Giáo dụcTin chuyên ngành

Những hạn chế trong công tác phát triển nguồn nhân lực trong các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập ở Việt Nam

Những hạn chế trong công tác phát triển nguồn nhân lực trong các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập ở Việt Nam

Nhìn chung công tác phát triển đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập trong thời gian vừa qua mặc dù đã được các trường quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên khi đi sâu đánh giá tình hình thực hiện và mức độ đáp ứng mục tiêu yêu cầu đề ra cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn cũng như trước mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

+ Về số lượng và biến động số lượng GV: Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng hẫng hụt GV còn phổ biến. Số lượng sinh viên tăng nhanh, trong khi đó số lượng giảng viên lại nhích lên chậm chạp. Các giảng viên phải dạy tăng giờ gấp nhiều lần so với quy định. Tình trạng quá tải giờ dạy diễn ra liên tục trong thời gian dài khiến cho rất nhiều GV không còn thời gian dành cho học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không cập nhật được các kiến thức, kỹ năng mới khiến cho nội dung bài giảng nghèo nàn, lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định dừng 207 ngành đào tạo ĐH ở 71 cơ sở đào tạo do không đủ điều kiện và chủ yếu là thiếu ĐNGV đã làm gây “sốc” với các trường và dư luận. Tương tự, khối trường CĐ cũng có tới 296 ngành CĐ thuộc 74 cơ sở đào tạo trình độ ĐH hoạt động không đúng quy định.

+ Về chất lượng, đội ngũ giảng viên của các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển: trình độ tin học và ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo. Số GV có trình độ cao hầu hết tuổi đời cũng đã cao, đây là hạn chế rất lớn do các GV này khó có thể bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, cùng với đó yếu tố tuổi tác cũng là một cản trở lớn cho việc thay đổi và điều đó ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng viên.

Xem thêm: Những thành tựu trong công tác phát triển nguồn nhân lực trong các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập ở Việt Nam

Hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên nhìn chung rất thấp, số bài báo khoa học công bố chưa nhiều, công tác NCKH chưa được chú trọng đúng mức. Một tỷ lệ khá lớn giảng viên chưa thật nhiệt tình và say mê nghiên cứu khoa học, tình trạng đối phó trong nghiên cứu khá phổ biến. Nhiều công trình nghiên cứu không có giá trị, do tư tưởng đối phó còn khá phổ biến trong hoạt động nghiên cứu.

+ Về cơ cấu và động thái đội ngũ giảng viên, chưa thực sự hợp lý xét trên tổng thể so với quy mô đào tạo của các trường. Cơ cấu và sự thay đổi cơ cấu đội ngũ giảng viên theo trình độ, theo độ tuổi, theo chuyên môn đào tạo còn nhiều hạn chế: số lượng GV có trình độ đại học còn tương đối lớn; số GV đã cao tuổi và còn chiếm tỷ lệ lớn. Đội ngũ giảng viên thiếu hụt những người có độ tuổi từ 45-59 tuổi – đây là lực lượng được đánh giá có trình độ chuyên môn cao, có thâm niên công tác lâu năm.

Số lượng GV thỉnh giảng còn chiếm tỷ lệ cao, một số ngành đào tạo thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ và khoa học cơ bản đại cương tỷ lệ GV thỉnh giảng ở hầu hết các trường còn chiếm từ 50 đến 60%.

Nhận thức của các cấp quản lý các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập về công tác phát triển ĐNGV còn bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ đào tạo.

Công tác quy hoạch đội ngũ giảng viên hiện nay chưa được xây dựng thống nhất, chưa tường minh tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp gắn với nhiệm vụ chức danh GV. Việc tuyển dụng cán bộ theo qui trình hành chính còn mang tính nhất thời, ít có sự phân cấp xuống các khoa, bộ môn, chưa theo yêu cầu mô tả nhiệm vụ của khung năng lực, chưa đánh giá được năng lực của các ứng viên.

Việc bố trí, sử dụng GV ở một số trường cao đẳng, đại học ngoài công lập còn chưa thật sự phù hợp. Một số GV chưa được bố trí đúng năng lực, thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Đây cũng là vấn đề các trường cần quan tâm.

Việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên còn mang tính hình thức, số lượng đại trà theo chuyên đề, chưa thực sự tập trung phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên. Phần lớn các trường chưa có kế hoạch đào tạo dài hạn, thiếu chủ động và chưa tận dụng thời cơ.

Cơ sở vật chất của các trường ĐH và CĐ NCL còn nghèo nàn. Bên cạnh một số ít các trường có cơ sở vật chất tương đối tốt, phần lớn cơ sở vật chất của các trường NCL vẫn còn trong tình trạng lạc hậu. Chất lượng đào tạo còn thấp. Quy mô, số lượng tăng nhanh nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng, phương tiện giảng dạy, thí nghiệm, thực tập, nghiên cứu thiếu thốn và cũ kỹ.

Chương trình giáo dục còn nặng nề, chưa bám sát yêu cầu của cuộc sống, nhiều phần trong chương trình đào tạo ĐH đã lạc hậu. Phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hoá, chưa gắn chặt với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa chú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của sinh viên. Nhiều trường chỉ quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng, cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những hạn chế trong công tác phát triển nguồn nhân lực trong các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập ở Việt Nam

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *