Giải pháp xây dựng quy trình tín dụng chuẩn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Giải pháp xây dựng quy trình tín dụng chuẩn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quy trình tín dụng là trình tự các bước mà ngân hàng thực hiện khi tài trợ cho khách hàng. Nó phản ánh các nguyên tắc tín dụng, trình tự giải quyết công việc, thủ tục hành chính và thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan. Mục tiêu của việc xác định quy trình tín dụng là để có được quyết định tài trợ đúng đắn, đảm bảo an toàn vốn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho ngân hàng.
Hiện nay các NHTM đều đã xây dựng và áp dụng một quy trình tín dụng thống nhất trên toàn hệ thống. Là một đối tượng vay vốn của ngân hàng, hoạt động tín dụng đối với DNNVV cũng phải tuân theo quy trình chung này. Tuy nhiên, trong từng bước của quy trình, việc áp dụng cho DNNVV cũng đang đặt ra những yêu cầu riêng, đòi hỏi các NHTM phải xây dựng một quy trình tín dụng chuẩn cho DNNVV, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đối tượng khách hàng này để có thể thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và làm thoả mãn tốt nhất mọi nhu cầu của DNNVV. Các bước cơ bản của quy trình này bao gồm:
Bước 1: Hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ tín dụng, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Khi DNNVV có nhu cầu vay vốn, Nhân viên Quan hệ khách hàng phải tiếp xúc và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn. Hồ sơ tín dụng do khách hàng lập và cung cấp cho ngân hàng thường bao gồm: hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ tài sản bảo đảm, hồ sơ phương án vay vốn và các hồ sơ khác có liên quan. Đối với DNNVV, do quy mô và cách thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp thường không chuyên nghiệp, có nhiều đơn vị không có các phương án kinh doanh cụ thể theo đúng yêu cầu của Ngân hàng hoặc thiếu các văn bản pháp lý sử dụng cho mục đích vay vốn. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cho bộ phận kinh doanh trong việc hướng dẫn khách hàng thu thập đủ hồ sơ tín dụng một cách dễ hiểu, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Bước 2: Thẩm định
Sau khi nhận đầy đủ các hồ sơ cần thiết, bộ phận kinh doanh phải tiến hành thẩm định toàn bộ những nội dung theo đúng các bộ phận cấu thành nên hồ sơ tín dụng nhằm phân tích một cách toàn diện nhất, chính xác nhất về khách hàng để ra quyết định cho vay ở bước tiếp theo.
Đối với việc thẩm định DNNVV, ngoài cách thức thẩm định tài sản bảo đảm và phương án vay vốn theo đúng hướng dẫn của quy trình tín dụng, bộ phận kinh doanh phải phân tích kĩ về năng lực pháp lý, năng lực quản lý và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khả năng quản lý của Ban lãnh đạo DNNVV thường không được đánh giá cao. Đặc biệt, hồ sơ tài chính của đơn vị thường xuyên ở tình trạng không phản ánh đúng thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến những phân tích thiếu chính xác của bộ phận kinh doanh. Đây là đặc điểm riêng có của DNNVV mà ngân hàng phải đối mặt và tìm biện pháp để nắm bắt vấn đề một cách sát thực nhất.
Bước 3: Trình duyệt hồ sơ vay vốn, ra quyết định cho vay
Trên cơ sở tờ trình tín dụng đã lập, nhân viên Quan hệ khách hàng đưa ra kết luận độc lập của mình về quyết định cho vay và trình báo cáo lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu vượt phạm vi thẩm quyền phán quyết của người lãnh đạo trực tiếp, hồ sơ vay vốn và tờ trình sẽ được đưa lên trình lãnh đạo cấp cao hơn. Đối với DNNVV, thông thường giá trị và tính chất phức tạp của các khoản vay ở mức trung bình và thấp. Vì vậy, các khoản vay nên được ra quyết định tại cấp chi nhánh của ngân hàng nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, làm giảm thời gian chờ đợi kết quả của doanh nghiệp.
Bước 4: Lập đàm phán, ký kết hợp đồng
Sau khi quyết định tài trợ cho khoản vay, bộ phận Hỗ trợ Quan hệ khách hàng phải chuẩn bị các hợp đồng và văn bản liên quan trình lãnh đạo ký, bao gồm: hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, hợp đồng cầm cố hoặc thế chấp cùng các văn bản liên quan đến tài sản bảo đảm khác. Sau khi khách hàng và ngân hàng kí kết các hợp đồng, văn bản liên quan, đồng thời khách hàng hoàn thành thủ tục tài sản bảo đảm cần thiết, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân khoản vay.
Bước 5: Giải ngân
Phân giao quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận có liên quan để đảm bảo việc giải ngân được thuận lợi, nhanh chóng.
Bước 6: Quản lý, giám sát sau cho vay và thu hồi vốn vay
Để đảm bảo nguyên tắc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi đúng hạn, các NHTM phải tiến hành kiểm soát sau khi cho vay. Cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần định kì cung cấp hồ sơ tài chính, các hợp đồng kinh tế thể hiện tình hình sản xuất – kinh doanh của đơn vị mình cho ngân hàng. Đồng thời, bản thân bộ phận kinh doanh luôn phải liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với doanh nghiệp nhỏ và vừa để nắm bắt được thực trạng hoạt động của họ, những bất thường xảy ra để có thể chủ động trong mọi tình huống. Đối với những chi nhánh có nhiều khách hàng là DNNVV, một Nhân viên Quan hệ khách hàng phải quản lý số lượng doanh nghiệp từ 20 đến 40 hoặc nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra ở khâu kiểm soát sau là cán bộ ngân hàng phải thực sự dành thời gian, công sức và cách thức kiểm soát hợp lý, đảm bảo không để tình trạng thiếu thông tin về khách hàng sau khi cho vay.
Bước 7: Tất toán, thanh lý hợp đồng
Đến ngày đáo hạn của khoản vay, sau khi thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi, ngân hàng sẽ thanh lý hợp đồng tín dụng, tất toán khế ước, lưu hồ sơ theo quy định. Đồng thời, ngân hàng cũng đưa ra quyết định về việc mở rộng, duy trì hay hạn chế giao dịch với đối tượng khách hàng DNNVV đó trong tương lai.