Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Trung Quốc
Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Trung Quốc
Cùng với đổi mới kinh tế, Trung Quốc luôn coi trọng cải cách giáo dục. Nhằm khắc phục các hạn chế của mô hình giáo dục cũ, Trung Quốc đã thực hiện cải cách giáo dục ĐH theo các hướng sau đây:
(1) Chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động ở các trường ĐH
Từ đầu những năm 1990, Trung Quốc tiến hành cải cách trong các trường ĐH, hầu như tất cả các trường ĐH và CĐ ở Trung Quốc đều được chấn chỉnh, lập lại kế hoạch, sắp xếp các hoạt động phù hợp với nhu cầu của kinh tế thị trường và phát triển khoa học kỹ thuật, với những nội dung chính như sau:
– Bỏ các khóa học, môn học không cần thiết, ít sinh viên theo học. Nhiều trường đã đổi mới chương trình giảng dạy, thay đổi cơ cấu các môn học, bỏ các môn học trùng lặp, ít học sinh theo học, đưa thêm vào các môn mới đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của xã hội.
– Biên soạn sách giáo khoa mới, đưa thêm vào chương trình đào tạo các môn học như: tài chính, quản lý, luật và tin học nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của công cuộc hiện đại hóa đất nước. Trong cải cách và xây dựng các môn học mới, các trường luôn hướng vào mục tiêu phục vụ việc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm cuối thập niên 1990, cơ cấu kinh tế nông thôn Trung Quốc thay đổi rất mạnh mẽ, các trường ĐH nông nghiệp đều củng cố, làm giàu thêm các nội dung giảng dạy để đáp ứng các yêu cầu cao hơn về khoa học kỹ thuật nông nghiệp hiện đại.
– Kết hợp việc giảng dạy với nghiên cứu, gắn kết giữa khoa học với kỹ thuật, chăm lo bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho các ngành khoa học mới, các ngành mũi nhọn.
Xem thêm: Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Pháp
– Thuê chuyên gia giỏi người nước ngoài vì mục đích đào tạo của trường. Ngày càng nhiều các trường ĐH ở Trung Quốc thuê chuyên gia, giảng viên nước ngoài vào làm việc phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Việc các giảng viên nước ngoài giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ ở Trung Quốc rất phổ biến kể từ đầu những năm 2000, nhiều giảng viên nước ngoài được trả thù lao cao.
(2) Đẩy mạnh hợp tác giữa các trường ĐH với các doanh nghiệp và hợp tác giữa các trường ĐH với nhau
Việc liên kết, hợp tác cùng hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường ĐH cũng như giữa các trường ĐH với các tổ chức khác là một phương thức mới, có hiệu quả trong cải cách hệ thống các trường ĐH. Trên thực tế ở Trung Quốc đã diễn ra các hình thức hợp tác sau đây:
– Hợp tác giữa các trường ĐH với các cấp chính quyền trung ương và địa phương để tăng nguồn tài chính xây dựng trường lớp và bổ sung đội ngũ cán bộ chính quyền. Để mở rộng các kênh phục vụ, chính quyền các cấp ở cả trung ương và địa phương Trung Quốc cùng tham gia xây dựng và đóng góp cho hoạt động của các trường ĐH. Nhờ đó hoạt động đào tạo gắn liền với nhu cầu của địa phương, nguồn tài chính cũng phong phú hơn.
– Hợp tác giữa các trường ĐH với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để cùng sử dụng các lợi thế chung, gắn học với hành, gắn lý luận với thực tiễn. Trong những năm 1990, ĐH Bách khoa Tứ Xuyên đã từng thiết lập quan hệ hợp tác với 160 xí nghiệp lớn và vừa. Tham gia trong ban lãnh đạo trường có cả lãnh đạo của một vài xí nghiệp và tổ chức xã hội.
– Hợp tác giữa các trường ĐH với nhau để phối hợp cùng sử dụng các nguồn lực như cán bộ giảng dạy, lớp học, thư viện… cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều trường ĐH, CĐ đã liên kết, hợp tác với nhau để cùng sử dụng các thế mạnh của nhau và tăng hiệu quả đào tạo. Với một số môn, sinh viên theo học có thể chọn danh mục nhiều hơn ở các trường. Xu hướng này đã khuyến khích các lực lượng xã hội cùng tham gia xây dựng và quản lý trường học, cùng tìm ra các kênh huy động tài chính để tăng hiệu quả đào tạo.
(3) Đào tạo các nhà khoa học đầu ngành
Trung Quốc đã bổ nhiệm các nhà khoa học trẻ tuổi, có năng lực, có tri thức mới để nắm các cương vị chủ chốt. Các trường ĐH và CĐ đều đặc biệt coi trọng điều này, họ đã cân nhắc, bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ vào những chức vụ xứng đáng. Đồng thời, để khuyến khích các giảng viên trẻ thực sự trở thành lực lượng trụ cột trong các ngành khoa học, tất cả các trường đều cải tiến các hình thức kiểm tra, đánh giá và tạo ra nhiều cơ hội cho lớp trẻ được thử thách, rèn luyện họ thông qua các khoá học giảng dạy mở rộng, nâng cao trong các trường nổi tiếng hoặc tại các viện nghiên cứu ở nước ngoài.
Nhiều trường ĐH được sự đồng ý và hỗ trợ của Chính phủ đã thành lập nhiều quỹ làm phần thưởng cho các học giả trẻ tuổi. Bên cạnh đó, các trường ĐH đều có chính sách ưu tiên trong phân phối nhà ở để động viên các tài năng trẻ.
Xem thêm: Vai trò của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập
Tất cả những cải cách, đổi mới chính sách giáo dục và mô hình đào tạo ĐH trên đây là cơ sở quan trọng để Trung Quốc thực hiện mục tiêu xây dựng các trường ĐH của họ thành những trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
(4) Quản lý giảng dạy
Nhiều trường ĐH nhấn mạnh đến gắn lý thuyết với thực tiễn. Một số trường ĐH lớn đang từng bước thực hiện loại hình giảng dạy tư vấn (advisory teaching), ở đó chuyên gia tư vấn thuyết trình những chỉ dẫn khoa học cho sinh viên, còn sinh viên tiếp thu và học cách truyền cảm hứng. Giảng viên chuẩn bị bài giảng dưới hình thức thảo luận và gợi mở vấn đề cho người học suy nghĩ, từ đó khơi dậy sáng kiến và lòng nhiệt tình của sinh viên.
Một số biện pháp được đưa ra nhằm cải thiện chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Đó là việc trợ cấp cho những nghiên cứu sinh xuất sắc xuất bản luận án tiến sỹ có chất lượng và cải thiện các tiêu chuẩn về hệ thống thông tin và đánh giá chất lượng để đảm bảo độ tin cậy trong đánh giá tốt nghiệp để cấp bằng cho các cấp như tiến sỹ, thạc sỹ và ĐH. Đưa ra các chuyên ngành mới, mở các khóa học mới, với cách thức giảng dạy mới. Bộ Giáo dục cũng đã đưa ra một số yếu tố khác để nâng cao chất lượng giảng dạy như: đổi mới cập nhật sách giáo khoa, đa dạng hoá cách giảng dạy, sử dụng các cách giảng dạy hiện đại trên cơ sở tiếp xúc, gợi mở cho họ đưa ra những ý tưởng mới…