Yếu tố tác động đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Yếu tố tác động đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Trong qúa trình xây dựng nhà nước, trong đó trọng tâm là cải cách bộ máy là đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Để thực hiện tốt vấn đề đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước không thể giữ nguyên trạng như trong giai đoạn vừa qua, cần tiến hành cải cách cho phù hợp với điều kiện khách quan, trong đó xuất phát từ các yếu tố sau:
– Xuất phát từ chủ trương, đường lối của đảng và chính sách của nhà nước, điều kiện chính trị, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa và giai đoạn lịch sử nhất định của dân tộc.
– Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần là điều tất yếu phải thực hiện. Đại hội IX của Đảng nhân dân Cách mạng Lào nhấn mạnh: “xây dựng kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa”[112, tr 24], có nghĩa là phải xây dựng kinh tế thị trường đi đúng hướng quy định, đặt dưới sự kiểm tra giám sát và điều tiết của Nhà nước.
– Khoa học công nghệ phát triển với những bước nhảy vọt, chưa từng thấy là những thách thức, đòi hỏi đối với bộ máy nhà nước nói chung và nền hành chính quốc gia Lào nói riêng trong việc đổi mới và hoàn thiện mình để có thể sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học cộng nghệ phát triển. Vai trò của cộng nghệ trong hành chính là “hoạt động hợp lý khoa học để thực hiện một chức năng, nhiệm vụ hành chính trên cơ sở áp dụng giải pháp có tính tối ưu và sử dụng các phương tiên kỹ thuật hiện đại nhằm tạo ra tiến bộ trong quá trình quản lý hành chính”[47, tr 64]. Chính vì thế khoa học công nghệ phát triển là yếu tố tác động đến bộ máy hành chính nhà nước phải hoàn thiện mình.
Xem thêm: Cải cách hành chính là gì? Khái niệm cải cách hành chính
– Trong cải cách bộ máy hành chính, yếu tố con người là yếu tố bảo đảm cho sự thành công của công cuộc cải cách; Một là, Đội ngũ cán bộ công chức, sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo trong cuộc cuộc cải cách về mọi mặt của đất nước, nhất là cán bộ cao cấp và trung cấp là những người vừa quyết tâm thực hiện đường lối lãnh đạo của cấp trên, vừa có kiến thức về lý thuyết cũng như trong thực tiễn quản lý hành chính và công cuộc cải cách bộ máy hành chính nhà nước; hai là, quần chúng nhân dân, những người nhận các dịch vụ của nền hành chính. Suy cho cùng thì lực cản cải cách bộ máy hành chính đều do con người làm ra.
Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước ở Lào hiện nay khá đông, đang tích cực đóng góp sức mạnh vào hoạt động của cơ quanh hành chính nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử của đất nước, đội ngũ cán bộ được hình thành và phát triển từ nhiều nguồn khác nhau, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, hiện tượng vừa yếu vừa thiếu cán bộ khá phổ biến. Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, hay nói cách khác chưa đủ tài đức để thực hiện công vụ. Có quan niệm cho rằng: “Dựng nước lấy học làm đầu, cần trị lấy nhân tài làm gốc”[9, tr 124].
Nhân dân chính là lực lượng quan trọng nhất có quyền đòi hỏi nhà nước tiến hành cải cách bộ máy hành chính và giám sát nhà nước thực hiện công cuộc cải cách này nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân được tốt hơn. Tuy nhiên, nhân dân chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của mình, vì ý thức dân chủ chưa cao, còn thờ ơ trước vấn đề bầu cử, ứng cử, ít quan tâm, không am hiểu pháp luật. Ý thức dân chủ, năng lực dân chủ, văn hóa pháp luật, văn hóa dân chủ chưa phát triển thành nhu cầu văn hóa. Tâm lý bình quân, thụ động, ỷ lại, trông chờ, thoái thác trách nhiệm, tách rời quyền và nghĩa vụ dù đã bị kinh tế thị trường làm cho lung lay được một phần nhưng vẫn tỏ ra có sức bám rễ dai dẳng trong đời sống cá nhân và cộng động. Tháo gỡ được những rào cản về con người sẽ tạo động lực cho cải cách bộ máy hành chính thành công.
– Toàn cầu hóa phát triển làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia ngày càng tăng. Sự liên kết kinh tế trên phạm vi khu vực cũng như toàn cầu diễn ra nhanh chóng và ở nhiều cấp độ khác nhau, từ song phương, đa phương, tam giác, tứ giác, từ tiểu khu vực đến toàn khu vực, toàn cầu châu lục. Vì thế, Bộ ngoại giao Lào đã nhấn mạnh: “Việc tham gia thành lập hội đồng ASEAN vừa là cơ hội vừa là thách thức cho nước CHDCND Lào về ổn định chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội”[76, tr 11]. Hội nhập quốc tế không chỉ phù hợp với xu thế của thời đại, mà còn đáp ứng nhu cầu nội tại và lợi ích của dân tộc trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động theo chiều thuận, còn nảy sinh những vấn đề phức tạp về an ninh, về môi trường… Vì thế phải tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, nhất là cải cách nền hành chính nói chung, bộ máy hành chính nói riêng để chủ động khai thác mặt thuận lợi, hạn chế và vượt qua được những thách thức. Có như vậy, nhà nước mới có khả năng kiểm soát được toàn bộ nền kinh tế, dẫn dắt các thành phần kinh tế đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những biến đổi to lớn và sâu sắc của thế kỷ XXI với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới, những yêu cầu của nền kinh tế tri thức đã và đang đặt nước Lào trước nhiều cơ hội và thách thức đặc biệt đối với việc thực hiện các yêu cầu của AFTA, WTO…Chính phủ Lào đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước là “đến năm 2020 đưa đất nước thoát khỏi quốc gia kém phát triển, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến lên xã hội chủ nghĩa, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực và quốc tế”[96, tr 4]. Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra, đất nước phải giải quyết nhiều vấn đề, đó là đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, xây dựng được những điều kiện cần thiết để có thể tận dụng được mọi cơ hội của hội nhập và toàn cầu hóa cho việc phát triển kinh tế, xây dựng một hệ thống hành chính tạo ra điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng một Nhà nước thực sự là “của dân, do dân và vì dân”. Có thể nói, cải cách bộ máy hành chính là điều kiện quan trọng và cần thiết bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa là đòi hỏi khách quan của một đất nước đang đứng trước một bối cảnh quốc tế với nhiều thời cơ và vận hội mới.