồn: Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *