Các nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế
Các nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế
1. Các nghiên cứu trong nước
Hầu hết các tác giả đều khẳng định tác động dương của FDI lên tăng trưởng kinh tế, như Nguyễn Mại (2003) cho thấy FDI có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế ở mức độ quốc gia và nhận định để thu hút vốn FDI vào Việt Nam cần mở rộng thị trường và tìm đối tác mới. Nguyen Thi Phuong Hoa (2004) kết luận FDI có tác động dương tới tăng trưởng kinh tế của các địa phương thông qua hình thành, tích lũy tài sản vốn và có sự tương tác cùng chiều giữa FDI với nguồn nhân lực. Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2006) nghiên cứu về tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam với dữ liệu chuỗi thời gian giai đoạn 1988-2003 cho thấy tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế qua kênh đầu tư. Le Thanh Thuy (2007) nhận định FDI đã bổ sung cho đầu tư trong nước giúp cho việc mở rộng sản xuất, giúp giảm thâm hụt ngân sách chính phủ, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm. Đồng thời khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa từ FDI. Điều này cho thấy chính sách tăng cường sự phát triển của khu vực tư nhân nên được đẩy mạnh để gia tăng hiệu ứng lan tỏa của FDI.
Anh và Thang (2007) nghiên cứu các nhân tố quyết định dòng vốn FDI ở các tỉnh thành Việt Nam cho thấy quy mô thị trường, lao động và cơ sở hạ tầng có tác động ý nghĩa lên FDI, trong khi chính sách của chính phủ thông qua chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh không có ý nghĩa. Le Viet Anh (2009), nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cho thấy đóng góp của FDI đối với tăng trưởng được ước tính 7% trong 37% tổng số vốn đóng góp cho sự tăng trưởng trong giai đoạn 1988-2002. Phân tích hồi quy thấy rằng FDI có mối quan hệ dương với đầu tư trong nước và tăng trưởng kinh tế cũng như FDI tạo ra những tác động dương đáng kể trong ngắn hạn và dài hạn lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Chien et al. (2012) khẳng định FDI có tác động dương lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2000-2010. Chirstian và C.Richard (2012) khẳng định các biến vĩ mô như GDP và chi phí lao động có tác động dương ý nghĩa lên FDI ở Việt Nam, trong khi sự sụt giá của đồng nội tệ lại tác động âm. Chien và Linh (2013) sử dụng dữ liệu bảng để đánh giá mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Kết quả có mối quan hệ dương hai chiều giữa FDI và GDP bình quân. Cuong et al. (2013) lập luận rằng tự do hóa thương mại sau khi gia nhập WTO có tác động rất lớn lên dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.
2. Các nghiên cứu ngoài nước
Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài về FDI và tăng trưởng kinh tế được thực hiện bởi nhiều tác giả, với đa dạng đối tượng nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu và phương pháp thực hiện nghiên cứu. Về đối tượng nghiên cứu của các tác giả nước ngoài chủ yếu ở cấp độ quốc gia, khu vực bao gồm nhiều quốc gia. Một số ít nghiên cứu ở cấp độ vùng trong một quốc gia như Wei K. (2008), Svetlana Ledyaeva và Mikael Linden (2010). Kết quả đạt được của các tác giả vẫn chưa có sự thống nhất.
Ba phân tích đầu tiên về tác động của FDI đến nước nhận đầu tư có Caves (1974), Globerman (1979), Blomstrom và Persson (1983), các tác giả này đã ước tính sự tồn tại của tác động lan tỏa bằng cách kiểm tra liệu FDI có tác động đến năng suất lao động địa phương ở các công ty Australia, Canada và Mexico. Kết quả của tất cả những nghiên cứu này, được báo cáo là FDI có tác động quan trọng và tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Một số nghiên cứu cung cấp bằng chứng tác động dương của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế ở nước nhận đầu tư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển (Ozawa, 1992; Blomstrom và Wolff, 1994; Zhang, 2001; Yao, 2006 và Yao và Wei 2007). Gần đây, Aviral Kumar Tiwari, Mihai Mutascu (2011) thấy rằng cả hai FDI và xuất khẩu tăng cường quá trình tăng trưởng.
Một số học giả cũng nhận định giữa dòng vốn FDI và tăng trưởng kinh tế có tác động tích cực hai chiều (Zhang, 2001; Liu, Burridge và Sinclair, 2002; Choe, 2003; Hansen và Rand, 2006; Abdus Samad, 2009).
Xem thêm: Khái niệm về tăng trưởng kinh tế
Một số nghiên cứu tìm thấy tác động tiêu cực của FDI đến nước nhận đầu tư. Cantwell (1989) xem xét tác động lan tỏa của doanh nghiệp các nước châu Âu trong sự hiện diện của doanh nghiệp đa quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 1955-1975. Không phải tất cả các ngành công nghiệp châu Âu đã được tìm thấy có tác động lan tỏa tích cực của công nghệ từ các chi nhánh doanh nghiệp đa quốc gia Hoa Kỳ. Tác giả cho rằng năng lực công nghệ của các công ty bản địa và kích thước của thị trường trong nước là hai yếu tố quan trọng trong việc xác định những thành công của các công ty châu Âu phản ứng với những cơ hội từ các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ. Kế đến Nadiri (1991) có kết luận tương tự bằng cách kiểm tra tác động của FDI Hoa Kỳ vào nhà máy và thiết bị sản xuất ở Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh từ năm 1968 đến năm 1988.
Karikari (1992) xem xét mối quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Ghana giai đoạn 1961-l988, kết quả cho thấy FDI không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng kinh tế tác động làm giảm nhẹ dòng vốn FDI. Theo tác giả, kết quả này có thể là do khối lượng vốn FDI không đáng kể theo dữ liệu thời gian, tác động FDI làm tăng tự do thương mại hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Haddad và Harrison (1991, 1993) cũng không tìm thấy tác động đáng kể của FDI đến tăng trưởng trong nước khi thực hiện kiểm tra tác động tràn của FDI và tăng trưởng kinh tế ở các công ty của Moroccan trong thời gian 1985-1989. Tương tự, khi nghiên cứu 72 nước phát triển và đang phát triển với phương pháp OLS và GMM, Carkovic và Levine (2002) đã không tìm thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa FDI và tăng trưởng. Durham (2004) điều tra về vai trò của FDI tới tăng trưởng của 80 quốc gia giai đoạn 1979-1998 đã không tìm thấy mối quan hệ dương giữa hai biến và lập luận rằng tác động của FDI phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nước nhận đầu tư.
Bende-Nabende et al. (2003) tìm thấy FDI có tác động dương đáng kể đối với các nước kém phát triển ở châu Á như Philippines và Thái Lan, nhưng đóng một vai trò tiêu cực ở các quốc gia hay vùng lãnh thổ phát triển hơn về kinh tế như Nhật Bản và Đài Loan.
Các nghiên cứu khác tìm thấy mối quan hệ tiêu cực giữa FDI và tăng trưởng kinh tế đối với nước nhận đầu tư như Aitken và Harrison (1999), Barry et al. (2001), Damijan et al. (2001), Djankov và Hoekman (1998) và Konings (2001).
Gần đây, Elsadig Musa Ahmed (2012) phát hiện dòng vốn FDI và đầu vào được sử dụng góp phần tác động tiêu cực đến năng suất nhân tố tổng hợp. Dilek và Aytac (2013) nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1992-2007 đã phát hiện không tồn tại mối quan hệ có ý nghĩa giữa FDI và tăng trưởng kinh tế.
Đối với nghiên cứu về các yếu tố thu hút dòng vốn FDI: Ab Quyoom Khachoo, Mohd Imran Khan (2012) kết luận quy mô thị trường, tổng trữ lượng, cơ sở hạ tầng và chi phí lao động là yếu tố quyết định chính của dòng vốn FDI đến các nước đang phát triển. Fayyaz Hussain, Constance Kabibi Kimuli (2012) cũng kết luận yếu tố quyết định dòng chảy FDI vào các nước đang phát triển là quy mô thị trường.
Từ những nghiên cứu trên cho thấy có mâu thuẫn về bằng chứng thực nghiệm trong các tài liệu liên quan đến vai trò của FDI đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các nhân tố quyết định đến thu hút dòng vốn FDI. Tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế có thể là cùng chiều, ngược chiều hoặc không đáng kể (Li và Liu, 2005). Nhiều phân tích đồng ý rằng tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào điều kiện trong nước của nước nhận đầu tư và xem đó là quyết định về tầm quan trọng và phạm vi tác động lan tỏa của các dự án FDI. Các điều kiện ở địa phương có thể được phân loại thành ba nhóm: chính sách thương mại (Balasubramanyam et al., 1996; Zhang, 2001); chính sách nguồn nhân lực (Keller, 1996; Borensztein et al., 1998; Olofsdotter, 1998; Xu, 2000; Bengoa và Sanchez-Robles, 2003 và Bhattacharya et al., 2004) và khoảng cách công nghệ (Sjoholm, 1999; Glass và Saggi, 1998).