Chất lượng giáo dục đại học là gì?
Chất lượng giáo dục đại học là gì?
Chất lượng giáo dục là một khái niệm mở, có tính đa chiều, tùy theo quan điểm của các bên liên quan đến quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, khái niệm này có tính lịch sử cụ thể, thay đổi theo thời gian và theo trình độ phát triển của xã hội (Nguyễn Phương Nga, 2011). Khi bàn về chất lượng giáo dục đại học, Havey & Green (1993), Green (1994) đề xuất năm hướng tư duy, có tương quan mật thiết với nhau:
– Chất lượng là sự xuất sắc (Quality as exceptional), nghĩa là phải đạt được tiêu chuẩn cao.
– Chất lượng là sự hoàn hảo (Quality as perfection or consistency), nghĩa là không có lỗi trong quá trình đào tạo. Các quy trình và chuẩn đào tạo phải được đáp ứng hoàn toàn.
– Chất lượng là sự phù hợp với mục đích (Quality as fitness for purpose), nghĩa là chất lượng chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt trong mối quan hệ với mục đích của sản phẩm tạo ra. Trong quan điểm quản lý chất lượng truyền thống, quan niệm này có nghĩa là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng (Juran, 1988). Trong giáo dục đại học, quan điểm này có nghĩa là sự đáp ứng yêu cầu của các bên có lợi ích liên quan: người học, người sử dụng lao động, nhà nước…(Akao et al, 1996).
– Chất lượng là sự tương ứng với giá trị bỏ ra (Quality as value for money), nghĩa là chất lượng giáo dục đại học tương ứng với chi phí bỏ ra trong quá trình đào tạo.
– Chất lượng là quá trình biến đổi (Quality as transformation), nghĩa là quá trình đào tạo cần liên tục tạo ra sự biến đổi căn bản về chất. Trong giáo dục, quá trình biến đổi này được thực hiện bởi sự cải tiến và phân quyền cho cơ sở đào tạo và các tác nhân tham gia vào quá trình đào tạo.
Như đã đề cập ở trên, chất lượng giáo dục đại học là khái niệm mở, có tính đa chiều, tùy thuộc vào quan điểm của các bên có lợi ích liên quan. Do vậy, để hiểu được một cách toàn diện chất lượng giáo dục đại học cần xác định rõ các bên có liên quan và yêu cầu của họ.