Quản trịTin chuyên ngành

Các vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam

Các vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam

Giáo dục đại học Việt Nam kể từ nhiều thập kỷ trên ngày càng trượt dốc so với sự ổn định của các nước láng giềng. Hoàng Tụy đã không mệt mỏi nói lên mối quan tâm bức thiết của mình, cũng như đưa ra biết bao những đề nghị cải tiến dù biết rằng chúng hoàn toàn có thể không được ghi nhận

Để xây dựng các đại học lớn của ta thành đại học nghiên cứu có chất lượng có ba vấn đề cần giải quyết cấp bách: cải thiện chất lượng đầu vào; thay đổi phương thức đào tạo; tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học.

Ba vấn đề ấy mang tính đặc thù riêng của đại học Việt Nam trong giai đoạn này. Đương nhiên ngoài ra còn nhiều vấn đề lớn khác nữa song xin không bàn tới ở đây.

1. Cải thiện chất lượng đầu vào. Một tiêu chí hàng đầu để đánh giá một đại học là chất lượng sinh viên ra trường. Nhưng đầu ra phụ thuộc rất nhiều đầu vào. Nếu đại học không lấy vào được sinh viên có trình độ và chất lượng đúng yêu cầu thì cũng giống như nhà máy không nhập được nguyên liệu đúng chuẩn, dù cố gắng kỳ công sản phẩm vẫn tồi.

Đầu vào cho đại học lại phụ thuộc hai yếu tố: chất lượng trung học phổ thông và cách tuyển sinh. Nhưng với cách tổ chức trung học phổ thông và cách tuyển sinh như hiện nay thì chất lượng sinh viên lấy vào các đại học hàng đầu, ở những ngành không “thời thượng” thường không cao. Không kể hai đại học Việt-Đức và Việt-Pháp vừa qua chỉ tuyển được sinh viên trình độ yếu có thể là do tình hình đặc biệt, ngay các đại học quôc gia cũng không dễ thu hút được sinh viên giỏi vào những ngành rất cần thiết nhưng chưa được ưa chuộng theo xu hướng tâm lý trong xã hội hiện nay.

Giáo dục trung học phổ thông của ta có hai lãng phí lớn: một là học sinh học hết THCS phần lớn đổ xô học tiếp lên THPT, chỉ một số nhỏ vào các trường trung cấp kỹ thuật hay kinh tế, văn hoá; hai là chương trình THPT mang tính đồng loạt, rất ít chủ ý đến năng khiếu sở thích (ngay cả các trường chuyên cũng chuyên rất hạn chế mà có khi chuyên lệch). Cho nên học sinh THPT học rất nặng, vì mỗi học sinh đều phải học nặng nhiều môn họ không cần, lại không được chuẩn bị kỹ về những hướng sau này họ cần khi lên đại học hoặc nếu phải ra đời, tìm việc làm sau 12 năm đèn sách. Cách thi cử để dồn hết vào kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh khiến thi tốt nghiệp và tuyển sinh quá nặng nề, trở thành một khổ dịch làm kiệt sức học sinh mà hiệu quả rất kém. Cách học THPT lạc hậu đó đương nhiên tiếp tục di hại ảnh hưởng ở đại học, khiến đa số sinh viên cũng sẵn sàng cùng thầy giáo tiếp nhận đại học như một kiểu trung học cấp 4. Điều đó giải thích vì sao sinh viên ta khi du học thường học khá, giỏi một vài năm đầu nhưng sau đó đuối sức khi đòi hỏi độc lập và sáng tạo nhiều hơn.

Vì vậy muốn cải thiện chất lượng đầu vào cho đại học thì cần sớm cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục sau THCS, đặc biệt là THPT.

>>> Xem thêm : Thực trạng chất lượng giáo dục Việt Nam

2. Thay đổi phương thức đào tạo. Trong hệ thống giáo dục Liên Xô cũ đại học thường được coi là nơi đào tạo chuyên sâu ngành nghề, không phải lo về văn hoá phổ quát. Chịu ảnh hưởng của quan niệm ấy, các đại học của ta, kể cả các trường gọi là “đại học tổng hợp” cũng đào tạo chuyên sâu theo từng ngành ngay từ năm thứ nhất. Sản phẩm của lối đào tạo thiển cận ấy là những chuyên gia với nhãn quan hẹp, chỉ thông thạo một lĩnh vực chuyên môn nhỏ, với những kiến thức, kỹ năng cũng mau chóng lạc hậu trong tình hình công nghệ biến hoá nhanh. Đối với những xã hội giàu truyền thống văn hoá khoa học như Nga nhược điểm đó dù sao cũng dễ khắc phục nhưng đối với một xã hội còn lạc hậu nhiều mặt như Việt Nam nó đã để lại dấu ấn khá đậm trong đời sống cộng đồng. Khi phần lớn quan chức nắm giữ chức vụ quan trọng đều được đào tạo kiểu ấy thì dễ hiểu có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện trình độ văn hoá phổ quát thấp vẫn có sức tồn tại lâu dài trong đời sống kinh tế xã hội, tác động dai dẳng đến môi trường, an toàn giao thông, sức khoẻ cộng đồng như đã thấy rõ thời gian qua.

Nhiều năm gần đây các đại học lớn của ta cũng được gọi là đa ngành, tuy thực chất chỉ là tập hợp hành chính nhiều đại học chuyên ngành. Về cơ bản phương thức đào tạo vẫn như cũ. Ngay cả phương thức đào tạo theo tín chỉ tuy đang dần dần thay thế phương thức theo niên chế nhưng cũng chưa phát huy tác dụng nhiều vì vẫn giữ kế hoạch học tập thống nhất, cứng nhắc, cho mọi sinh viên cùng một chuyên ngành và rất ít cơ hội cho sinh viên một chuyên ngành được dành thời gian thích đáng theo học và lấy tín chỉ về những chuyên ngành khác được tuỳ chọn theo sở thích. Cách đào tạo thiếu phóng khoáng thì sản phẩm cũng khó có được những trí tuệ phóng khoáng. Tôi hiểu ý tưởng của Humboldt: tự do học, tự do dạy là cũng theo tinh thần đó.

Xu hướng đào tạo uyển chuyển trong giáo dục đại học hiện đại là xuất phát từ tình trạng xâm nhập lẫn nhau ngày càng sâu rộng giữa các ngành tri thức, khiến hợp tác liên ngành trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để phát triển khoa học. Thành tựu khoa học kỳ vĩ nhất đầu thế kỷ 21 là giải mã bản đồ gen người sở dĩ đạt được là nhờ dựa vào sự tham gia trực tiếp của hàng nghìn nhà khoa học ở nhiều nước khác nhau, thuộc nhiều ngành chuyên môn khác nhau trên thế giới.

Đi ngược lại xu thế chung đó, điểm dở nhất của khoa học công nghệ của ta là thiếu hợp tác liên ngành. Điểm dở nhất của nhiều tri thức ta là tầm nhìn hạn hẹp, sinh ra cô độc, thiển cận và tư duy hời hợt, thiếu chiều sâu. Khắc phục các nhược điểm ấy cần một cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục, bắt đấu là thay đổi phương thức đào tạo ở đại học.

3. Tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học. Trong khi trên quốc tế thành tích nghiên cứu khoa học là tiêu chí hàng đầu để đánh giá các đại học thì ở nước ta từ lâu các đại học hầu như không quan tâm gì đến nghiên cứu khoa học. Chỉ mấy năm gần đây, do nhu cầu hội nhập thúc đẩy, nhận thức về vấn đề này mới có ít nhiều chuyển biến. Sau những thông tin thống kê cho thấy rõ sự tụt hậu nặng nề đến mức xấu hổ của các đại học Việt Nam so với các đại học Thái Lan, Malaysia, Singapore, chúng ta mới bắt đầu đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho các đại học. Nhưng thật đáng tiếc, cũng như mọi chuyện về chấn hưng giáo dục, khoa học ở xứ ta, nói nhiều, bàn nhiều, hô hào nhiều nhưng không làm, chỉ làm lấy lệ để báo cáo … thành tích. Nghiên cứu khoa học đã quá yếu mà lại còn đạo văn tràn lan gây tai tiếng lớn, ảnh hưởng tai hại đến hình ảnh đại học Viêt Nam trên thế giới. May thay giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu đã thổi một luồng gió mới vào bầu không khí ảm đạm đó. Hy vọng tới đây tình hình sẽ có biến chuyển tốt, với điều kiện nói và làm đi đôi và chúng ta bắt tay ngay vào việc cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để như lời hô hào của Thủ tướng trong buổi chào mừng GS Ngô Bảo Châu.

Hiện nay tuy mọi người đã nhất trí về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học ở đại học nhưng lại nảy ra những khác biệt quan niệm đang gây trở ngại không ít. Một số người đưa ra quan niệm dễ dãi về nghiên cứu khoa học, mở rộng khái niệm nghiên cứu khoa học đến cả những nghiên cứu theo nghĩa thông thường, mà trên thế giới không ai coi là nghiên cứu khoa học. Rồi lại có ý kiến cảnh báo chạy theo công bố quốc tế để đi nước ngoài, chạy theo nghiên cứu khoa học để sao nhãng giảng dạy, v.v. Thậm chí còn viện dẫn những tên tuổi tri thức lớn như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, …, để nói rằng chẳng cần có công bố quốc tế, chẳng cần có công trình nghiên cứu gì vẫn có thể là nhà khoa học lớn, v.v. Trong khi đó theo phản ảnh của báo chí tình hình “bận giảng dạy, quên nghiên cứu” vẫn còn trầm trọng ở ngay cả các đại học lớn nhất.

Bên cạnh xu hướng xem thường công bố quốc tế và thông tục hoá khái niệm nghiên cứu khoa học thì cũng bắt đầu nảy ra quan niệm cực đoan ngược lại, tuyệt đối hoá và vận dụng máy móc các chỉ số đánh giá định lượng về nghiên cứu khoa học gần đây đã được phổ biến trên quốc tế. Các chỉ số này cho những thông tin bổ ích có thể dùng làm tư liệu tham khảo quan trọng khi đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học ở những cộng đồng lớn, nhưng không thể có ý nghĩa tuyệt đối và thay thế hoàn toàn sự đánh giá của chuyên gia am hiểu khi đánh giá từng cá nhân riêng lẻ. Cũng giống như các kết quả xét nghiệm tuy rất cần thiết cho bác sĩ khi chẩn đoán, chữa trị, nhưng không thể thay thế hẳn bác sĩ. Sử dụng máy móc các chỉ số định lượng có thể gây ra những xu hướng không lành mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho nghiên cứu khoa học ở các đại học (và các viện nghiên cứu) là không khí thiếu tự do học thuật (nhất là trong khoa học xã hội) và áp lực kiếm thêm thu nhập ngoài lương không cho phép các nhà khoa học nghĩ tới nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Không ít nhà khoa học vốn có khả năng và tâm huyết nhưng vì nhu cầu cuộc sống đành phải ngậm ngùi chia tay với khoa học, dạy thêm rất nhiều giờ, làm đủ thứ việc không sở trường, có khi còn trái với lương tâm, để kiếm sống. Tôi nghĩ họ chỉ đáng trách một phần. Đáng trách hơn là thái độ vô trách nhiệm của cơ quan quản lý, lãnh đạo, tuy hàng chục năm nay đã xác định giáo dục khoa học là quốc sách hàng đầu mà vẫn thản nhiên trước tình trạng thầy giáo, nhà khoa học không sống nổi với đồng lương còm đến kỳ quặc, còn nói chi nghiên cứu khoa học hay giảng dạy cho tử tế. Một vài chủ trương gượng gạo để tăng thu nhập cho thầy giáo đại học không những không giải quyết vấn đề một cách cơ bản mà còn có nguy cơ gây rối loạn và bất công trong một môi trường cần trật tự và công bằng. Không giải quyết ổn thoả cái nghịch lý lương/thu nhập này mà để nó tự phát chi phối đời sống đại học thì coi như gác lại vô thời hạn cái mục tiêu sang trọng tiến lên đẳng cấp quốc tế vào năm nọ năm kia trong vài thập kỷ tới.

Các vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *