Khái niệm quản lý giáo dục là gì
Khái niệm quản lý giáo dục là gì
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau để trả lời câu hỏi quản lý giáo dục là gì: Theo M.I.Kônđacôp, “quản lý giáo dục là tập hợp những biện pháp khoa học nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của cơ quan trong hệ thống giáo dục, để tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống giáo dục cả về số lượng cũng như chất lượng” [62].
Theo Okumbe, quản lý giáo dục là một quá trình thu thập và phân bổ nguồn lực để đạt được các mục tiêu giáo dục được xác định trước [106].
Tác giả Trần Kiểm quan niệm quản lý giáo dục được chia thành 2 cấp độ là: Quản lý vĩ mô (quản lý nhà nước về giáo dục) và quản lý vi mô (quản lý nhà trường) trong giáo dục [53]:
– Đối với cấp độ vĩ mô, QLGD “Là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ cấp cao nhất đến các cơ sở giáo dục là nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu của xã hội” .
– Đối với cấp độ vi mô, quản lý giáo dục “Là quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường bao gồm hệ thống những tác động có hướng đích của hiệu trưởng đến các hoạt động giáo dục, đến con người (giáo viên, cán bộ nhân viên và học sinh), đến các nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, thông tin, v.v…), đến ảnh hưởng ngoài nhà trường một cách hợp quy luật ( quy luật quản lý, quy luật giáo dục, quy luật tâm lý, quy luật kinh tế, quy luật xã hội, v.v…) nhằm đạt mục tiêu giáo dục”.
Trong giai đoạn hiện nay với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa về giáo dục, cần phải đổi mới, nâng cao năng lực QLGD. Do vậy cần phải nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng, kỹ xảo, công cụ, kỹ thuật, CNTT&TT vào hệ thống quản lý giáo dục.