Phân loại cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ
Phân loại cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ
Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ rất đa dạng, gồm nhiều bộ phận khác nhau, mang cả 2 hình thái vật chất và hình thái phi vật chất
Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm toàn bộ điều kiện vật chất kỹ thuật như: Hệ thống cầu, đường bộ, các công trình, thiết bị phụ trợ, các trạm nghỉ đường bộ và thể chếchính sách quản lý cũng như môi trường hoạt động gắn với giao thông đường bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH.
Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ được phân thành các loại khác nhau, nhằm mục đích quản lý và huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ một cách hợp lý và có hiệu quả.
– Căn cứ vào hình thái biểu hiện: cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ gồm có hình thái vật chất và hình thái phi vật chất.
+ CSHT mang hình thái vật chất: bao gồm các công trình cầu, hầm, đường bộ, bến phà và các công trình phụ trợ kèm theo như: Hệ thống tường phòng vệ, dải phân cách đường, cột cây số, công trình an toàn giao thông, hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe, trạm thu phí, trạm cân xe, các biển báo, các phương tiện báo hiệu, hệ thống đèn chiếu sáng, các bến bãi và các thiết bị điều khiển giao thông khác…
+ CSHT mang hình thái phi vật chất: bao gồm các cơ chế, chính sách quản lý hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, môi trường an ninh xã hội gắn với hoạt động giao thông đường bộ.
Theo cách phân loại này cho thấy tính toàn diện của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và đề cao vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ mang hình thái phi vật chất, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường bộ.
Xem thêm: Khái niệm cơ sở hạ tầng
Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả đề cập về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ mang hình thái vật chất.
– Căn cứ vào phân cấp quản lý: cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ do trung ương quản lý và cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ do địa phương quản lý, theo Luật giao thông đường bộ, năm 2008: Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau:
1) Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực;
2) Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh;
3) Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện;
4) Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của xã;
5) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;
6) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về phân cấp quản lý: Hệ thống quốc lộ do trung ương quản lý; Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý; Hệ thống đường huyện do huyện quản lý; Hệ thống đường xã do xã quản lý; Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quản lý. Mục đích của phân loại này nhằm xác định trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
– Căn cứ vào đặc điểm sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ: gồm có công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ.
+ Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác;
+ Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Mục đích của phân loại này nhằm xác định mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, để có định hướng quy hoạch, khai thác sử dụng cũng như xác định các phương thức huy động VĐT một cách hợp lý và có hiệu quả, để phát triển đồng bộ, bền vững cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.
Bài viết rất chi tiết và có ích cho những ai đang muốn tìm hiểu thông tin về CSHT giao thông Việt Nam. Cảm ơn tác giả rất nhiều