Kinh tếQuản lý côngTin chuyên ngành

Đầu tư công là gì? Khái niệm đầu tư công

Đầu tư công là gì? Khái niệm đầu tư công là gì? Sau đây, Luận Án Tiến Sĩ Groups sẽ gửi cho bạn định nghĩa về đầu tư công trong bài viết này

Hiện nay, trong nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đều chưa có sự thống nhất về khái niệm ĐTC và còn đang tồn tại một số quan niệm như sau:

Theo quan niệm về sở hữu vốn, Nguyễn Minh Phong (2012) cho rằng đầu tư công được coi là đầu tư của khu vực Nhà nước hay mọi hoạt động đầu tư sử dụng nguồn lực của nhà nước đều được gọi là ĐTC. Vốn ĐTC bao gồm nguồn NS của Chính phủ, của CQĐP, đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư qua kênh ngân hàng phát triển và kể cả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Quan điểm tài chính công cho rằng đầu tư công là hoạt động của chi tiêu công nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất của nền kinh tế, giúp làm tăng thêm tích lũy vốn vật chất. Chủ thể thực hiện ĐTC là CQTW, CQĐP và các công ty thuộc khu vực công. Đối tượng hướng tới của ĐTC là các chương trình, DA cơ sở hạ tầng vật chất. IMF (2012) đồng tình cho rằng ĐTC là toàn bộ chi tiêu của khu vực công, nhưng không bao gồm chi tiêu của các doanh nghiệp nhà nước để hình thành nên các tài sản cố định bởi một trong những đặc trưng của ĐTC đó là khả năng “hoàn trả”.

Quan niệm của lý thuyết vô vị lợi lại nhấn mạnh đến mục đích của ĐTC khi cho rằng ĐTC là đầu tư hướng tới mục tiêu KT – XH, không vì mục tiêu lợi nhuận hay có tính chất phi lợi nhuận trong hoạt động đầu tư (UN, 2010). ĐTC luôn gắn với chủ thể là nhà nước, phục vụ chức năng chủ yếu của nhà nước là cung cấp hàng hóa công cộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện phúc lợi xã hội. Nói cách khác, ĐTC là hoạt động đầu tư không vì mục đích lợi nhuận trên cơ sở tổng hợp các nguồn lực của xã hội.

Theo quan điểm kết hợp giữa sở hữu vốn và tính vô vị lợi, ĐTC là việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào các chương trình, DA không vì mục tiêu lợi nhuận và (hoặc) không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp (Từ Quang Phương, 2013).

Xem thêm: Khái niệm phân cấp quản lý đầu tư công của chính quyền địa phương

Tại Việt Nam, Luật ĐTC năm 2014 cũng đưa ra khái niệm ĐTC theo quan điểm kết hợp giữa sở hữu vốn và tính vô vị lợi. Theo đó, ĐTC là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, DA xây dựng kết cấu hạ tầng KT – XH và đầu tư vào các chương trình, DA phát triển KT – XH. DA ĐTC là DA sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ĐTC. Vốn ĐTC quy định tại Luật này gồm: vốn NSNN, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu CQĐP, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, các khoản vốn vay khác của NSĐP để đầu tư. Luật ĐTC năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) đã thống nhất quy định khái niệm về vốn ĐTC để phù hợp với quy định tại Luật NSNN. Cụ thể, vốn ĐTC bao gồm: Vốn NSNN; Vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tuy được tiếp cận trên nhiều góc độ khác nhau, nhưng các quan niệm về ĐTC nói trên đều có những điểm chung, thống nhất như sau: ĐTC là hoạt động đầu tư do nhà nước chủ trì để thực hiện các chương trình, DA phát triển KT – XH trên cơ sở sử dụng nguồn vốn do nhà nước quản lý. Nội hàm của ĐTC bao gồm:

Thứ nhất, đầu tư công do nhà nước chủ trì. ĐTC do nhà nước chủ trì được hiểu là nhà nước thay mặt chủ sở hữu ĐTC (người dân) để quản lý ĐTC. Nhà nước quản lý ĐTC thông qua CQTW và CQĐP

Thứ hai, nguồn vốn đầu tư công. Về cơ bản, vốn ĐTC là một bộ phận cơ bản của vốn nói chung, trên phương diện kinh tế, là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ những chi phí bỏ ra để tạo ra năng lực sản xuất. Vốn ĐTC theo quan niệm nói trên là nguồn vốn ĐTC do nhà nước quản lý, bao gồm nguồn vốn của nhà nước từ NSNN (NSTW, NSĐP), vốn huy động của nhà nước từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu CQĐP và các nguồn vốn khác của nhà nước, trừ vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, đầu tư công hướng tới mục tiêu phát triển KT – XH. ĐTC do nhà nước chủ trì hướng tới xây dựng những chương trình, DA mang tính chất công nhằm khắc phục những thất bại thị trường và hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Nguồn: Luận án Quản lý kinh tế “Phân cấp quản lý đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *