Kinh tếTin chuyên ngành

Các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế

Các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là một chỉ tiêu phản ánh quy mô tăng lên hay giảm đi của nền kinh tế ở năm này so với năm trước đó hay ở thời kỳ này so với thời kỳ trước đó. Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của GDP hoặc GDP bình quân đầu người trong một thời gian nhất định, sự thay đổi về lượng của nền kinh tế. Sự gia tăng này thể hiện sự thay đổi cả về quy mô và tốc độ, quy mô thể hiện sự tăng nhiều hay ít còn tốc độ thể hiện sự tăng nhanh hay chậm.

Để đo lường tăng trưởng kinh tế người ta thường sử dụng chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thường được tính bằng mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo thời gian hoặc mức tăng GDP bình quân đầu người theo thời gian. Gần đây người ta sử dụng chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người để phản ánh đúng hơn về tăng trưởng kinh tế vì nó phản ánh được sự gia tăng dân số ảnh hưởng tới tốc độ tăng của GDP.

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế cổ điển của Adam Smith cho rằng tăng trưởng kinh tế là tăng đầu ra tính theo bình quân đầu người hoặc tăng sản phẩm lao động tức là tăng thu nhập ròng xã hội. Ông chỉ ra năm nhân tố tăng trưởng kinh tế gồm: lao động, tư bản, đất đai, tiến bộ kĩ thuật và môi trường chế độ kinh tế – xã hội. Xuất phát từ lý luận giá trị lao động Adam Smith coi lao động là nhân tố tăng trưởng cực kì quan trọng.

David Ricardo kế thừa tư tưởng của Adam Smith và chịu ảnh hưởng của tư tưởng  dân  số  học  của  T.R  Malthus  (1776-1834),  cho  rằng  nông  nghiệp  là  ngành kinh tế quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Xuất phát từ góc độ phân phối thu nhập để nghiên cứu tăng trưởng kinh tế, D.Ricardo nhấn mạnh yếu tố cơ bản của tăng trưởng là đất đai, lao động và vốn trong từng ngành và phù hợp với một trình độ kỹ thuật nhất định, các yếu tố này kết hợp với nhau theo một tỷ lệ cố định, không thay đổi. Ông đặc biệt nhấn mạnh tích lũy tư  bản là nhân tố chủ yếu quyết định tăng trưởng kinh tế còn các chính sách của chính phủ không có tác động quan trọng tới hoạt động của nền kinh tế.

1. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của K.Marx

Theo Marx những yếu tố tác động tới tăng trưởng là đất đai, lao động, vốn, tiến bộ kỹ thuật. Trong đó ông đặc biệt quan tâm tới yếu tố lao động và vai trò của nó trong việc sáng tạo ra giá trị thặng dư. Theo Marx, sức lao động đối với nhà tư bản là một hàng hóa đặc biệt, nó cũng như các hàng hóa khác, được các nhà tư bản mua trên thị trường và tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Nhưng trong quá trình tiêu thụ, giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động không giống với giá trị sử dụng hàng hóa khác. Nó có thể tạo ra giá trị lớn hơn giá trị bản thân nó, giá trị đó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư. Marx đưa ra quan hệ tỷ lệ phản ánh sự phân phối thời gian lao động của công nhân, một phần làm việc cho bản thân, một phần sáng tạo ra cho nhà tư bản và địa chủ.

👉👉👉 Xem thêm: Khái niệm về tăng trưởng kinh tế

Về yếu tố kỹ thuật: mục đích của nhà tư bản là tăng giá trị thặng dư, nên họ tìm mọi cách tăng thời gian làm việc của công nhân, giảm tiền công của công nhân, hoặc nâng cao năng suất lao động bằng cải tiến kỹ thuật. Marx cho rằng, tiến bộ kỹ thuật làm tăng số máy móc và dụng cụ lao động giành cho người thợ, nghĩa là cấu tạo hữu cơ của tư bản có xu hướng ngày càng tăng. Do đó các nhà tư bản cần nhiều tiền vốn hơn đề khai thác sự tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động của công nhân

2. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của phái tân cổ điển

Các nhà kinh tế học cổ điển mới đã giải thích nguồn gốc của sự tăng trưởng thông qua hàm sản xuất. Hàm số này nêu lên mối quan hệ giữa sự tăng lên của đầu ra với sự tăng lên của các yếu tố đầu vào: vốn, lao động, tài nguyên và khoa học công nghệ. Quan điểm này cũng cho rằng để tăng trưởng thì các nhà sản xuất có thể lựa chọn công nghệ sử dụng nhiều vốn hoặc công nghệ sử dụng nhiều lao động. Ngoài vai trò tích cực của vốn đối với tăng trưởng, mô hình Solow đã đưa thêm nhân tố lao động và tiến bộ công nghệ vào phương trình tăng trưởng. Mô hình này cho biết tiết kiệm, tăng dân số và tiến bộ công nghệ có ảnh hưởng như thế nào tới mức sản lượng và tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế theo thời gian.

3. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Solow

Solow lập ra mô hình tăng trưởng kinh tế mới trong điều kiện tiến bộ kỹ thuật. Ông đã chỉ ra rằng: nếu nền kinh tế nằm ở trạng thái ổn định thì nó sẽ đứng nguyên tại đó, và nếu nền kinh tế chưa nằm tại trạng thái ổn định thì nó sẽ có xu hướng tiến về đó. Do vậy, trạng thái ổn định chính là cân bằng dài hạn của nền kinh tế.

Vậy mô hình Solow cho thấy, nếu tỷ lệ tiết kiệm cao thì nền kinh tế sẽ có mức sản lượng lớn hơn. Tuy nhiên việc tăng tỷ lệ tiết kiệm chỉ đưa đến tăng trưởng nhanh hơn trong một thời gian ngắn, trước khi nền kinh tế đạt tới trạng thái ổn định. Nếu một nền kinh tế duy trì một tỷ lệ tiết kiệm cao nhất định nó sẽ duy trì được mức sản lượng cao nhưng không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Mô hình Solow-Swan là mô hình tăng trưởng ngoại sinh, một mô hình kinh tế về tăng trưởng kinh tế dài hạn được thiết lập dựa trên nền tảng và khuôn khổ của kinh tế học tân cổ điển. Mô hình này được đưa ra để giải thích sự tăng trưởng kinh tế dài hạn bằng cách nghiên cứu quá trình tích lũy vốn, lao động hoặc tăng trưởng dân số, và sự gia tăng năng suất, thường được gọi là tiến bộ công nghệ. Bản chất của nó là hàm tổng sản xuất tân cổ điển, thường là dưới dạng hàm Cobb-Douglas, cho phép mô hình “liên kết được với kinh tế học vi mô”. Mô hình đã được phát triển độc lập bởi Robert Solow và Trevor Swan năm 1956 , thay thế mô hình hậu Keynesian Harrod-Domar.

4. Lý thuyết cổ điển của Adam Smith và Malthus

Lý thuyết này ra đời trong thời điểm chỉ có nông nghiệp, người nông dân sử dụng công cụ lạc hậu và đất đai bỏ hoang vô chủ còn rất nhiều.

Lý thuyết này cho rằng đất đai và dân số đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải mở rộng đất và sinh sôi thêm người. Ví dụ nếu như năng suất khoai tây trên 1 hecta là 10 tấn thì mở rộng thêm 1 hecta sẽ tăng thêm 10 tấn sản lượng khoai tây.

Dần dần thì khi dân số phát triển đến điểm A thì trên phạm vi quốc gia đất chỗ nào cũng đã có sở hữu của một ai đó , không còn đất vô chủ. Lao động mới bổ sung sẽ chỉ chia chác số đất hiện có với những lao động hiện có. Cùng với công nghệ không thay đổi thì tổng sản lượng sẽ không thay đổi khiến cho năng suất lao động cận biên giảm dần.

Những người có đất giờ thay vì canh tác trên mảnh đất đó thì có thể cho người khác thuê, xuất hiện địa tô. Lao động mới bổ sung càng nhiều thì địa tô càng tăng khiến cho thu nhập của người lao động ngày càng giảm.

Kết cục cuối cùng theo lý thuyết này là dân số không ngừng sinh sôi sẽ khiến cho thu nhập họ có được không bù đắp nổi mức sống tối thiểu nhất dẫn tới chết sớm, cướp bóc. Nói chung là rất u ám.

5. Lý thuyết tăng trưởng của trường phái Keynes (Mô hình Harrod-Domar)

Adam Smith dựa vào lý thuyết bàn tay vô hình, mọi thành phần trong nền kinh tế đều muốn thu được lợi ích cao nhất vì vậy họ sẽ hành xử thông minh nhất. Học thuyết Keynes thì coi trọng vai trò điều tiết của chính phủ.

Năm 1940 nhà kinh tế học Anh là Harrod và nhà kinh tế học Mỹ là Domar đã độc lập công bố mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn.

Logic của lý thuyết này là trong thu nhập của một quốc gia (cũng như một cá nhân) bao gồm hai khoản là tiết kiệm (để đầu tư) và tiêu dùng. Đầu tư thì sẽ mang lại thu nhập trong tương lai trong khi tiêu dùng thì tiêu xong rồi thôi. Vì vậy tỷ lệ tiết kiệm càng lớn thì tăng trưởng càng nhanh.

Một chính phủ nên sử dụng tiền thuế vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá, xây dựng hệ thống thủy lợi, các nhà máy phát điện,….

6. Các mô hình tăng trưởng nội sinh

Trong các mô hình tăng trưởng trình bày ở trên, yếu tố lao động hay rộng hơn là yếu tố con người và tiến bộ công nghệ được xem là ngoại sinh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lại cho rằng các yếu tố này trong thực tế có thể là nội sinh. Các mô hình tăng trưởng nội sinh có thể kể đến bao gồm:

  1. Mô hình học hỏi (Learning-by-doing model) của Kenneth J.Arrow (1962)
  2. Mô hình R&D (Research and Development Model)
  3. Mô hình Mankiw-Romer-Weil
  4. Mô hình AK
  5. Mô hình “ Học hay làm” (Learning-or-doing model)

Mặc dù các mô hình tăng trưởng nội sinh vẫn đề cao vai trò của tiết kiệm đối với tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng các kết luận của mô hình này có nhiều điểm trái ngược với mô hình của Solow. Đặc biệt là ở chỗ mô hình này cho thấy không có xu hướng các nước nghèo (ít vốn) có thể đuổi kịp các nước giàu về mức thu nhập bình quân, cho dù có cùng tỷ lệ tiết kiệm. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự chênh lệch không chỉ là vốn vật chất, mà quan trọng hơn là vốn con người. Bởi vì tốc độ tăng trưởng là nội sinh, mô hình chỉ ra một con đường thoát khỏi nghèo đói: một nước đầu tư nhiều vào nguồn nhân lực hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Như vậy, các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế đã chỉ rõ các yếu tố của tăng trưởng kinh tế. Động lực phát triển kinh tế được kết hợp từ bốn yếu tố của tăng trưởng là nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, tư bản và công nghệ. Bốn nhân tố này khác nhau ở mỗi quốc gia và cách phối hợp giữa chúng cũng khác nhau tạo nên kết quả tương ứng là khác nhau ở mỗi nước. Tuy nhiên có thể nói, trong bốn yếu tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế thì nhóm các yếu tố liên quan đến con người (nguồn nhân lực) có vai trò quyết định. Những yếu tố thể hiện nguồn lực này là khả năng cung lao động với quy mô và chất lượng lao động, cách thức phân công lao động trong hoạt động kinh tế – hay là cơ cấu cầu lao động là những yếu tố tác động đến phát triển kinh tế. Chất lượng đầu vào của lao động thể hiện qua kỹ năng, kiến thức và kỷ luật của đội ngũ lao động là yếu tố quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các yếu tố khác như tư bản, nguyên vật liệu, công nghệ đều có thể mua hoặc vay mượn, nhưng nguồn nhân lực khó có thể làm tương tự. Các yếu tố như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hay công nghệ sản xuất chỉ có thể phát huy được tối đa hiệu quả bởi đội ngũ lao động có trình độ, có sức khỏe và kỷ luật lao động tốt. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới đã cho thấy ngay cả những nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh (như Đức sau thế chiến thứ II) và nghèo nàn về tài nguyên (như Nhật Bản) vẫn có thể phục hồi và phát triển kinh tế một cách ngoạn mục nhờ có được nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng.

Các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *