Giáo dụcTin chuyên ngành

Nguồn nhân lực trong các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập

Nguồn nhân lực trong các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập

Nguồn nhân lực trong nhà trường đại học được hiểu là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường và nhân viên phục vụ mà trung tâm là đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên là tập hợp những người làm nghề dạy học giáo dục, được tổ chức thành một lực lượng cùng chung một nhiệm vụ là thực hiện các mục tiêu giáo dục đã đề ra cho tập thể đó, tổ chức đó. Họ làm việc có kế hoạch và gắn bó với nhau thông qua lợi ích về vật chất và tinh thần trong khuôn khổ qui định của pháp luật, thể chế xã hội. Như vậy, theo nghĩa hẹp, đội ngũ giảng viên là những thầy giáo, cô giáo, những người làm nhiệm vụ giảng dạy và quản lý giáo dục trong các trường đại học và cao đẳng.

Nếu xét trên phương diện nguồn nhân lực thì đội ngũ giảng viên chính là nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ giảng viên có những đặc điểm sau:

– Những thành viên trong đội ngũ đã được tuyển chọn tương ứng với một hệ thống các tiêu chí về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực nghề nghiệp;

– Các thành viên được liên kết với nhau trên cơ sở thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng mà Nhà nước đã giao phó đối với hoạt động đào tạo ở đại học và cao đẳng

– Mỗi thành viên, mỗi bộ phận của đội ngũ thực hiện những chức trách và nhiệm vụ chuyên biệt tùy thuộc vào vị trí và đặc điểm của môi trường hoạt động, song đều chịu sự quản lí thống nhất về thể chế, về tổ chức, về chuyên môn theo qui định của Nhà nước;

– Đội ngũ giảng viên hoạt động trong môi trường đào tạo nhằm hình thành nhân cách nghề nghiệp cho đối tượng đào tạo, vì thế nó mang đậm sắc thái văn hóa sư phạm trong các mối quan hệ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa nhà trường với xã hội. Đội ngũ giảng viên bao gồm cán bộ giảng dạy lý thuyết và thực hành. Đây là bộ phận quan trọng nhất của đại học và cao đẳng trong các trường đại học và cao đẳng NCL. Nhiệm vụ chủ yếu của đội ngũ giảng viên trong các trường đại học và cao đẳng NCL là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây là bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định sự phát triển của một cơ sở GD&ĐT.

Xem thêm: Khái niệm phát triển nguồn nhân lực

Giảng viên là chức danh nghề nghiệp làm công tác giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng. Điều 70, Luật giáo dục, đã nêu rõ: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, hoặc các cơ sở giáo dục khác. Nhà giáo dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên, ở cơ sở giáo dục ĐH và sau ĐH gọi là giảng viên” [39]. Vậy giảng viên là nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ĐH và sau ĐH.

Nhà giáo có các phẩm chất sau đây:

 – Phẩm chất, đạo đức tư tưởng tốt

– Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ

– Đủ sức khoẻ theo yêu cầu nghề nghiệp

– Lý lịch bản thân rõ ràng

Luật giáo dục cũng đã quy định đầy đủ quyền hạn của giảng viên.

Đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ngày càng cao, đòi hỏi giáo dục ĐH cần có các yêu cầu cao về năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức đối với người giảng viên ĐH. Vì vậy, người giảng viên ĐH cần phải phấn đấu để có trình độ hơn hẳn mặt bằng đào tạo và phải thường xuyên tiếp cận tri thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có thể phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu” của quốc gia.

Người giảng viên ĐH trước tiên phải có trình độ nhất định về sư phạm, nắm được các nguyên tắc cơ bản của giáo dục học, tâm lý học, đặc điểm của đối tượng giáo dục, phương thức tiến hành giáo dục,…đồng thời họ phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống,… để thực sự là tấm gương sáng cho người học noi theo.

Người giảng viên ĐH là nhà khoa học có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, có phẩm chất và năng lực tư duy khoa học của nhà nghiên cứu, thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học, nắm bắt kịp thời các thông tin khoa học mới, kiến thức mới để truyền đạt lại cho sinh viên. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chủ yếu của người giảng viên.

Phẩm chất chính trị của nhà giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Người cho rằng: “Có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng”. Vì vậy, đòi hỏi người giảng viên phải có một bản lĩnh chính trị vững vàng.

 Đối với mỗi đối tượng, yêu cầu và mức độ rèn luyện bản lĩnh chính trị là khác nhau. Với người giảng viên, thì điều quan trọng không chỉ có nhận thức chính trị đúng, mà còn phải có khả năng xử lý được những tình huống chính trị ở mức độ nhất định.

Bất kỳ nghề nào nếu người lao động muốn giỏi nghề và cống hiến được nhiều trong hoạt động nghề nghiệp thì phải tâm huyết với nghề. Lòng yêu nghề sẽ tạo động lực rất lớn cho hoạt động sáng tạo và sự phấn đấu vươn lên của mỗi người giảng viên.

Lao động nghề nghiệp của người giảng viên là lao động sư phạm ĐH, một loại hình lao động đặc biệt. Tìm hiểu đặc điểm của loại hình lao động đặc biệt này giúp ta tìm ra được các biện pháp quản lý phát triển đội ngũ giảng viên phù hợp. Một số nét đặc trưng cơ bản trong lao động sư phạm của người giảng viên đó là:

– Đặc trưng về đối tượng lao động: Đối tượng tác động chủ yếu của người giảng viên là những sinh viên ĐH, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trong đó, phần lớn là thanh niên – lực lượng trẻ, khoẻ, rất năng động và nhiệt tình, có khả năng tiếp nhận tri thức mới nhanh chóng và nhạy bén trước đời sống hiện thực. Nhiệm vụ của người viên là bằng lao động sáng tạo của mình (thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bản thân), bằng phẩm chất và năng lực của nhà giáo, tác động vào các đối tượng trên nhằm đào tạo ra những người lao động có trí tuệ, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

– Đặc trưng về công cụ lao động: Công cụ lao động chủ yếu và quan trọng nhất của lao động sư phạm chính là bản thân người thầy giáo với toàn bộ nhân cách của người thầy, bao gồm: Tư tưởng, tình cảm, thế giới quan, niềm tin, lối sống, nếp sống, tri thức, trong đó tri thức có vai trò rất quan trọng. Chính năng lực và phẩm chất của người thầy có sức lối cuốn, khích lệ rất lớn đối với sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu. Nhân cách người thầy càng hoàn hảo thì công cụ lao động của người thầy càng sắc bén, là điều kiện thuận lợi để người thầy đạt hiệu quả cao trong lao động sáng tạo của mình.

– Đặc trưng về sản phẩm lao động: Sản phẩm lao động sáng tạo của người giảng viên ĐH là nhân cách của người học, gồm toàn bộ các giá trị về thể chất và tinh thần của người học sau khi trải qua quá trình đào tạo của một khoá học (họ trở thành những người lao động trí thức với đầy đủ các phẩm chất và năng lực cần có trong một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nhất định) và những kết quả nghiên cứu khoa học.

Sản phẩm lao động sáng tạo của người giảng viên ĐH rất khó xác định được một cách cụ thể về mặt định lượng mà chủ yếu được đánh giá gián tiếp thông qua giá trị khoa học của bài giảng (lượng thông tin, phương pháp tiếp cận, sự nhận thức, tiếp thu của sinh viên), giá trị lý luận và thực tiễn của những phát minh khoa học mà họ tạo ra. Tất cả những sản phẩm đó không chỉ đánh giá đơn thuần bằng những con số cụ thể, ngay lập tức, mà có khi phải vài năm, thậm chí hàng chục năm sau, những phát minh khoa học, tiềm năng của sinh viên ra trường mới phát huy tác dụng và nở rộ khi gặp điều kiện thích hợp.

– Đặc trưng về giáo dục: Khác với giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH khác cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp. Giáo dục phổ thông nhằm dạy cho học sinh ở tuổi vị thành niên những kiến thức phổ thông cơ bản về thế giới và xã hội. Còn đối tượng của giáo dục ĐH là sinh viên, họ phải học một lượng kiến thức tổng hợp rộng và sâu hơn so với phổ thông, sau đó tập trung học kiến thức chuyên ngành và những bộ môn khoa học có liên quan để trở thành những chuyên gia của ngành đó. Phương pháp dạy và học chủ yếu theo phương pháp phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học. Giảng viên là người tổ chức các hoạt động học tập, tìm tòi, sáng tạo của sinh viên. Luôn cải tiến phương pháp dạy học, xây dựng môi trường GD-ĐT tích cực tạo mọi điều kiện phát huy năng lực, trí tuệ, tư duy của sinh viên, kết hợp hài hoà giữa học thầy với học bạn. Người thầy phải có sự chuẩn bị kỹ về nội dung và sáng tạo trong phương pháp, với phương pháp hợp lý thúc đẩy tính tích cực, chủ động tự giác trong học tập của sinh viên, động viên cổ vũ kịp thời sự sáng tạo của họ, giúp họ không ngừng vươn lên trong học tập và lao động sáng tạo.

– Đặc trưng về môi trường: Môi trường lao động của người giảng viên là một môi trường đặc biệt, trong đó các yếu tố giáo dục mang tính văn hoá, đạo đức rất cao, do đó việc học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, phải rất được coi trọng. Người thầy, người giảng viên phải thực sự là tấm gương sáng cho những trí thức trẻ tương lai noi theo.

Như vậy, giảng viên là những người lao động trí thức, với đặc trưng lao động trí tuệ sáng tạo, họ là những người làm công tác giảng dạy, trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục ĐH nhằm đào tạo đại học và cao đẳng có trình độ cao, bồi dưỡng và phát triển nhân tài cho đất nước, là lực lượng chủ yếu giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường. Năng lực của đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định chất lượng giảng dạy và học tập của các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng. Ngoài năng lực chuyên môn là giảng dạy, một yêu cầu khác đối với người giảng viên là phải tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Để đạt được mục tiêu này ngoài sự vươn lên của mỗi một giảng viên, thì vai trò không kém phần quan trọng thuộc về các cơ sở đào tạo. Phát triển đại học và cao đẳng mà cụ thể là phát triển đội ngũ giảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các trường ĐH và CĐ ngoài công lập.

Nguồn nhân lực trong các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *