Khái niệm Ngân sách nhà nước
Khái niệm Ngân sách nhà nước
Trong hệ thống tài chính, Ngân sách nhà nước là bộ phận chủ đạo, là điều kiện vật chất quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước do hiến pháp quy định, nó còn là công cụ quan trọng của Nhà nước có tác dụng điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội, muốn sử dụng tốt công cụ này phải nhận thức được những vấn đề lý luận cơ bản về Ngân sách nhà nước.
Thuật ngữ Ngân sách nhà nước “Budget’’ bắt nguồn từ tiếng anh có nghĩa là cái ví, cái xắc.Tuy nhiên, trong cuộc sống kinh tế thuật ngữ này đã thoát ly ý nghĩa ban đầu và mang nội dung hoàn toàn mới. Do đó để đảm bảo khách quan chúng ta sẽ tham khảo các tài liệu kinh điển của nước ngoài để rút ra những kết luận cần thiết vừa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, vừa phản ánh được những đặc điểm cụ thể của nước ta.
Theo cuốn từ điển bách khoa toàn thư của Liên Xô “cũ’’ thì Ngân sách là: Bảng liệt kê các khoản thu – chi bằng tiền trong giai đoạn nhất định của Nhà nước. Mọi kế hoạch thu chi bằng tiền bất kỳ một cơ quan, cá nhân nào trong một giai đoạn nhất định.
Cuốn tư liệu xanh của Pháp được ấn hành nhằm hướng dẫn một số luật định tài chính và thuế, trong đó ngân sách được hiểu là: Chứng từ dự kiến cho phép các khoản thu chi hàng năm của nhà nước. Toàn bộ tài liệu kế toán mô tả, trình bày các khoản chi phí của nhà nước trong một năm.Toàn bộ các khoản trình bày tiền mà một Bộ được cấp trong một năm.
Từ những tài liệu vừa nêu, có thể rút ra một số kết luận của ngân sách như sau:
Thứ nhất, NS là một bảng liệt kê, trong đó dự kiến cho phép thực hiện các khoản thu, chi bằng tiền của một chủ thể nào đó “Nhà nước, Bộ…’’.
Thứ hai, NS tồn tại trong khoảng thời gian nhất định thường là một năm.
Thứ ba, Ngân sách nhà nước là những quan hệ kinh tế phát triển trong quá trình NN huy động và sử dụng các nguồn tài chính khác nhau.
Xét về nhiều mặt thì Ngân sách nhà nước là một hoạt động tài chính cụ thể của nhà nước, vì vậy khái niệm NSNN phải được xem xét trên các mặt hình thức, thực thể và quan hệ kinh tế chứa đựng bên trong NSNN.
Xét theo hình thức biểu hiện bên ngoài và ở trạng thái tĩnh, NSNN bao gồm những nguồn thu cụ thể, những khoản chi cụ thể và được định hướng các nguồn thu đều được nộp vào một quỹ tiền tệ – quỹ NSNN và các các khoản đều được xuất ra từ quỹ tiền tệ ấy.
Cũng cần phải thấy rằng, thu chi NSNN hoàn toàn không giống như bất kỳ một hình thức thu chi nào khác. Ở đây thu chi của NN luôn được thực hiện bằng luật pháp do luật định “về thu có các luật thuế và các văn bản khác về chi có các tiêu chuẩn luật định’’. Trên cơ sở đó nhằm đạt mục tiêu cân đối giữa thu và chi NSNN.
Mặt khác, NSNN còn phản ánh các quan hệ kinh tế giữa một bên là Nhà nước một bên là các chủ thể trong xã hội, phát sinh khi nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp là chủ yếu. Những khoản thu nộp và cấp phát qua quỹ NSNN là các quan hệ được xác định trước, được định lượng và NN sử dụng chúng để điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế.
Từ những phân tích trên, ta có thể xác định được “Ngân sách nhà nước phản ánh các quan hệ kinh tế phát sinh gắn liền với quá trình tạo lập phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ chung của NN khi NN tham gia phân phối các nguồn tài chính quốc gia nhằm thực hiện các chức năng của NN trên cơ sở luật định’’.
Theo Điều 1, Luật ngân sách nhà nước được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 16/12/2002 thì: NSNN là toàn bộ các khoản thu – chi của nhà nước trong dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước giao.