Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khi thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người ta thường tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:
1. Xác định đối tượng áp dụng
Về nguyên tắc, mọi người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu có nhu cầu đều được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu thực hiện được điều đó, đòi hỏi phải hoàn thiện cả về mặt chính sách và tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời phải có sự bảo trợ của Nhà nước. Khi đó thực hiện được sự công bằng, bình đẳng giữa 2 loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện và chính sách ASXH của quốc gia được bảo đảm. Tuy nhiên, hầu hết các nước khi mới triển khai đều thực hiện theo cách tiếp cận dần dần từng bước và sau đó mở rộng đối tượng tham gia trong hệ thống BHXH tự nguyện. Việc xác định phạm vi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, các nước đều phải cân nhắc kỹ lưỡng và dựa trên những căn cứ chủ yếu là: Thu nhập của người lao động, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trình độ quản lý của Nhà nước về lĩnh vực BHXH tự nguyện và các điều kiện khác như: Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, lao động, việc làm, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, mùa vụ, thiên tai…Trong đó, yếu tố thu nhập của người lao động đóng vai trò quyết định. Nếu người lao động có thu nhập trên mức sống trung bình của dân cư ở khu vực đó, họ có khả năng tích lũy tài chính thì họ sẽ có khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Ngược lại, người lao động có mức sống trung bình hoặc dưới trung bình, thì khả năng tham gia BHXH tự nguyện là rất khó khăn vì họ không có khả năng tích lũy tài chính để tham gia, nhóm người này cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về việc đóng phí. Do đó, việc xác định phạm vi đối tượng tham gia là rất quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành từng bước và có lộ trình, trong đó phải xác định nhóm đối tượng tham gia theo thứ tự ưu tiên, không nên tiến hành tràn lan theo kiểu phong trào. Do vậy, nếu đối tượng tham gia được lựa chọn phù hợp với từng thời kỳ và triển khai có hiệu quả sẽ nhanh chóng mở rộng diện bao phủ của BHXH tự nguyện.
2. Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện thực chất là một loại hình của BHXH, bởi vậy về bản chất BHXH tự nguyện cũng có những nội dung cơ bản của BHXH theo quy định tại Công ước 102 của ILO quy định quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội. Theo đó, BHXH tự nguyện cũng có thể bao gồm tất cả 9 chế độ như trong Công ước. Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo không bắt buộc các quốc gia phải thực hiện đầy đủ cả 9 chế độ mà chỉ khuyến khích các nước thành viên thực hiện ít nhất 3 chế độ, trong đó ít nhất phải có một trong các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tàn tật và trợ cấp tử tuất.
Việc lựa chọn chế độ nào để áp dụng là nội dung rất quan trọng khi thiết kế chính sách BHXH tự nguyện, vì nó phụ thuộc vào thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia trong mỗi thời kỳ. Cũng có quốc gia thực hiện ngay một lúc nhiều chế độ, nhưng cũng có quốc gia chỉ thực hiện 1 đến 2 chế độ, sau đó mở rộng dần các chế độ. Trong đó, chế độ hưu trí được nhiều quốc gia thực hiện, vì nó đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của đông đảo người lao động, nhất là lao động tự do, những người nông dân…Việc đóng góp BHXH hưu trí mang tính hoàn lại, tức có đóng có hưởng, nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động khi về hưu, giúp họ tự an sinh giảm bớt sự phụ thuộc vào con cái và người thân trong gia đình; khi về già, thu nhập của những người lao động là nông dân, lao động tự do… hầu như bị giảm hoặc mất toàn bộ. Vì khi còn trẻ, họ phải lo cho con cái và thu nhập lại thấp nên khả năng tích lũy tài chính là rất khó khăn; tuổi thọ bình quân của người lao động có xu hướng ngày càng tăng cao, do trình độ chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn. Do đó, việc chăm lo đời sống của những người già đang là mối quan tâm của từng nước nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài chế độ hưu trí, các chế độ như tử tuất, tàn phế…cũng được nhiều nước triển khai khi thực hiện BHXH tự nguyện.
Trong mỗi chế độ, cần phải xác định rõ nội dung, đảm bảo tính chặt chẽ, tránh lạm dụng, nhưng đồng thời không làm tổn hại tới vật chất và tinh thần của các bên tham gia, đặc biệt là người thụ hưởng BHXH tự nguyện. Ngoài ra, cũng phải phù hợp với quy định của Công ước Quốc tế khi xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội. Nội dung chế độ BHXH tự nguyện phải xác định rõ: Đối tượng được hưởng thụ, điều kiện được hưởng, thời gian hưởng và mức hưởng. Cơ sở để thiết kế nội dung này phải dựa vào điều kiện kinh tế – xã hội và điều kiện sinh học của người lao động ở từng quốc gia.
Xem thêm: Khái niệm bảo hiểm xã hội tự nguyện
3. Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Có thể nói, để bảo hiểm xã hội tự nguyện tồn tại và phát triển, đem lại lợi ích tốt nhất cho người lao động tham gia thì phải có một quỹ tài chính đủ lớn và bền vững. Và đây là cơ sở quan trọng để BHXH tự nguyện hoạt động một cách an toàn và hiệu quả. Nếu quỹ càng lớn mạnh thì hệ thống BHXH tự nguyện hoạt động càng dễ dàng và ngược lại. Quỹ BHXH tự nguyện liên quan đến: Mức đóng, phương thức đóng, nguồn hình thành, mục đích sử dụng, quản lý quỹ và sự bảo trợ của Nhà nước.
a) Mức đóng: Thông thường mức đóng được tính theo tỷ lệ phần trăm mức thu nhập tháng người tham gia lựa chọ Như vậy, khi xác định mức đóng, sẽ phụ thuộc vào mức thu nhập tháng người lao động lựa chọn và tỷ lệ phần trăm đóng. Việc xác định mức đóng phí là rất quan trọng, vì nó liên quan tới khả năng tài chính của người tham gia. Nếu quy định mức đóng phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người lao động, sẽ khuyến khích người lao động tham gia. Để xác định mức đóng phí phải căn cứ vào thu nhập của người lao động. Vì đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động làm việc ở các ngành nghề, khu vực khác nhau, công việc bấp bênh, thu nhập thấp và không ổn định. Vì vậy, việc quy định mức đóng không phải là điều dễ dàng. Trên thực tế, khi xây dựng mức đóng, các nước thường quy định hạn mức tối thiểu và tối đa mức thu nhập hằng tháng mà người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện và mức đóng sẽ thay đổi trong từng thời kỳ phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng thường quy định mức thu nhập hằng tháng mà người tham gia lựa chọn không thấp hơn mức lương tối thiểu hoặc mức sống trung bình của dân cư ở từng khu vực khác nhau, để khi được hưởng trợ cấp BHXH cũng có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu, tránh thu nhập bị hụt hẫng quá lớn.
b)Phương thức đóng: Là quy định về cách thức đóng phí của người tham gia. Nếu phương thức đóng phí dễ dàng, thuận tiện sẽ khuyến khích người lao động tham gia. Vì đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thường sinh sống, làm việc phân tán ở nhiều nơi, thu nhập khác nhau và không ổn định, nên việc quy định phương thức đóng phí phải linh hoạt và đa dạng để người tham gia lựa chọn. Chẳng hạn, lao động trong nông nghiệp thường có tính thời vụ, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên (có vụ được mùa, có vụ lại mất mùa), cho nên không nhất thiết phải đóng BHXH tự nguyện theo từng tháng, quý hoặc 6 tháng một lần, mà có thể mở rộng ra đóng 1 năm hoặc 2 năm một lần hoặc đóng khi nào có thu nhập cho phù hợp với khả năng tạo ra thu nhập của người lao động. Ngoài ra, địa điểm thu phí cũng cần phải linh hoạt, không nên cứng nhắc thu tập trung ở một địa điểm, mà nên tổ chức thu ở nhiều địa điểm khác nhau và đa dạng hóa về hình thức nộp để thuận tiện cho người tham gia đóng phí. Ví dụ, những lao động tự do công việc của họ thường không cố định mà hay di chuyển nhiều nơi khác nhau, nên có nhiều địa điểm thu phí sẽ phù hợp cho đối tượng này.
c) Nguồn hình thành quỹ: Xác định nguồn hình thành quỹ là rất cần thiết vì nó liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia, đồng thời còn thể hiện trách nhiệm của cộng đồng và xã hội đối với chính sách BHXH tự nguyệ Nếu xác định nguồn hình thành quỹ hợp lý, tạo cho quỹ ngày càng bền vững và phát triển thì đây là cơ sở quan trọng để BHXH tồn tại và phát triển. Sự đóng góp của các bên phụ thuộc vào chính sách BHXH, vào điều kiện kinh tế – xã hội và việc thiết kế các chế độ. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, quỹ BHXH tự nguyện thường được hình thành từ nhiều nguồn gồm: Người tham gia đóng góp, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước khi cần thiết và các nguồn thu nhập hợp pháp khác, như: Đầu tư quỹ nhàn rỗi, các tổ chức, cá nhân ủng hộ…Trong các nguồn trên thì nguồn đóng góp của người tham gia là thường xuyên và chủ yếu.
d) Mục đích sử dụng quỹ: Quỹ BHXH tự nguyện được lập ra nhằm các mục đích:
– Chi trả trợ cấp các chế độ BHXH: Đây là mục đích chính. Tuy nhiên, xét theo thời hạn, có các loại chi: Trợ cấp ngắn hạn, dùng để chi cho các chế độ ngắn hạn, như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp… Chi trợ cấp dài hạn, dùng để chi trả cho các chế độ dài hạn, như: Hưu trí, tử tuất.
Các mức trợ cấp này được xác định phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức đóng, thời gian đóng, điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi nước trong những giai đoạn nhất định và được pháp luật quy định.
– Chi quản lý: Đây là khoản chi cho các hoạt động thường xuyên của tổ chức BHXH tự nguyện như chi lương cho đội ngũ làm công tác BHXH tự nguyện trong toàn hệ thống, chi phí hành chính…
– Chi đầu tư: Khoản chi này đảm bảo cho hoạt động đầu tư quỹ nhàn rỗi của BHXH tự nguyện được diễn ra thường xuyên và đạt hiệu quả cao.
– Chi dự phòng: Đây là khoản dự trữ có thể phát sinh trong năm ngoài dự kiến.
– Những chi phí khác có liên quan đến hoạt động BHXH tự nguyện.
e) Quy định về công tác quản lý quỹ
Nội dung này thường quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý quỹ, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quỹ BHXH tự nguyện.
f) Sự bảo trợ của Nhà nước: So với BHXH bắt buộc, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động có vị thế xã hội yếu hơn và họ dễ bị tổn thương khi gặp rủi ro, bất hạnh trong cuộc số Do vậy, khi triển khai chính sách BHXH tự nguyện cần phải có sự bảo trợ của Nhà nước. Nội dung bảo trợ của Nhà nước bao gồm: Bảo đảm giá trị của quỹ BHXH tự nguyện trong tài khoản tại ngân hàng để duy trì ổn định khả năng chi trả cho các đối tượng hưởng BHXH tự nguyện; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các khoản trợ cấp BHXH tự nguyện cho các đối tượng thụ hưởng trước những biến động kinh tế – xã hội và chính trị; bảo hộ cho quỹ BHXH tự nguyện trong các hoạt động đầu tư sinh lời. Nhà nước ưu tiên cho quỹ BHXH tự nguyện được đầu tư phần quỹ nhàn rỗi vào những lĩnh vực có độ an toàn cao, rủi ro thấp nhất và thuận lợi khi thu hồi vốn để kịp thời đáp ứng các khoản chi BHXH tự nguyện khi có nhu cầu lớn; không đánh thuế hoặc đánh thuế thấp đối với các dự án đầu tư của quỹ BHXH tự nguyện; hỗ trợ về tài chính cho quỹ BHXH tự nguyện khi cần thiết.
4. Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện
Quản lý của nhà nước nhằm mục đích đảm bảo đúng quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, định hướng cho hệ thống BHXH tự nguyện hoạt động an toàn, hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Quản lý nhà nước về BHXH tự nguyện được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
– Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện: Để phát triển được hệ thống BHXH tự nguyện thì điều trước tiên và quan trọng nhất là Nhà nước phải xây dựng chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với thực tiễn, khi đó việc thực thi chính sách BHXH tự nguyện mới dễ dàng và có hiệu quả. Do vậy, một trong những nhiệm vụ cơ bản của quản lý nhà nước về BHXH tự nguyện là công tác xây dựng các văn bản pháp luật về BHXH tự nguyện. Nhà nước thông qua cơ quan chức năng của mình (tùy theo mô hình quản lý nhà nước của mỗi nước) xây dựng các văn bản pháp luật về BHXH tự nguyện bao gồm các luật, các văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư…) nhằm tổ chức thực hiện BHXH tự nguyện thống nhất trong phạm vi quốc gia. Vì vậy, xây dựng pháp luật BHXH tự nguyện có thể coi là chức năng quan trọng nhất của quản lý nhà nước về BHXH tự nguyện.
– Định hướng các hoạt động BHXH tự nguyện: Chính sách BHXH tự nguyện định hướng cho các hoạt động BHXH tự nguyện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bao gồm: Định hướng chính sách và tài chính BHXH tự nguyện. Về định hướng chính sách, BHXH tự nguyện là một chính sách mở cả về nội dung và phương thức thực hiện. Không phải ngay từ đầu mà nội dung các chế độ BHXH tự nguyện đã hoàn thiện, mà cùng với thời gian, tùy vào những điều kiện từng thời kỳ, các nội dung này sẽ được bổ sung dần. Tuy nhiên, thời gian và nội dung sửa đổi, bổ sung đều phải cân nhắc đến tất cả các yếu tố kinh tế, xã hội và chính trị. Vì vậy, Nhà nước luôn xem xét, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách BHXH tự nguyện cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Với vai trò định hướng tài chính, tài chính BHXH tự nguyện là một trong những hoạt động cơ bản của BHXH tự nguyện. Tài chính BHXH tự nguyện bao gồm các hoạt động thu, chi và đầu tư phát triển quỹ. Để hoạt động này có hiệu quả, phục vụ cho các đối tượng thụ hưởng BHXH tự nguyện, Nhà nước trực tiếp quy định về mức đóng, mức hưởng BHXH tự nguyện; quy định về quản lý quỹ…Ngoài ra, với vai trò là người quản lý xã hội, Nhà nước định hướng đầu tư để tăng trưởng quỹ. Lĩnh vực đầu tư phải sinh lợi nhưng đồng thời có độ an toàn cao, thậm chí được bảo hộ để tránh rủi ro.
-Thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động sự nghiệp bảo hiểm xã hội tự nguyện: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết nhằm đảm bảo cho các bên liên quan thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra gồm: Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách; các hoạt động tài chính của các cơ quan BHXH tự nguyện và giải quyết các khiếu nại, tranh chấp BHXH tự nguyện.
– Bảo hộ và bảo trợ cho các hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện: Khác với các loại hình bảo hiểm khác, bảo hiểm xã hội dù hoạt động theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện cũng đều nhằm bảo đảm ASXH. Vì vậy, Nhà nước luôn bảo hộ và bảo trợ cho các hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện, đề ra những biện pháp tránh cho bảo hiểm xã hội tự nguyện không bị ảnh hưởng trước những biến động về kinh tế và xã hội, đặc biệt là những biến động về tài chính.