Khái niệm về chính sách và chính sách công
Khái niệm về chính sách và chính sách công
Các chính sách có thể được đề ra và thực hiện ở những tầng nấc khác nhau, từ các tổ chức quốc tế đến từng quốc gia, từ nhà nước đến các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp,..nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cho mỗi tổ chức đó và chúng chỉ có hiệu lực thi hành trong tổ chức đó.
Từ điển bách khoa Việt Nam đã đưa ra khái niệm về chính sách như sau: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa…”
Theo James Anderson: “Chính sách là một quá trình hành động có mục đích theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm”.
Như vậy, có thể hiểu: Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình
Khái niệm Chính sách công:
Những chính sách do các cơ quan hay các cấp chính quyền trong bộ máy nhà nước ban hành nhằm giải quyết những vấn đề có tính cộng đồng được gọi là chính sách công. Cho đến nay có nhiều quan điểm về khái niệm này:
William Jenkin cho rằng: “Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và các giải pháp để đạt được các mục tiêu đó”. Theo quan điểm của Wiliam N. Dunn thì: “Chính sách công là một kết hợp phức tạp những sự lựa chọn liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các quan chức nhà nước đề ra”. Còn Peter Aucoin lại khảng định: “Chính sách công bao gồm các hoạt động thực tế do Chính phủ tiến hành”, B. Guy Peter đưa ra định nghĩa: “Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân”,…
Xem thêm: Khái niệm về chính sách công
Giáo trình chính sách kinh tế – xã hội, các tác giả đưa ra định nghĩa: “Chính sách kinh tế -xã hội là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các đối tượng và khách thể quản lý nhằm giải quyết vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của xã hội”.
Những đặc trưng trong mỗi luận cứ của mối tác giải phản ánh chính sách công từ các góc độ khác nhau, song đều hàm chứa những nội dung thể hiện bản chất của chính sách công, có thể tóm lược một số đặc trung của chính sách công như sau:
– Có một cấp thẩm quyền ban hành
– Mang lợi ích công
– Mọi người đều có quyền tiếp cận (công khai, minh bạch)
– Nhìn chung là bắt buộc thi hành (tuy nhiên cũng có những hình thức không mang tính bắt buộc, thường là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ)
– Thường thể hiện dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến nhau và mang tính hành động, tập trung giải quyết một vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế – xã hội theo những mục tiêu xác định.
Như vậy : “Chính sách công là thuật ngữ dùng để chỉ một chuỗi các quyết định hoạt động của nhà nước nhằm giải quyết một vấn đề chung đang đặt ra trong đời sống kinh tế – xã hội theo mục tiêu xác định”.
Ở Việt Nam, thuật ngữ chính sách công còn mới mẻ, thông thường chúng ta quen dùng cụm từ đồng nghĩa: Chính sách của nhà nước hoặc chính sách của Đảng và Nhà nước, vì ở nước ta, Đảng Cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua việc vạch ra đường lối, chiến lược, các định hướng chính sách, đó chính là những căn cứ chỉ đạo để Nhà nước ban hành các chính sách công. Như vậy, về thực chất, các chính sách công là do Nhà ban hành nhưng các chính sách này chính là cụ thể hóa đường lối, chiến lược và các định hướng chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân ta. Từ góc độ chủ thể hoạch định chính sách giữa Đảng và Nhà nước mà có các thuật ngữ: Đường lối chính sách, Chủ trương chính sách, Cơ chế chính sách, Chế độ chính sách.