Vai trò của cải cách hành chính đối với nền kinh tế kinh tế
Cải cách hành chính là một chủ trương có tính đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước. Cải cách hành chính có vai trò to lớn đối với lĩnh vực kinh tế. Vai trò đó được nhận diện trên các khía cạnh cơ bản như sau:
Trong nền kinh tế, nền hành chính quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. Đây là khâu trọng yếu quyết định sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế và thực hiện các chức năng thiết yếu: định hướng sự phát triển kinh tế, tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế; trực tiếp đầu tư vào những ngành then chốt; khuyến khích, giúp đỡ, tạo lập môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế; điều tiết kinh tế, phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân; khắc phục, ngăn ngừa những yếu tố tiêu cực của thị trường.
Cải cách hành chính có hiệu quả cao sẽ tạo ra một bộ khung thể chế thống nhất, hoàn chỉnh ngày càng phù hợp cho nền kinh tế. Bộ khung thể chế cho nền kinh tế (được hiểu theo nghĩa hẹp) là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh đến các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế quốc dân. Nó là “đường dẫn”, là “kênh”, là “nguồn”, đồng thời cũng là giới hạn “đôi bờ pháp lý” của “một dòng sông kinh tế”. Do đó, nếu Cải cách hành chính không tiến hành kịp thời, không đồng bộ, hiệu quả không cao thì sẽ là trở lực, kìm hãm nền kinh tế phát triển.
Một trong những nội dung căn cốt của Cải cách hành chính là xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là đội ngũ quyết định sự thành bại trong quản lý kinh tế và cải cách kinh tế. Cải cách hành chính là khâu đột phá nâng tầm để đảm bảo ngang tầm của đội ngũ này trong quản lý kinh tế và “ươm mầm” cho những cải cách kinh tế trong tương lai.
Các quan hệ kinh tế luôn phát sinh, thay đổi, chấm dứt liên tục. Điều này đòi hỏi hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về kinh tế phải không ngừng trau dồi kỹ năng phản ứng nhanh, đổi mới cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thích ứng trong thực thi nhiệm vụ quản lý kinh tế. CCHC có hiệu quả cao sẽ thiết định được hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền kinh tế trong sạch, vững mạnh, thông suốt, hiện đại, gần dân, sát dân.
Cải cách hành chính sẽ kịp thời rà soát, chấn chỉnh, loại bỏ, phát hiện vướng mắc, bổ sung, thay đổi, hệ thống hóa nhằm tạo bộ thủ tục trong kinh doanh chỉn chu, thuận tiện, kịp thời, hiện đại để các chủ thể kinh doanh đón bắt kịp thời cơ kinh doanh và kích thích, thu hút, tạo sự hấp dẫn cho quá trình đầu tư.
Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, nhưng muốn tiếp tục đổi mới kinh tế thì phải tiến hành song song với Cải cách hành chínhvà không ngừng phát huy vai trò của Cải cách hành chính đối với kinh tế, xem Cải cách hành chính là khâu mấu chốt đảm bảo sự thành công trong phát triển kinh tế.