Giáo dụcTin chuyên ngành

Lịch sử phát triển các trường đại học ngoài công lập của Việt Nam

Lịch sử phát triển các trường đại học ngoài công lập của Việt Nam

Ở Việt Nam hơn hai thập kỷ qua, giáo dục đại học ngoài công lập đã đạt được mức tăng trưởng về số lượng.

Từ năm 1993 đến nay đã có 61 trường đại học và 30 trường cao đẳng NCL ra đời, tổng số sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng NCL đang chiếm khoảng 14% tổng số sinh viên trong cả hệ thống. Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 có đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt đến con số 40% tổng số sinh viên học trong các trường NCL.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, tháng 3 năm 1988, Trung tâm đại học dân lập Thăng Long được đưa vào hoạt động. Năm 1990, viện đại học mở bán công thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Việc ra
đời những cơ sở đào tạo này, với ý đồ thí điểm để lượng định khả năng huy động nguồn lực của xã hội làm giáo dục, để tạo mô hình đối chứng về cơ chế quản lý các trường đại học ngoài công lập, để tìm lối ra cho một hệ thống giáo dục đại học được xã hội hóa trong nguồn lực và phi tập trung hóa trong quản lý.

Tháng 1 năm 1994, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chếtạm thời đại học Dân lập, đến tháng 8 năm 1994, Trung tâm đại học Thăng Long mới có đủ tư cách pháp nhân, trở thành Trường Đại học Dân lập sau khi đã có sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Ngay từ khi có chủ trương xây dựng, trường đại học ngoài công lập đã mang hai sứ mệnh: Huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành cùng các trường đại học công lập phát triển mạnh mẽ nền giáo dục đại học Việt Nam; bằng cơ chế tự chủ, xây dựng mô hình quản trị năng động, hiệu quả.

Trong hơn 10 năm cuối của thế kỷ XX, cả nước đã có 15 trường đại học ngoài công lập được thành lập, đây thuộc nhóm trường thứ nhất phát triển từ con số không nhưng đến nay phần lớn đã khẳng định được vị thế của mình. Nhóm trường thứ hai được thành lập sau năm 2000, các trường thuộc nhóm này được đầu tư lớn khang trang hiện đại, đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, các trường đại học ngoài công lập đã có đóng góp lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Việt nam. Trong điều kiện đầu tư của Nhà nước về giáo dục và đào tạo còn rất hạn chế thì đóng góp của các thành phần xã hội đối với giáo dục đại học, cụ thể là của hơn 60 trường đại học ngoài công lập đã mang lại kết quả rất quan trọng giúp cho Việt Nam đào tạo và cung cấp kịp thời nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong số các trường đại học ngoài công lập, có nhiều trường có chất lượng đào tạo tốt, đã tạo được uy tín đối với xã hội, thu hút được đông đảo sinh viên theo học. Hệ thống các trường đại học ngoài công lập đã giúp quản lý Nhà nước về giáo dục đại học trong việc ban hành chủ trương, chính sách cũng như điều chỉnh quy định quy chế kịp thời, góp phần hỗ trợ phát triển gióa dục ngoài công lập.

Bên cạnh những thành công, các trường đại học ngoài công lập cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Hơn 20 năm qua đã có 61 đại học ngoài công lập ra đời, chiếm 1/5 tổng số trường đại học trong cả nước và số sinh viên theo học tại các trường đại học ngoài công lập chiếm gần 1/7 số sinh viên đại học cả nước[1]. Trong khi đó, Nhà nước không phải cấp ngân sách cho các trường đại học ngoài công lập nhưng lại đào tạo được một lượng lớn nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, con số này đang ngày càng giảm đi. Tỷ lệ sinh viên của các trường đại học ngoài công lập giảm xuống dưới 14% so với số lượng sinh viên cả nước [1]. Thậm chí nhiều trường đại học ngoài công lập chỉ tuyển được chưa đến 100 sinh viên/năm. Một số khó khăn chung đại học ngoài công lập đang gặp phải hiện nay: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo; Số lượng giáo viên cơ hữu không đảm bảo theo quy định; Sức hấp dẫn của các trường đại học ngoài công lập đối với sinh viên ngày càng yếu; Về cơ chế chính sách, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đã có những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện phát triển và xây dựng, củng cố hệ thống pháp lý nhằm tạo hành lang cho các trường đại học ngoài công lập hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, đến nay về mặt pháp luật và cơ chế chính sách cho loại hình này còn nhiều bất cập.

Đứng trước những khó khăn trên, nhiệm vụ cấp bách của các nhà quản trị các trường ĐHNCL là phải nâng cao chất lượng, coi đây là nhiệm vụ chiến lược quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các trường ngoài công lập ở hiện tại và trong tương lai.

Lịch sử phát triển các trường đại học ngoài công lập của Việt Nam

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *