Lý luận chung về đô thị hóa
Lý luận chung về đô thị hóa
Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có cơ sơ hạ tầng thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, của một tỉnh, của một huyện hoặc một vùng trong huyện, trong tỉnh.
Đô thị hóa là hiện tượng xã hội liên quan tới những dịch chuyển kinh tế, xã hội, văn hóa không gian, môi trường sâu sắc gắn liền với những tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo đà thúc đẩy sự phân công lao động, sự chuyển đổi nghề nghiệp và hình thành các nghề nghiệp mới đồng thời tạo ra nhu cầu dịch cư vào các trung tâm đô thị, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế là điểm tựa cho các thay đổi trong đời sống xã hội và văn hóa, nâng cao mức sống, biến đổi lối sống và hình thức giao tiếp xã hội, làm nền cho sự phân bố dân cư hợp lý nhằm đáp ứng những nhu cầu xã hội ngày càng phong phú và đa dạng để tạo thế cân bằng động giữa môi trường xây dựng, môi trường xã hội và môi trường thiên nhiên.
Đô thị hóa mang tính xã hội, tính lịch sử và là sự phát triển về quy mô, số lượng, nâng cao vai trò của đô thị trong khu vực và hình thành cỏc chựm đô thị.
Đô thị hóa gắn liền với sự biến đổi sâu sắc về kinh tế-xã hội của đô thị và nông thôn trên cơ sở phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, dịch vụ…do đó đô thị hóa không thể tách rời một chế độ kinh tế-xã hội.
Đô thị hóa phụ thuộc vào trình độ phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Ngày nay, đô thị hóa chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp với nhiều hiện tượng và biểu hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau của một xã hội hiện đại.
Đô thị hóa có hai hình thức biểu hiện là đô thị hóa theo chiều rộng và đô thị hóa theo chiều sâu. Đô thị hóa theo chiều rộng tức là đô thị hóa diễn ra tại các khu vực trước đây không phải là đô thị. Đó là quá trình mở rộng quy mô diện tích các đô thị hiện có dựa trên cơ sở hình thành các đô thị mới. Với hình thức này, dân số và diện tích đô thị không ngừng gia tăng, các hoạt động phi nông nghiệp và các hoạt động kinh tế đô thị không ngừng mở rộng. Sự hình thành các khu đô thị mới dựa trên cơ sở phát triển các khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở vùng nông thôn và ngoại ô. Đô thị hóa theo chiều rộng là hình thức phổ biến hiện nay ở các nước đang phát triển trong thời kỳ đầu.
Đô thị hóa theo chiều sâu là quá trình hiện đại hóa và nâng cao các đô thị hiện có. Mật độ dân số có thể tiếp tục tăng cao, phương thức và các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng, thực lực khoa học kỹ thuật công nghệ ngày càng tăng cường, hiệu quả kinh tế và xã hội ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Ở các nước phát triển đô thị hóa đặc trưng cho sự phát triển các nhân tố chiều sâu (điều tiết và khai thác tối đa các ích lợi, hạn chế bất lợi của quá trình đô thị hóa). Đô thị hóa nâng cao điều kiện sống và làm việc, công bằng xã hội, xóa bỏ khoảng cách thành thị và nông thôn.
Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đô thị hóa đặc trưng cho sự bùng nổ về dân số, còn sự phát triển công nghiệp tỏ ra yếu kém. Sự gia tăng dân số không dựa trên cơ sở phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế. Những vấn đề như giao thông, môi trường nảy sinh và không thể giải quyết một sớm một chiều. Mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn trở lên sâu sắc do sự mất cân đối do độc quyền trong kinh tế.