Kinh tếTin chuyên ngành

Vai trò của giáo dục

Vai trò của giáo dục – đào tạo

Với vị trí quốc sách hàng đầu, giáo dục và đào tạo có vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Vai trò của giáo dục và đào tạo được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng ở các kì đại hội. Nghị quyết TW 2 khoá VIII đã khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay”. Thêm vào đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta: “GD&ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 được thông qua tại Đại hội XI, vai trò của giáo dục và đào tạo lại được làm rõ: “Giáo dục và đào tạo cần tập trung vào việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Theo quan điểm của Mác, con người không chỉ là lực lượng làm chủ tự nhiên một cách thực sự và có ý nghĩa, không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất vật chất mà còn là yếu tố hàng đầu, yếu tố đóng vai trò quyết định trong lực lượng sản xuất của xã hội. Khi nguồn lực con người được coi là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia thì phát triển giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ yếu để quyết định chất lượng con người, là nền tảng của chiến lược con người. Con người vừa là trung tâm của mọi sự phát triển, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Với tư cách là động lực cho sự phát triển, giáo dục và đào tạo chuẩn bị cho con người sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, cho lợi ích hiện tại và tương lai của đất nước.

Xem thêm: Vai trò của giáo dục trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh đó, từ thực tiễn hiện nay, trên cơ sở kinh tế thị trường, các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đang trong quá trình thực hiện bước chuyển tiếp trình độ phát triển từ kinh tế công nghiệp sang hậu công nghiệp và kinh tế tri thức. Những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã biến tri thức thành yếu tố quan trọng bên trong quá trình sản xuất và quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, giáo dục đã trở thành nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Hàm lượng tri thức trong nền kinh tế là nhân tố quy định sự phát triển. hàng hoá nào có hàm lượng tri thức càng cao thì càng có giá trị. Tri thức là nguồn tài nguyên rất đặc biệt, khác với những nguồn tài nguyên khác, tri thức là vô hạn, càng khai thác càng giàu lên, càng cho đi ta càng thu về nhiều hơn. Do vậy, phát triển dựa trên tri thức là phát triển bền vững. Mà tri thức thì chính là những dữ liệu, thông tin hay những kỹ năng mà con người có được qua sự trải nghiệm hoặc thông qua giáo dục. Như vậy, giáo dục chính là yếu tố để gia tăng hàm lượng tri thức trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung. Cho nên, giáo dục và đào tạo có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là giáo dục đại học – lĩnh vực có trọng trách đào tạo đội ngũ lao động trình độ cao. Trường ĐH Tây Bắc, hiểu rõ tầm quan trọng cũng như trọng trách phải đảm nhiệm nên từ khi được thành lập đến nay luôn đề rõ mục tiêu: đào tạo đội ngũ nhân lực vừa hồng vừa chuyên để xây dựng và phát triển vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Với vị trí và vai trò quan trọng, trong những năm gần đây, giáo dục và đào tạo ngày càng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta tiếp tục được phát triển và được đầu tư nhiều hơn, đặc biệt nhấn mạnh những thành tựu mà GD Việt Nam đạt được sau gần 30 năm đổi mới, những thành tựu đó đã tác động trực tiếp, to lớn và tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần quan trọng đưa nước ta nhanh chóng hoàn thành quá trình CNH, HĐH, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng phát triển hiện đại đến năm 2020.

Vai trò của giáo dục – đào tạo

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *