Chất lượng thể chế
Chất lượng thể chế
Theo Schneider (1999) định nghĩa chất lượng thể chế công như là việc thi hành thẩm quyền hoặc kiểm soát để quản lý hoạt động và tài nguyên của một quốc gia. Có nhiều tiêu chí đánh giá chất lượng thể chế. Theo World Bank, có 6 tiêu chí được áp dụng để đánh giá chất lượng thể chế: tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của chính quyền; ổn định chính trị; hiệu quả của chính quyền; chất lượng thực thi chính sách; tuân thủ luật pháp; và, khả năng kiểm soát tham nhũng.
Các nghiên cứu khác đã sử dụng các chỉ số khác nhau để đo lường chất lượng thể chế. La Porta (1999) đo lường hiệu suất hoạt động của chính phủ bằng cách sử dụng các chỉ số của chính phủ can thiệp vào thị trường, trong đó bao gồm các chỉ số quyền tài sản (mức độ pháp luật bảo vệ tài sản cá nhân) và chỉ số điều lệ thương nghiệp (quy định liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp và duy trì hoạt động của nó).
Xem thêm: Tổng quan về thể chế
Saha & Gounder (2013) và Heckelman & Powell (2010) cho rằng khung thể chế bao gồm thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Trong đó, thể chế chính trị được đại diện bằng nền dân chủ của quốc gia và thể chế kinh tế được đại diện bằng tự do kinh tế. Các tác giả này đã sử dụng biến tự do kinh tế (Economic Freedom) của EFW (the economic freedom of the world) đại diện cho thể chế kinh tế và kết quả cho thấy mức độ tự do kinh tế tác động làm giảm tham nhũng cho tất cả các trường hợp. Barro (1996a) tiến hành nghiên cứu thực nghiệm xuyên quốc gia trên các yếu tố quyết định tăng trưởng. Tác giả sử dụng chỉ số mức độ dân chủ được lấy từ Freedom House đại diện cho yếu tố thể chế chính trị.
Như vậy, chất lượng thể chế là một khái niệm đa chiều và việc đo lường nó còn phụ thuộc vào cách tiếp cận cũng như quan điểm của nhà nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, dựa trên bài nghiên cứu của Saha & Gounder (2013) và Heckelman & Powell (2010), tác giả tiếp cận chất lượng thể chế bao gồm chất lượng thể chế chính trị được đại diện bởi chỉ số mức độ dân chủ và chất lượng thể chế kinh tế được đại diện bởi chỉ số tự do kinh tế.