Đặc điểm của bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đặc điểm của bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một bộ phận của chính sách BHXH, do đó về cơ bản nó có những đặc điểm của BHXH nói chung. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có những đặc điểm riêng:
– Việc tham gia hay không tham gia là hoàn toàn tự nguyện. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. So với BHXH bắt buộc, cơ chế hoạt động của BHXH tự nguyện linh hoạt và mềm dẻo hơn.
– Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thường không phải là người có quan hệ lao động (làm việc trong khu vực chính thức), mà là những người lao động PCT, nông dân…Những người này thường chiếm tỷ trọng lớn trong LLLĐ xã hội, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển (như ở Việt Nam hiện nay). Họ thường có trình độ học vấn và năng lực chuyên môn thấp, việc làm bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp…Do vậy, để những đối tượng này tiếp cận được với chính sách BHXH tự nguyện, thì Nhà nước cần phải xây dựng chính sách phù hợp, đặc biệt cần có sự hỗ trợ một phần phí BHXH cho các đối tượng tham gia, nhất là trong những giai đoạn đầu triển khai.
– Nguồn tài chính để hình thành quỹ BHXH tự nguyện chủ yếu do người lao động đóng góp. Những người này thường có thu nhập thấp và số người ban đầu tham gia chưa nhiều, cho nên quỹ thường bị hạn hẹp. Để có nguồn quỹ đáp ứng được yêu cầu hoạt động, cần phải có nhiều biện pháp tích cực, như: Hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt, giải thích cặn kẽ đầy đủ để vận động các tổ chức kinh tế, xã hội, cá nhân hảo tâm ủng hộ quỹ, các nguồn tài trợ khác và sự đóng góp và bảo trợ của Nhà nước cho quỹ khi cần thiết.
– Bảo hiểm xã hội tự nguyện thường chỉ được triển khai với một số chế độ nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của các đối tượng tham gia. Để lựa chọn những chế độ phù hợp khi triển khai, các nước đều tiến hành điều tra nhu cầu thực tế từ chính các đối tượng hướng tới và có tính đến khả năng hỗ trợ của Nhà nước. Đây là đặc điểm rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng và ban hành chính sách BHXH tự nguyện.
– Bảo hiểm xã hội tự nguyện thường được triển khai sau BHXH bắt buộc. Vì người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thường là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước (những người làm công, hưởng lương). Những đối tượng này có trình độ học vấn và dân trí cao; công việc và thu nhập ổn định nên có điều kiện tham gia dễ dàng hơn. Do đó, trong thời kỳ đầu triển khai bảo hiểm xã hội các nước thường áp dụng cho những đối tượng này trước và dưới hình thức bắt buộc. Sau đó mới mở rộng đối tượng tham gia cho các nhóm lao động khác trong xã hội dưới hình thức BHXH tự nguyện.