Khái niệm cải cách hành chính
Khái niệm cải cách hành chính
Đứng trên góc độ hành chính học, việc nghiên cứu thuật ngữ cải cách hành chính trước hết phải được bắt đầu từ khái niệm “cải cách”. Cải cách có nghĩa là “sửa đổi những bộ phận cũ không hợp lý cho thành mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình khách quan”[41, tr 208]; hay là “sự sửa đổi căn bản từng phần, từng mặt của đời sống xã hội theo hướng tiến bộ mà không đụng tới nền tảng của chế độ xã hội hiện hành”[38, tr 58].
Trên cơ sở khái niệm cải cách, đã có nhiều khái niệm về cải cách hành chính được đưa ra như sau:
– “Cải cách hành chính có thể hiểu là một quá trình thay đổi cơ bản, lâu dài, liên tục bao gồm cơ cấu của quyền lực hành pháp và tất cả các hoạt động có ý thức của bộ máy nhà nước nhằm đạt được sự hợp tác giữa các bộ phận và các cá nhân vì mục đích chung của cộng đồng và phối hợp các nguồn lực để tạo ra hiệu lực và hiệu quả quản lý và chất lượng các sản phẩm (dịch vụ hoặc hàng hoá) phục vụ nhân dân thông qua các phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực. Hiểu theo nghĩa này, cải cách hành chính là những thay đổi được thiết kế có chủ định nhằm cải tiến một cách cơ bản các khâu trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước từ việc: lập kế hoạch; định thể chế; tổ chức; công tác cán bộ; tài chính; chỉ huy; phối hợp; kiểm tra; thông tin; và đánh giá. Cũng có thể hiểu cải cách hành chính là một quá trình thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hành chính, cải tiến tổ chức, chế độ và phương pháp hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới trong lĩnh vực quản lý của bộ máy hành chính nhà nước”[22, tr1]
– Có những học giả đã đưa ra khái niệm theo hướng nhấn mạnh kế hoạch, tính mục tiêu, tính tiến bộ và những nỗ lực để cải cách hành chính. Chẳng hạn, tác giả Gerald E Caiden cho rằng: “Cải cách hành chính là sự tác động nhân tạo của việc chuyển đổi hành chính chống lại sự kháng cự”[61, tr 1].
– Một số tác giả khác lại nhấn mạnh việc nâng cao hiệu suất, cải tiến chế độ và phương thức hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới. Họ cho rằng: “cải cách hành chính là quá trình lâu dài và liên tục nhằm nâng cao hiệu suất hành chính, cải tiến chế độ và phương thức hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới trong phạm vi quản lý của hệ thống các cơ quan thực thi quyền hành pháp cũng như tất cả các hoạt động có ý thức của bộ máy nhà nước”[56, tr 49].
– Khi đi sâu nghiên cứu về nội dung cải cách nền hành chính, một số tác giả cho rằng: “cải cách hành chính đề cập đến những thay đổi trong toàn bộ hệ thống hành chính công, nó bao gồm toàn bộ việc tổ chức lại các bộ, xác định nhiệm vụ và chức năng của các đơn vị hành chính, cải tiến các phương thức và thủ tục, đào tạo cán bộ…; Cải tiến sự phối hợp ở cấp cao hơn của chính phủ. Mọi sự cải tiến cơ cấu, thủ tục, năng lực và động cơ của cán bộ với mực đích nâng cao năng lực quản lý và tổ chức của các tổ chức công cũng được xem là cải cách hành chính theo nghĩa này”[42, tr 43].
– Trong Từ điển hành chính, “Cải cách hành chính là hệ thống những chủ trương, biện pháp tiến hành những sửa đổi, cải tiến mang tính cơ bản và có hệ thống nền hành chính nhà nước (hay còn gọi là nền hành chính công, nền hành chính quốc gia) về các mặt: Thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ công vụ, quy chế công chức, năng lực, trình độ, phẩm chất phục vụ của đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy đó”[43, tr 31].
Xem thêm: Khái niệm cải cách hành chính
Như vậy, có nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ cải cách hành chính và ở những nước có trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau có cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, trên cơ sở những khái niệm đã nêu có thể thấy rõ sự thống nhất của chúng trên một số nội dung sau:
+ Cải cách hành chính là sự thay đổi có kế hoạch theo một mục tiêu nhất định nhưng không làm triệt tiêu hay thay đổi bản chất của hệ thống hành chính mà là đổi mới, hoàn thiện để hệ thống hành chính hoạt động hiệu quả hơn.
+ Cải cách hành chính hướng tới sự điều tiết những mâu thuẫn trong cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.
+ Cải cách hành chính nhà nước không chỉ tập trung vào việc định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân mà thông qua đó nhằm thiết lập một hệ thống hành chính chặt chẽ từ trên xuống dưới.
+ Cải cách hành chính không phải là cải cách chế độ chính trị, kinh tế – xã hội mà là quá trình khắc phục mọi trở lực trong cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của nền hành chính, làm cho nó phát triển một cách năng động và phù hợp với sự biến đổi kinh tế – xã hội.
Từ các khái niệm và cách nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau có thể tổng kết lại như sau: Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.
Từ các quan điểm cải cách hành chính nêu trên đã có mối quan hệ mật thiết đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động không trôi chảy, hiệu quả không cao nhất định có ảnh hưởng rất lớn đến cải cách hành chính. Các nước trên thế giới do điều kiện khác nhau, việc đặt ra tổng thể cải cách hành chính có thể không giống nhau: Ví dụ: Chương trình Tổng thề cải cách hành chính ở Việt Nam nhằm vào 4 nội dung: Cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính, cải cách cán bộ công chức và cải cách tài chính công. Còn đối với chương trình tổng thể cải cách ở CHDCND Lào đã đặt ra 3 nội dung: Cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính và cải cách cán bộ, công chức.
Xem thêm: Khái niệm cải cách và cải cách hành chính nhà nước
Cải cách bộ máy hành chính là trọng tâm của cải cách hành chính, bởi vì trong cải cách bộ máy hành chính đã làm cho cơ cấu bộ máy hành chính hợp lý; góp phần điều chỉnh chức năng và nhiệm vụ của bộ máy hành chính các cấp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Điều chỉnh những công việc của chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. Cải cách hành chính đã tác động đến cải cách bộ máy hành chính bẳng cách ban hành và áp dựng những quy định mới trong việc phân cấp quản lý, tăng cường mối quan hệ và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân. Cải cách bộ máy hành chính là quá trình bố trí lại cơ cấu chính phủ, điều chỉnh lại bộ máy hành chính bên trong và chính quyền địa phương. Đồng thời trong cải cách bộ máy đã góp phần cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp, xác định rõ các nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành bộ máy hành chính. Định rõ phận sự, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Cải cách bộ máy hành chính còn tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng các công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phát triển nền hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Chính vì vậy, Cải cách bộ máy hành chính là nội dung trọng tâm của cải cách hành chính, có quan hệ mật thiết với cải cách hành chính. Cải cách bộ máy hành chính hiệu quả sẽ tác động đến cải cách thủ tục hành chính hiệu lực; tạo động lực tốt cho cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng một nền hành chính vững mạnh, trong sạch, hiệu lực, hiện quả và hiện đại, tạo cơ sở vững chắc trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.